Bảo tồn văn hóa miền núi: Những "điểm xuyết" bị lãng quên

LÊ QUÂN 12/06/2014 09:04

Sẽ không thật đầy đủ nếu nói đến những thách thức trong chuyện bảo tồn văn hóa ở miền núi lại không nhắc đến một bảo tàng văn hóa vẫn còn nằm trên giấy và một không gian cồng chiêng đang đổi nhịp.

Văn hóa làng ở miền núi đang dần mất và sẽ không còn bản sắc, nếu các cấp ngành chức năng không mau chóng có những động thái sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn.Ảnh: S.T
Văn hóa làng ở miền núi đang dần mất và sẽ không còn bản sắc, nếu các cấp ngành chức năng không mau chóng có những động thái sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn.Ảnh: S.T

Bảo tàng “trên giấy”

Nằm ở trung tâm huyện Tây Giang, làng truyền thống Cơ Tu được dựng trên mô đất cao. Đứng ngay con đường trải nhựa ngước nhìn lên, làng chìm trong bảng lảng khói sương. Còn khi đã đặt chân đến đây, nhìn phức hợp nhà cửa, đường sá của một huyện vùng cao, lại chạnh lòng nghĩ đến sự đơn độc của làng truyền thống được xem là “bảo tàng độc đáo” này. Ông Bhơriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, trong một hội thảo về bảo tồn văn hóa miền núi cách đây 2 năm, cho rằng: “Không nên để một bảo tàng mồ côi tồn tại, cần phải đặt nó về ngay chính nơi đã sản sinh ra những giá trị là bộ mặt của bảo tàng. Người dân càng nuôi dưỡng niềm tự hào về vốn văn hóa của mình sẽ càng làm giàu có hơn những giá trị đó”. Ý kiến này đưa ra khi Sở VH-TT&DL có ý tưởng sẽ xây dựng một bảo tàng văn hóa các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, ý tưởng đó đến nay vẫn còn trên giấy, dù đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của các nhà văn hóa và các nghệ nhân. Từ năm 2006 đến nay, cả 8 huyện miền núi, chỉ có Tây Giang làm được công việc đưa những giá trị độc đáo của đồng bào Cơ Tu quy hợp thành một khối. Dù công đoạn bảo tồn cũng như phát huy giá trị của “làng truyền thống” vẫn còn nhiều chuyện để nói, tuy nhiên, một khi đã tập hợp được những kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc nhất về một mối như vậy, ít ra cũng ngăn được tình trạng phá hủy hoặc làm biến dạng văn hóa truyền thống.

Nhạc sĩ Dương Trinh, người đau đáu với bản sắc văn hóa của đồng bào người Co, Ca Dong mạn Nam - Bắc Trà My cho rằng, nếu không mau chóng có những động thái sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, thì nay mai đây thôi, bản sắc của đồng bào nơi đây sẽ không còn giữ được. “Mất hết rồi! Ở Nam Trà My ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nên những hoạt động văn hóa hiếm lắm. Người già chết đi thì lớp trẻ không ai biết gì” - ông Trinh nói. Trong một chuyến cùng đoàn khảo sát của Sở VH-TT&DL tìm hiểu về thực trạng nhà làng truyền thống, chúng tôi xót xa trước hàng loạt nhà làng ở cánh rừng núi Nam Trà My bị biến dạng hoàn toàn. Tất cả đều lợp mái tôn, dựng bằng bê tông. Không thể tìm thấy một ngôi nhà làng truyền thống của đồng bào Co, Ca Dong hay Xê Đăng, Bhnoong… Bởi, nói như nhạc sĩ Dương Trinh, người dân ở đây không biết kết cấu, hình dáng nhà làng truyền thống của đồng bào mình ra sao.

Tại Hội nghị lần thứ 9 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết mới về văn hóa “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, các thông điệp của nó đều hướng về hiện tại và tiềm ẩn sức mạnh phát triển tương lai. Ý tưởng xây dựng một “bảo tàng văn hóa các dân tộc miền núi” là một gợi mở cần hành động ngay, nếu không muốn ngày càng có những trạng thái “văn hóa ngược” - tức là sự biến đổi khôn lường về bản sắc của đồng bào, khi ngày càng có nhiều va đập cuộc sống tác động lên nền văn hóa ấy.

Biến tấu cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đang ngày càng bị thu hẹp dần, bởi những tác động lên môi trường để cồng chiêng tồn tại. Hiện tượng phá rừng diễn ra với tốc độ nhanh đã phá vỡ cấu trúc văn hóa đặc trưng, làm đứt gãy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mất rừng, kéo theo sức sống văn hóa của đồng bào trở nên đơn điệu, những sinh hoạt truyền thống gắn với rừng mai một dần. Không gian văn hóa rừng bị những ngành công nghiệp “nuốt chửng”. Những “khu rừng thiêng”, “khu rừng ma” của đồng bào ngày càng bị thu hẹp, và cái luật tục “bất khả xâm phạm” cũng không còn linh thiêng. Văn hóa rừng mai một, hoặc mất hẳn, kéo theo không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào cũng ngày càng nhỏ nhoi, phai nhạt.

Trong khi đó, hiện tượng sử dụng các loại nhạc cụ điện tử thay cho nhạc cụ truyền thống ngày một phổ biến ở các bản làng. Âm nhạc cồng chiêng và môi trường diễn xướng cồng chiêng mất đi tính linh thiêng vốn có. Theo thống kê, 100% các xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đều có đội cồng chiêng. Tuy nhiên, những nghệ nhân sử dụng thành thạo cồng chiêng, biểu diễn điêu luyện chỉ có rất ít và đa số đã khá lớn tuổi. Khi còn sống, già Arất Hơn (dân tộc Cơ Tu, Đông Giang) cho rằng nghệ nhân cồng chiêng ngày càng ít bởi số lễ hội trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng đang ngày càng ít đi. Già Arất Hơn còn cho hay cồng chiêng cũng ngày càng hiếm do phải chôn theo người chết, hoặc có khi bị hỏng, người trong bản làng cũng không ưng học đánh cồng chiêng mà cứ thích nghe nhạc trẻ thôi. Chuyện học đánh cồng chiêng trước cả học cái chữ đã trở thành chuyện xa xưa của đồng bào.

Nhiều nhà văn hóa cho rằng cồng chiêng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần, mà nó gắn bó với nghi lễ, đời sống hằng ngày, với cả cộng đồng làng. Trong tâm thức của đồng bào, cái cồng, cái chiêng là biểu hiện của sự giàu có, của uy lực. Vậy nên nếu thiếu nhịp đập cồng chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào là khuyết đi một phần bản sắc rất lớn. Cũng như tất cả nghi lễ truyền thống, phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng, nếu được bảo tồn một cách tự nhiên trong cộng đồng làng, thì sự trường tồn là điều tất nhiên. Nhưng nếu tách riêng bản sắc và cộng đồng, văn hóa không sống chung cuộc đời với con người mà chỉ đôi ba lần được đánh thức ở lễ hội, thì e rằng việc bảo tồn chỉ giới hạn trên những văn bản.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn văn hóa miền núi: Những "điểm xuyết" bị lãng quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO