Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi Quảng Nam đã và đang bị mai một. Điều này đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc gìn giữ từ đồng bào miền núi mà còn cần sự nhìn nhận đúng đắn về phương cách bảo tồn từ phía chính quyền, các ngành hữu quan...
GIỮ HỒN CỐT NHÀ LÀNG
Sau hàng chục năm “vắng bóng”, nhà làng truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh đang dần được phục hồi, tạo không gian sinh hoạt cho cộng đồng miền núi. Nhưng giờ đây, niềm vui ấy với họ vẫn chưa thể trọn vẹn khi bài toán về vật liệu thay thế đang trở thành nỗi lo lớn, thách thức công tác bảo tồn.
Nhà chung cộng đồng
Gươl của người Cơ Tu, âng của người Ve, Tà Riềng hoặc dư plây của người Co… đều được xem là nhà chung cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt, hội họp, đón tiếp khách của làng. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc cúng tế thần linh trong dịp ăn tết mùa, đón năm mới, kết nghĩa anh em giữa các làng, nóc. Vì thế, nhà làng trở thành không gian chung, được dựng nên từ sức mạnh và tinh thần đoàn kết của cộng đồng miền núi. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, nhiều nhà làng truyền thống của đồng bào đã bị mai một, có thời điểm “biến mất” khỏi cuộc sống cộng đồng vùng cao, khiến nhiều người tiếc nuối.
Khoảng đầu thập niên 2000, một số địa phương miền núi chủ trương khôi phục nhà làng, xem đây là một trong những dự án bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào. Chủ trương đó, sau này được đưa vào nghị quyết của cấp ủy đảng, giúp nhà làng được “tái sinh”. Không chỉ nhà làng, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang còn khôi phục cả moong (nhà sinh hoạt gia đình), gươl tô bhúh (nhà tộc họ) phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Già làng Clâu Nhấp, ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang) cho hay, từ chủ trương của huyện, năm 2005, đồng bào Cơ Tu địa phương đã tổ chức xây dựng không gian nhà làng truyền thống trên mặt bằng dân cư mới, với quy mô lớn nhất huyện. Ngoài gươl mẹ (gươl chung của làng), xung quanh còn có 9 gươl con (gươl tô bhúh) tượng trưng cho 9 tộc họ trong làng. Tùy mức độ sự kiện lớn nhỏ, có thể được tổ chức tại gươl mẹ hay gươl tô bhúh.
“Gươl của người Cơ Tu được làm hoàn toàn bằng gỗ nên rất chắc và có độ bền cao, duy trì hơn 10 năm mà không hư. Gươl như hồn người Cơ Tu nên phải được gìn giữ và bảo tồn. Chỉ có điều công việc tìm nguyên vật liệu gỗ, mây rừng không còn như trước đây” - già Nhấp tâm sự.
Lo vật liệu thay thế
Những năm gần đây, sau thời gian phục hồi, nhiều nhà làng ở vùng cao đã bị hư hỏng nặng, cần được sửa chữa, bảo tồn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại vướng phải một trở ngại lớn khiến nhà làng đang đứng trước nguy cơ biến dạng. Khan hiếm vật liệu tự nhiên, ở một số vùng, không còn cách nào khác, đồng bào chấp nhận bê tông hóa nhà làng truyền thống một cách bất đắc dĩ. Từ Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức… bây giờ, nhiều nhà làng đã được bê tông hóa, làm mất đi vẻ đẹp xưa cũ.
Nghệ nhân Dương Lai (dân tộc Co, ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) cho rằng, trước khó khăn về vật liệu gỗ, dù không muốn nhưng việc thay thế bằng vật liệu xi măng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc bê tông chỉ cho phép ở phần trụ, còn phên, sạp và một số kiến trúc khác phải được giữ nguyên trạng, đảm bảo “hồn cốt” cho nhà làng truyền thống.
“Phên nhà làng có thể tận dụng gỗ keo, gỗ mít để đóng; sạp có thể làm bằng tre, nứa; mái lợp lá cọ, lá mây. Chứ bê tông hết từ đầu đến cuối, nhà làng sẽ như một khối xi măng, không ra gì hết. Mà đã có nhiều vùng làm như thế rồi, nhìn cứ như kiến trúc nhà làng ở đồng bào phía Bắc, không giống văn hóa Co chút nào” - ông Lai bộc bạch.
Cũng theo ông Lai, nhà làng của đồng bào Co xưa vốn được làm theo kiểu nhà dài ở từng nóc, là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình. Mọi chuyện sinh hoạt, cúng tế đều diễn ra tại đây. Tuy nhiên, nhà làng của người Co đã bị mai một dần, rồi biến mất trong đời sống cộng đồng. Vì thế, bây giờ nếu phục hồi cũng nên giữ theo kiến trúc truyền thống để thế hệ trẻ người Co hiểu rõ hơn về văn hóa cha ông ngày trước.
NGĂN SỰ LAI TẠP
Trước thực trạng ngôn ngữ của đồng bào các DTTS đang dần có xu hướng “ngoại lai”, việc tìm cách ngăn ngừa, hạn chế sự pha tạp ấy là điều hết sức cần thiết của cả cộng đồng lẫn các cấp chính quyền địa phương miền núi.
Nỗ lực từ cơ sở
Vài năm trở lại đây, mặc dù chưa có bất kỳ số liệu chính thức nào được công bố về tỷ lệ con em đồng bào DTTS “quên” tiếng mẹ đẻ, nhưng sự lo ngại vẫn thường trực với nhiều người miền núi, nhất là ở nhiều vùng có điều kiện kinh tế phát triển như thị trấn, thị tứ… Ở những vùng này, đa số trẻ em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng tiếng phổ thông, ít tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ nên tình trạng trẻ không nói được tiếng địa phương trở nên khá phổ biến.
Già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến tiếng nói của đồng bào đang dần bị “Việt hóa” hoặc lai tạp. Nguyên nhân lớn nhất, ngoài trẻ ít được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ do cha mẹ không cùng dân tộc, phần lớn các em có tâm lý e ngại khi nhận mình là người DTTS.
Từ nhận thức sai lệch này khiến trẻ mất dần vốn văn hóa truyền thống, mà đáng lý ra chính họ là những chủ thể kế cận. Chưa kể, hệ lụy từ phim ảnh, mạng xã hội và sự giao thoa quá đà… đã khiến tiếng nói của đồng bào miền núi đang dần có nguy cơ “ngoại lai”, thiếu sự trong sáng vốn có lâu nay. Không kể từ vay mượn, ở một số vùng, đồng bào sử dụng tiếng Việt để thay thế tiếng mẹ đẻ như một trào lưu ở phố núi.
Không chấp nhận sự lai tạp đó, nhiều năm qua, già Bh’ling Hạnh đã tự mày mò hoàn thiện “giáo án” riêng để truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào trong làng. Ban đầu, lớp học về văn hóa trống chiêng kết hợp các điệu múa tân tung, da dá được truyền dạy cho đội trống chiêng “nhí”, sau đó ông “phổ cập” dần cho cả làng, đồng thời mở rộng thêm lớp học về chữ viết và tiếng nói của đồng bào mình.
Già Hạnh chia sẻ, để lớp học thêm hiệu quả, bên cạnh đưa ra quy tắc trong buổi học phải giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ, già còn khuyến khích việc dịch các bài hát dân ca, viết thư bằng chữ Cơ Tu, nhằm rèn luyện vốn liếng cho “học trò”. Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều người đọc chuẩn, viết thạo tiếng Cơ Tu và tự tin giao tiếp trong cộng đồng. “Tiếng nói của mình thì mình phải giữ. Nếu để xáo trộn tùm lum tà la, thì không còn là tiếng nói của mình nữa. Như thế thì buồn lắm” - già Hạnh bộc bạch.
Chung tay
Nhận diện nguy cơ ngôn ngữ ngày càng bị lai tạp trong đời sống cộng đồng vùng cao, những năm gần đây, cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, già làng, chính quyền các địa phương miền núi đã tìm cách khắc phục, đưa văn hóa truyền thống (trong đó có ngôn ngữ, chữ viết) trở thành tiết học bổ ích tại các trường phổ thông, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và làm quen dần với văn hóa nguồn cội.
Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, không chỉ các em học sinh, nhiều cán bộ của địa phương cũng đang tiếp tục nghiên cứu, học lại chữ viết, tiếng nói của đồng bào mình để phục vụ kỹ năng giao tiếp. Đây được xem là việc làm cần thiết, vì thế được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo mọi điều kiện để cán bộ học tập và trao dồi khả năng đọc, viết chữ Cơ Tu.
Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, hậu quả từ việc chính quyền chưa quan tâm đúng mức, cũng như thiếu sâu sát trong công tác văn hóa dân tộc trước đây khiến nhiều thế hệ trẻ miền núi “quên” dần tiếng mẹ đẻ và chữ viết của đồng bào mình. Trong đó, lỗi phần lớn là ở gia đình và cộng đồng, điều này rất dễ thấy ở các thị trấn, vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
“Cha mẹ làm cán bộ nhà nước, định cư luôn ở thị trấn nên ít đưa con cái về thăm quê. Ở môi trường mới, trẻ chỉ được giao tiếp bằng tiếng Việt, dần dà tiếng mẹ đẻ cũng không còn nhớ gì nhiều, rồi quên hẳn. Bây giờ thì hậu quả đã thấy rõ, nên cần phải tìm cách khắc phục, tránh hệ lụy tiếp tục kéo dài” - ông Mươk chia sẻ.
Cũng theo ông Mươk, một trong cách khắc phục hiệu quả nhất, ngoài nỗ lực của cộng đồng, cần có sự vào cuộc quyết liệt và chung tay từ phía chính quyền địa phương, thông qua các chính sách hỗ trợ, các giáo trình giảng dạy tiếng nói, chữ viết cho con em đồng bào DTTS tại các trường học chuyên biệt, như trường dân tộc nội trú, trường nghề miền núi…
CẦN ĐỊNH VỊ BẢN SẮC MIỀN NÚI
Lai tạp văn hóa từ trang phục truyền thống cho đến các sinh hoạt cộng đồng. Liệu câu chuyện bảo tồn sẽ thực hiện như thế nào trước thực trạng báo động hiện nay của việc mai một bản sắc? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của những người liên quan.
Ông Nguyễn Hoàng Bích – Chủ tịch Hội VHNT: Vấn đề đã được báo động từ lâu
Hiện nay các bản làng miền núi với vốn liếng văn hóa từ trang phục, chữ viết, tiếng nói… đang dần mai một. Cách đây vài năm, khi một đoàn làm phim muốn tìm một ngôi làng của đồng bào còn nguyên vẹn để làm bối cảnh thì khó hơn cả hái sao trên trời. Một số nơi bị “đồng bằng hóa” hoàn toàn từ nhà ở cho đến nhà làng, trang phục cho đến tiếng nói. Ngay cả những ngày lễ hội, với sắc phục độc đáo nhất của đồng bào mình mà vẫn bị lai tạp.
Đây là vấn đề đã được báo động từ hơn 10 năm trước. Tôi từng ở trong đoàn công tác đi kiểm tra về đời sống văn hóa cơ sở tại miền núi và vô cùng thất vọng vì những ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng làm bằng bê tông, lợp tôn. Vật liệu thay thế là điều cần thiết khi chủ trương đóng cửa rừng của Nhà nước đưa ra, nhưng không vì thế mà phải xây dựng những nhà làng kiên cố mà vô hồn. Lớp trẻ lớn lên không hề biết hình dạng nguyên mẫu của nhà làng cộng đồng mình là điều đáng nguy vô cùng.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Muôn vàn khó khăn
Việc bảo tồn văn hóa miền núi nếu làm sớm cách đây 20 năm thì hay biết mấy, vì khi ấy, các nghệ nhân già làng còn sống, họ sẽ là kho tàng sống để chúng ta phục dựng những giá trị văn hóa của đồng bào. Bây giờ mới tập trung mạnh cho bảo tồn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngay ở Nam Trà My, mọi thứ gần như phai nhạt hết. Ngày xưa còn nhà làng truyền thống bằng nứa bằng tre, lồ ô, gỗ chẳng hạn. Bây giờ làm lại với các chất liệu như vậy rất khó.
Với trang phục truyền thống, huyện Nam Trà My dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo nghiên cứu chuyên đề về trang phục. Vì hiện nay, tại địa phương, từ Xê Đăng, Bh’noong, Ca Dong đều mặc trang phục na ná nhau, và học theo đủ thứ kiểu hoa văn của các dân tộc khác, thậm chí từ Tây Bắc, Tây Nguyên. Cho nên địa phương mới tính đến chuyện mời các già làng trưởng bản, các vị lão thành cách mạng, những nhà văn hóa để nghiên cứu về trang phục truyền thống, rồi đi đến thống nhất về trang phục của các dân tộc miền núi Nam Trà My.
Xuất xứ nguồn gốc trang phục của đồng bào địa phương chúng tôi không có, chỉ mặc khố từ Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong. Sau này có sự trao đổi hàng hóa với người Kinh nên mới có ra chuyện mặc áo quần này nọ. Nên trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc ở huyện Nam Trà My gần như mất cả. Nghề dệt truyền thống cũng không có. Đây là điều vô cùng khó khăn.
Việc phục dựng lễ hội, đặc biệt là các lễ hội đâm trâu thì nay người dân không muốn làm. Về tiếng nói, hiện nay đến 30-40% con em ở địa phương sinh ra là không biết tiếng mẹ đẻ.
Bà Lê Thị Thủy – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Bài toán khó cho Quảng Nam
Vật liệu cho nhà làng có thể sử dụng vật liệu tương ứng. Sử dụng bê tông là chuyện bất đắc dĩ mà thôi. Đây là bài toán khó cho Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đã có đề án trồng rừng gỗ lớn và chúng tôi cũng hy vọng khá nhiều từ đề án này. Các địa phương cần tùy tình hình cụ thể của mình để làm cho phù hợp.
Vấn đề dạy chữ trong trường học, tùy theo điều kiện tình hình mỗi địa phương hiện nay. Có địa phương đã biên soạn được chữ viết của đồng bào thì có thể vận dụng ngay, đem ra giảng dạy trong nhà trường. Những nơi chưa có thì thực hiện sau. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề lâu dài chứ không thể ngày một, ngày hai. Hiện học sinh có cha mẹ là người DTTS làm việc ở cơ quan nhà nước thì gần như không biết nói tiếng của dân tộc mình.
Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Đào tạo người dạy tiếng Cơ Tu
Hiện tại địa phương đã có 43/63 thôn có gươl. Những gươl này đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường, thậm chí có gươl vì bí quá nên phải mua dừa nước tại Hội An về lợp. Tây Giang đã phối hợp với Sở Giáo dục mở một lớp đào tạo tiếng Cơ Tu cho cán bộ đương chức trước đây học ngành sư phạm và đã từng giảng dạy cũng như các thầy cô đang giảng dạy tại địa phương. Chúng tôi muốn đào tạo họ sau này thành những người thầy người cô để tiếp tục dạy cho lớp trẻ.
BẢO TỒN CẤP THIẾT
Không chỉ với giá trị hữu hình như nhà làng hay trang phục, thậm chí cả một mảng rất lớn như ngôn ngữ và những lễ hội truyền thống cũng đang đứng trên bờ vực mất mát...
Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các DTTS miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025” được Sở VH-TT&DL xây dựng và sẽ được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay. Theo đó, sẽ có các hạn mức hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình văn hóa, dựa trên nguyên tắc có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, lấy cộng đồng làm chủ thể. Sẽ có 10 mục tiêu cụ thể được hỗ trợ bảo tồn, như ngôn ngữ, chữ viết; xây dựng mới và sửa chữa nhà làng truyền thống cho các thôn; bảo tồn, phát huy nghề dệt và trang phục truyền thống; hỗ trợ các thôn, các trường phổ thông dân tộc nội trú chiêng, trống để duy trì, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng, bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian... Tổng kinh phí hơn 245 tỷ đồng.
Nhạc sĩ Dương Trinh cho biết, hiện nay các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở nhiều nơi đã có nhiều biến đổi và bị phai tạp rất nhiều. Con số khá ngỡ ngàng từ thống kê của Sở VH-TT&DL là hiện nay có đến 220/263 thôn không còn trống chiêng thuộc sở hữu của cộng đồng. Các thôn nếu có thì cũng chủ yếu thuộc sở hữu của các hộ gia đình. Các điệu múa trống, chiêng do đó ít được thực hành trong cộng đồng dân cư mà chủ yếu tập trung vào những người lớn tuổi.
“Không thể tránh khỏi thực trạng mai một, văn hóa miền núi bị xâm lấn từ phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, âm nhạc… Các phong tục tốt của làng bị biến dạng, không thể giữ nền nếp như xưa; âm nhạc không thể duy trì các làn điệu, nhạc cụ truyền thống bởi sự xâm nhập của rất nhiều yếu tố ngoại lai. Giờ người dân bản làng nào cũng có ti vi, có cả thiết bị công nghệ hiện đại, không thể trách đồng bào vì ngày nào họ cũng nghe nhìn nhiều những chương trình giải trí hiện đại như vậy. Nó ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa truyền thống lúc nào không hay” - nhạc sĩ Dương Trinh nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ biến mất. Ở nhiều cộng đồng, văn hóa truyền thống không còn được coi là cốt lõi, là linh hồn của dân tộc. Tiếng nói, chữ viết, trang phục không còn hoặc ít được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhà ở của người dân tại nhiều nơi, nhất là tại các khu tái định cư chủ yếu theo kiến trúc người xuôi. Việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống có nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và đang có nguy cơ hiện đại hóa với các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn… Số nghệ nhân dân gian - những người được coi là “báu vật sống”, lưu giữ một kho tàng văn hóa dân tộc đang ngày càng hiếm hoi...
“Nguyên nhân khiến các di sản văn hóa quý báu của đồng bào đang mất đi, từ các chủ trương chính sách chưa phù hợp cho đến cả việc bảo tồn nhiều khi chưa xuất phát từ cộng đồng, vì cộng đồng, chưa phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng nên dẫn đến việc chính quyền làm thay người dân trong công tác bảo tồn. Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, để có giải pháp tốt hơn” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.