Bảo tồn văn hóa miền núi: Cần giữ giá trị bản sắc

XUÂN HIỀN 29/10/2018 03:28

Dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” tiếp tục được mang ra mổ xẻ bởi những người trong cuộc. Sau nhiều lần tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến cũng như trực tiếp đi khảo sát hiện trạng tại một số huyện miền núi, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Đây là một đề án rất khó, sau nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa thống nhất. Hiện nay có 9 huyện miền núi, nhưng đề án tập trung vào 7 huyện có đông đồng bào sinh sống và đang có các lễ hội, di sản, nghề truyền thống”.

Các giá trị văn hóa truyền thống cần có người kế cận để thực hiện công tác bảo tồn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các giá trị văn hóa truyền thống cần có người kế cận để thực hiện công tác bảo tồn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo dự thảo của đề án, các nội dung nằm trong mục tiêu hỗ trợ, bảo tồn sẽ được chia làm 2 giai đoạn hỗ trợ, giai đoạn 1 từ 2019 - 2020, giai đoạn 2 từ 2021 - 2025 với việc hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc, hỗ trợ cồng/trống - chiêng, hỗ trợ truyền dạy kỹ năng thực hành các di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ kinh phí cho các CLB, đội nhóm nghệ thuật truyền thống đến việc đưa di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú của tỉnh và các huyện... Tổng kinh phí dự kiến hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách và  chi cân đối từ nguồn ngân sách địa phương.

Liệu những chủ trương hỗ trợ của Nhà nước có khiến đồng bào miền núi bị động trong cuộc sống của mình? Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy  Đông Giang cho biết: “Chương trình 135 của Chính phủ vài năm trước, tôi có đề xuất đưa vào nội dung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên giai đoạn lúc đó chỉ giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng, sản xuất”. Các mái nhà tôn xuất hiện nhiều ở các thôn, bản thì cũng đồng thời báo động về đời sống văn hóa tập tục của đồng bào bắt đầu khác đi. Văn hóa các tộc người thiểu số mai một được xác định lý do bởi thị trường, tiếp biến các văn hóa khác, ngoại lai, đô thị hóa miền núi… Ông Nguyễn Bằng cho rằng, đề án cần phải xác định được trọng tâm là gì, không chỉ nên bảo tồn “phần vỏ” mà phải quan tâm đến “phần ruột” của đời sống văn hóa của đồng bào.

Tại hội nghị lấy ý kiến về xây dựng đề án tổ chức hồi cuối tuần qua, khá nhiều ý kiến từ những người nghiên cứu văn hóa miền núi, chính quyền địa phương... đều đồng tình với câu chuyện thiếu thốn nguồn nhân lực làm văn hóa tại miền núi. Và đây chính là “phần hồn” làm nên giá trị văn hóa miền núi. Nhạc sĩ Dương Trinh, dân tộc Co, người có thời gian dài gắn bó với công tác sưu tầm văn hóa nghệ thuật truyền thống, chia sẻ: “Lâu nay đã có nhiều nghị quyết liên quan đến văn hóa. Tuy nhiên, sự đầu tư vẫn dàn trải, hoạt động không hiệu quả. Tôi thấy đồng bào không được mấy người đi học về văn hóa. Vai trò về văn hóa quần chúng đang mất dần. Nếu đồng bào đi học thì lại học về quản lý văn hóa hoặc học du lịch. Vậy ai làm văn hóa để cho anh quản lý; rồi nếu không có điểm văn hóa thì làm thế nào để phát triển du lịch?”. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Bằng nói, để công tác bảo tồn văn hóa đạt hiệu quả cao nhất, Nhà nước phải nghiên cứu, đào tạo con người; cần có chính sách để đào tạo người tại chỗ. Nguyên tắc bảo tồn phát huy các giá trị phải ở ngay chính trong cộng đồng, các thiết chế nhà làng phải ở đó, “phải có hơi ấm người”.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh yêu cầu nội dung đề án phải bám theo Nghị quyết 33 ban hành năm 2014 của Chính phủ và Chương trình 29 của Tỉnh ủy. “Đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp từ chiến tranh đến hòa bình, đề nghị đề án phải xem xét đến văn hóa yêu nước của đồng bào, vấn đề cốt lõi phải tập trung vào con người. Đề án phải khơi gợi được tính tích cực mà đồng bào đã có qua 2 cuộc kháng chiến; chính sách cần có tác động tích cực với đồng bào. Nhiệm vụ đề án phải tìm ra nguyên nhân của sự mai một, thụ động để khêu gợi lại tinh thần văn hóa cốt lõi, bản sắc của người miền núi. Tôi nghĩ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các huyện miền núi cần xác định trọng tâm của đề án, vấn đề của địa phương mình hiện tại là gì” - Phó Chủ HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh nói.

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn văn hóa miền núi: Cần giữ giá trị bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO