Những giá trị văn hóa biển sẽ còn bền sâu nếu giữ được không gian sinh tồn của người dân vùng biển. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng để câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng biển không gặp phải những trắc trở...
NÉT ĐẸP Ở LÀNG
Gắn kết cộng đồng là giá trị văn hóa sâu sắc, xuyên suốt đời sống của làng biển ở Quảng Nam.
Từ lễ hội cầu ngư
Sau những ngày nghỉ tết, bước vào năm sản xuất mới, ở làng biển Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, Núi Thành), rộn ràng tiếng chiêng, trống, xập xỏa của lễ hội cầu ngư. Hình thức sinh hoạt văn hóa này chứa đựng những giá trị độc đáo, là kết tinh của tín ngưỡng cộng đồng, “sợi chỉ đỏ” kết nối tạo nên sức sống trường tồn của làng biển.
Sức sống ấy không chỉ thể hiện ở khát vọng vươn tới cuộc sống ấm êm mà còn là nét đẹp về đời sống tinh thần phong phú, giàu giá trị nhân văn của cộng đồng ngư dân. Trước khi diễn ra lễ hội chính vào ngày 16 tháng Giêng, các gia đình ngư dân, nhà nào có nhiều thì đóng góp nhiều, nhà nào có ít thì góp ít, có khi là tiền của, có khi chỉ là góp công dựng rạp, khiêng vác các dụng cụ thờ tự, nồi niêu, chén bát. Vì là tín ngưỡng thờ tự nên không ai bảo ai, cả làng cùng dọp dẹp, sửa soạn nơi thờ tự, cúng bái.
Lễ hội của làng biển Sâm Linh Tây nhưng cộng đồng ngư dân các thôn Trung Toàn, Sâm Linh Đông, An Hải Đông, An Hải Tây cũng có mặt, viếng hương, hàn huyên, chia sẻ, náo nhiệt ở phần hội, trang nghiêm ở phần lễ. Ngư dân Trần Sành - một trong những chủ tế của lễ hội cầu ngư thôn Sâm Linh Tây cho biết, phải kính cẩn dâng đồ tế lễ, dõng dạc đọc văn tế, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của dân làng đối với thần Nam Hải đã ngày đêm che chở, độ trì, giúp ngư dân bám biển an toàn và thu được nhiều hải sản.
“Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân tưởng nhớ các bậc tiền nhân mở cõi, mở nghiệp biển và truyền lại cho con cháu phát huy, gìn giữ đến tận bây giờ. Lễ hội là của cộng đồng nên không phân biệt đóng góp nhiều hay ít, chỉ cần cả làng góp sức, tổ chức bài bản, quy chuẩn là thành công” - ông Trần Sành nói.
Lễ hội cầu ngư ở các làng biển Hội Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) hay Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình)... dù có khác nhau về quy mô, thời gian nhưng vẫn có điểm chung là tích hợp các hình thức diễn xướng dân gian, nổi bật là hát múa bả trạo. Nghệ thuật diễn xướng này lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng ngư dân làng biển.
Trong âm thanh náo nhiệt của các loại nhạc cụ, rồi cờ, lọng, kiệu hoa, các “con trạo” cầm chèo cùng nhịp nhàng mô phỏng quá trình bám biển nhiều cam go nhưng đồng lòng vượt qua bão dông, đưa tàu thuyền cập bến an toàn, thu được thành quả lớn.
Ông Nguyễn Văn Tám - người cầm trịch các đội hát múa bả trạo ở các làng biển của xã Bình Minh cho rằng, nghệ nhân dân gian giữ vai trò then chốt trong việc giữ gìn, phát triển hình thức hát múa bả trạo. Đó là linh hồn, “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đến đoàn kết bám biển
Ông Phạm Văn Nên - Trưởng Phòng VHTT huyện Núi Thành: Có đề án bảo tồn nhưng chưa hiệu quả
Không gian các làng biển Núi Thành vẫn còn nguyên, rất đáng mừng. Các giá trị văn hóa làng biển như phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân làng vốn rất phong phú, đa dạng nhưng có nguy cơ bị bào mòn. Hát múa bả trạo trên địa bàn đang mai một. Có nơi sưu tầm, biên tập nội dung và các làn điệu diễn xướng không đầy đủ, chưa lột tả được thần thái của bả trạo. Có địa phương sử dụng lễ phục chưa đầy đủ, thiếu tính truyền thống. Có xã chỉ sử dụng nhạc cụ là trống và cặp phách, thiếu thanh la, nạo, bạt nên không hấp dẫn. Chúng tôi đề xuất triển khai giảng dạy hát múa bả trạo trong trường học qua các lớp ngoại khóa; đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ thêm kinh phí để thiết thực giúp các cộng đồng dân cư ven biển khôi phục hoạt động bả trạo. VIỆT NGUYỄN (ghi)
Gắn kết cộng đồng biểu hiện rõ nhất trong thực tiễn sản xuất trên biển của ngư dân. Lão ngư Nguyễn Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đã già, không đi biển được nữa nhưng đã đóng đội tàu lớn 7 chiếc để con cháu, người thân, làng giềng bám biển. Ông nói, nghề biển xa bờ không dung nạp những ngư dân sản xuất riêng lẻ, vì không chóng thì chầy sẽ bị nuốt chửng xuống biển sâu. Không năm nào không có biển động dữ dội, thất thường nên ngư dân bắt buộc phải nương tựa vào nhau, đoàn kết cùng vượt qua sóng to, gió lớn để kiên tâm với nghiệp biển.
Mùa biển động năm 2019, tàu câu mực khơi QNa-91928 của ngư dân Bùi Văn Quốc (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) bị nạn ở vùng biển Trường Sa do dông lốc bất ngờ tấn công. Tàu chìm, chủ tàu và 40 bạn biển bám vào các can dầu, trôi nổi trên biển gần 2 ngày đêm, khi tuyệt vọng thì may mắn được tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi phát hiện, vớt lên tàu rồi thông báo để lực lượng chức năng đến đưa vào bờ.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, rất nhiều lần tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi không may bị chết máy đã được tàu cá của ngư dân Quảng Nam phát hiện, bỏ chuyến biển, lai dắt về bờ. Ngư dân Quảng Ngãi đáp lại tình nghĩa đó cũng nhiều lần bỏ chuyến biển hỗ trợ tàu cá của ngư dân Quảng Nam vượt qua tai ương.
“Các ngư dân trong cùng một tàu cá hay giữa tàu này với tàu khác luôn đoàn kết, tương trợ nhau vượt qua những biến động bất ngờ trong quá trình sản xuất nhiều rủi ro. Chỉ có đoàn kết ngư dân mới duy trì nghiệp biển của mình” - ông Ngô Tấn nói.
Nhờ gắn kết cộng đồng hay đoàn kết bám biển, ngư dân đã chia sẻ thông tin ngư trường, phối hợp sản xuất, đưa hải sản chung về bờ bán rồi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra biển phục vụ quá trình sản xuất, tạo thành công cho những chuyến biển. Tổ đoàn kết số 4 (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) có 5 thành viên cùng nghề lưới vây là Trần Hùng, Trần Chinh, Phạm Xuân Lệ, Phạm Xuân Anh và Nguyễn Phương. Hoạt động rất quy củ, ở mỗi mùa trăng, cả 5 thành viên thống nhất ngày cùng xuất bến. Đến ngư trường Hoàng Sa, tàu cá nào dò được đàn cá lớn thì báo cho các tàu cá còn lại đến phối hợp vây bắt. Khi cá nục, cá ngừ đã đầy, một tàu trong số đó sẽ đưa hải sản về bờ, bán xong, thu mua nhu yếu phẩm, nhiên liệu ra biển tiếp tục phối hợp sản xuất. Với cách làm đó, các tàu luôn ổn định sản lượng hải sản, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển. Khi thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, cả 5 tàu dùng dây thừng buộc lại thành khối vững chắc nên giảm thiểu tai nạn trên biển.
GIỮ KHÔNG GIAN SINH TỒN
Trao đổi với PV Báo Quảng Nam ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), cho rằng, văn hóa biển ở Quảng Nam đang bị tác động và mai một bởi rất nhiều yếu tố.
PV:Những giá trị đặc sắc của truyền thống văn hóa biển đang bị đứt gãy bởi một số yếu tố. Là người có nhiều nghiên cứu về văn hóa biển, ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?
* Ông Tôn Thất Hướng: Những năm gần đây, sự thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội và do chính đặc trưng của di sản văn hóa truyền thống, hiện tượng mai một, thất truyền, đứt gãy của một số truyền thống văn hóa đang xảy ra. Giá trị phức hợp đích thực của văn hóa truyền thống có ảnh hưởng của nghi lễ Saman giáo trong lễ hội cầu ngư và các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian miền biển không đơn giản như một loại hình nghệ thuật thông thường mà chúng là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp của một quá trình văn hóa.
Mặc dù có rất nhiều giá trị nhưng số lượng và chất lượng văn hóa truyền thống biển đang bị thoái hóa. Toàn tỉnh chỉ còn lại một số ít lễ hội tiêu biểu, giữa các lễ hội làng xã gần như có sự trùng lặp, giống nhau về các bước tiến hành, chưa thể hiện được những nét độc đáo của từng lễ hội. Các hình thái diễn xướng dân gian, hát hò khoan, nhân ngãi, hát bả trạo, bài chòi, tri thức dân gian bản địa chỉ còn một vài người cao tuổi nhớ được, và khi họ qua đời thì tất cả sẽ đi vào quên lãng. Sự quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống biển của các tầng lớp cư dân ở miền biển còn rất hạn chế. Những người am hiểu về phong tục tập quán, những lễ hội truyền thống không nhiều, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các công trình văn hóa truyền thống như đình tiền hiền, lăng, miếu, di tích lịch sử văn hóa đang bị xuống cấp.
Bên cạnh đó, việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa này chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác quản lý còn bộc lộ những bất cập, chưa có được những mô hình, những phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa thực sự có hiệu quả trong cộng đồng. Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa biển nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, đủ, chưa thống nhất cao. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống miền biển đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là thiếu sự tương thích giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt là sự thiếu hụt về số lượng cán bộ làm công tác văn hóa. Việc sưu tầm văn hóa làng biển ở Quảng Nam còn bị bỏ ngỏ, nhận thức của chúng ta về thực trạng và vai trò của văn hóa biển trong đời sống cũng như các hoạt động nghệ thuật dân gian khác còn bị xem nhẹ.
PV: Vậy theo ông, chúng ta nên có những hành động gì để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống biển?
* Ông Tôn Thất Hướng: Về mặt xã hội, quá trình phát triển vùng biển Quảng Nam phải theo hướng bền vững, bảo đảm không thúc đẩy cho xã hội phân hóa quá mức, không để cho một bộ phận giàu lên nhanh chóng còn đa số người dân thì bị bần cùng hóa. Vì nếu vậy thì sự phát triển sẽ dẫn đến xung đột xã hội và tất nhiên hậu quả khó lường. Điều quan trọng nhất là không cào bằng về mặt văn hóa. Nếu các dự án phát triển triển khai trong khu vực đa văn hóa, phải bảo đảm không làm mất đi sự đa dạng về văn hóa.
Cần giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, giữa phát triển kinh tế với kế thừa và bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa. Các chính sách phát triển kinh tế xã hội ở miền biển cần phải tính đến yếu tố văn hóa như một yếu tố hàng đầu. Để người dân miền biển có điều kiện sáng tạo, thực hành, trao truyền văn hóa cần phải có không gian sinh tồn (làng biển, nghề biển) của cư dân. Nếu người dân mất đi không gian sinh tồn đó, cũng có nghĩa là truyền thống văn hóa biển sẽ không có nơi sinh ra và phát triển.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa ở miền biển Quảng Nam, cần chú trọng khôi phục những giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tập quán xã hội, xây dựng, tôn tạo lại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng. Đây là vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện đại. Việc bảo tồn không thể tách rời với việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa. Nói cách khác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa không đơn giản là gìn giữ được những giá trị văn hóa biển mà quan trọng hơn chính là khơi dậy tình yêu biển đối với cộng đồng, để những di sản tinh thần, vật chất đã gắn liền với người dân Quảng Nam luôn song hành với đời sống của họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế biển.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Sức hút lạ lùng của những ngôi làng ven biển phần lớn nằm trong cách người miền biển cư xử, cách họ làm du lịch cộng đồng tuy giản đơn nhưng ấm lòng người tìm đến...
Những câu hát hò khoan, câu hô bài chòi, âm vang rộn rã của đội bả trạo... phần nào đó làm nên dấu ấn của du lịch vùng ven biển. Cùng với cảnh sắc, những câu chuyện của làng biển, những nếp sinh hoạt, những tập tục cũ là thứ níu chân người đến, người về. Người làng biển, họ giữ lấy văn hóa truyền thống theo cách của mình. Anh Lê Thành Trung, người giữ vai trò Tổng lái của đội bả trạo trong nhiều hội cầu ngư của xã Tam Thanh (Tam Kỳ), cho biết, múa hát bả trạo trong hội cầu ngư được người dân vùng biển vô cùng ưa thích. Đội bả trạo của Tam Thanh có rất nhiều thành viên trẻ tuổi. Họ là những thanh niên trong thôn được sự chỉ bày của người lớn, là cánh đàn ông vạm vỡ với tay bủa lưới ngang trên biển đêm, hay có khi là những anh em đang khởi sự làm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng Phòng VHTT TP.Hội An: Bảo tồn không gian, văn hóa biển gắn với du lịch
TP.Hội An có chiến lược lồng ghép văn hóa biển, không gian biển vào phát triển du lịch. Sức ép của đô thị hóa ngày càng lớn thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa biển, không gian biển càng phải quyết liệt hơn. Chúng tôi kết hợp hài hòa bảo tồn không gian biển, làng biển, hình thành các làng du lịch gắn với ẩm thực, vui chơi, giải trí, sinh hoạt làng biển. Theo đó, hình thành không gian mỹ thuật và bảo tồn hấp dẫn du khách, tham quan, chụp ảnh lưu niệm, chú trọng phát triển khai thác homestay, sinh hoạt theo phong tục, tập quán, lễ hội cùng người dân.
Đây là một trong những hướng đi quan trọng nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của vùng du lịch biển, đồng thời gìn giữ và lan tỏa được các giá trị văn hóa biển gắn với nếp sống sinh hoạt của người dân làng biển. Trong công tác bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa làng biển, người dân là nhân tố quan trọng để phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, cũng là nhân tố cốt lõi có thể thu hút khách du lịch. Bởi vậy, tạo cơ hội cho cộng đồng cũng chính là bảo tồn những giá trị văn hóa biển, đồng thời tạo nên những hướng đi mới khả quan hơn và giảm thiểu tác động đô thị hóa đến những giá trị không gian, văn hóa biển. QUANG VIỆT (ghi)
Ngày hội làng biển Tam Thanh năm nào cũng đầy chật người đến chơi. Đó có thể là Tam Thanh biển gọi - chương trình du lịch mùa hè do TP.Tam Kỳ tổ chức. Hay đơn thuần là hội cầu ngư truyền thống hàng năm. Những ngư dân nghỉ biển ở nhà dự hội làng. Họ vừa bày mâm cúng vừa xem diễn tấu bả trạo truyền thống làng mình. Với những người ở biển này, bả trạo không đơn thuần chỉ là nghệ thuật. Nó là ký ức văn hóa, là truyền thống cha ông một thuở, hay có khi là cả cuộc sống hiện tại của họ. Cuộc sống ở đầu sóng ngọn gió, chưa bao giờ thiếu những tiếng hò khoan hố hợi…
Các thế hệ đàn ông làng biển cứ vậy âm thầm cùng câu chuyện bả trạo trong suốt hành trình làm ngư dân, làm người làng biển của mình. Xuân kỳ, thu tế, cầu ngư, nghinh Ông…, những lễ hội chưa lần nào thiếu bước chân của những người già, người trẻ. “Lò hương nghi ngút, cảnh vật thảnh thơi/ Biển Đông mình giúp đỡ nơi nơi/ Thần Nam Hải oai phong lẫm lẫm/ Công tế độ đáng thêu bia gấm/ Cõi vô thường còn động lòng vàng/ Cảnh án duyên có vạn có làng/ Xin chúng đẳng chỉnh tề bái yết…” - tiếng hô sang sảng từ Tổng mũi vọng lên với bước đi hia oai phong, nghi thức tế lễ linh thiêng nhất của “vạn”, bắt đầu...
Về với làng biển, không chỉ có phong cảnh, ẩm thực. Một chuyến trải nghiệm làng biển với rất nhiều giá trị đặc sắc từ chính nếp sống hằng ngày của cư dân miền biển là điều nên chăng. TS. Phạm Quốc Quân cho rằng, văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa biển đảo Việt Nam vô cùng phong phú, được biểu hiện dưới nhiều dạng thức. “Đó là những kinh nghiệm sống và làm ăn của cư dân được tích tụ và truyền lại từ nhiều thế hệ. Đó là những tri thức được tích lũy và ứng dụng thông qua sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất mùa vụ. Đó là những tín ngưỡng, dân ca, truyền thuyết, thần thoại được sáng tạo và hội nhập từ nhiều nền văn hóa và văn minh, qua bao thế hệ do lợi thế vị trí biển đảo đem lại” - ông Quân chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng: “Trước khi nói đến việc giáo dục hay hỗ trợ cộng đồng, Quảng Nam cần kiên định với quy hoạch bảo tồn biển. Người làng biển sẽ không cần hỗ trợ nhiều nếu như không gian sống được đảm bảo, bởi vì còn cộng đồng tức là sẽ còn di sản. Trong không gian gắn kết của những ngôi làng, bản sắc văn hóa sẽ còn ở đó, bền sâu”.