Đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển bền vững, lâu dài. Chậm trễ trong đầu tư, bảo tồn đồng nghĩa với chấp nhận mất dần đi nền văn hóa quý giá của dân tộc.
Lễ hội đâm trâu của đồng bào miền núi. |
Báo động...
Văn hóa phi vật thể ở miền núi Quảng Nam rất đặc sắc, “có một không hai”. Đó là các điệu múa tâng tung da dá - một vũ điệu độc đáo của cả nam lẫn nữ, những điệu hát lý, nói lý, truyện cổ… Sau năm 1950, khi cán bộ cách mạng đến hoạt động ở vùng này, chữ Cơ Tu cũng được ra đời, đánh dấu bước ngoặt mới của văn hóa ngôn ngữ. Chữ viết của dân tộc Cơ Tu đã một thời là công cụ đắc lực của Đảng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của cách mạng, tập hợp quần chúng miền núi cùng với đồng bằng đoàn kết một lòng đánh thắng quân thù. Tiên phong nhất lúc bấy giờ là tờ báo “Gung Dưr” (Vùng lên) viết bằng hai thứ tiếng Kinh và Cơ Tu.
Văn hóa một đất nước, một dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát triển, đồng nghĩa với đất nước, dân tộc đó phát triển bền vững. Mất văn hóa là mất tất cả. Thực trạng hiện nay của văn hóa miền núi Quảng Nam cũng đang đáng báo động, nếu không kịp thời gìn giữ sẽ mất dần. Điều kiện kinh tế của đồng bào miền núi sau gần 40 năm giải phóng, vẫn còn quá nhiều khó khăn, giao thông cách trở, điện đường, trường học, trạm xá và các thiết chế văn hóa khác chưa đầu tư kịp thời theo nhu cầu phát triển của xã hội. Từ đó, họ chỉ lo phát triển kinh tế, lo cái ăn cho trước mắt, lo cái ở cho đủ ấm... chứ chưa quan tâm nhiều đến văn hóa. Như vậy, văn hóa bị lãng quên từ chính người dân địa phương, từ những nhà quản lý. Khi kinh tế phát triển, đời sống no đủ mới quay trở lại đầu tư, bảo tồn và phát triển văn hóa thì đã muộn mằn - vì đã bị mất đi nên phải cải biên, sân khấu hóa... Văn hóa đó không từ văn hóa bản địa, không tích tụ từ lao động sản xuất mà có, nên không tồn tại lâu dài trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, đã có sự sai lầm khi thực hiện chủ trương tách hộ, lập vườn, trong khi đó người dân miền núi luôn sống dựa vào nhau. Khi tách hộ, lập vườn, các thành viên trong gia đình phải sống xa nhau, cách biệt nhau bởi quả đồi, dòng sông, con suối... Từ đó, văn hóa làng mất đi. Văn hóa làng là văn hóa gốc, văn hóa mẹ. Văn hóa gốc mất đi đương nhiên văn hóa khác cũng dần lụi tàn.
Cần chú trọng quy hoạch làng
Để khắc phục thực trạng trên nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nhà nước cần có một chính sách cụ thể như Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc ít người. Xem đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, lâu dài. Lấy đầu tư văn hóa làm trọng tâm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng đảm bảo, nhân dân đoàn kết, các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền ở cơ sở hoạt động tốt. Điều đó đòi hỏi phải lấy khâu quy hoạch làm đầu. Khi quy hoạch, lấy tinh thần xây dựng nông thôn mới làm cơ sở, ở miền núi lấy thôn làm điểm đầu tư. Quy hoạch làng phải gần đất sản xuất. Làng mới phải là làng định cư ổn định lâu dài, tạo điều kiện dễ tập trung nguồn lực để đầu tư một cách đồng bộ giao thông từ xã đến thôn, từ thôn đến khu sản xuất...
Thực tế việc này ở huyện Tây Giang thời gian qua triển khai bước đầu cơ bản thành công, nhân dân đồng tình ủng hộ; hiện đã sắp xếp quy hoạch và đầu tư được 46/70 thôn theo hướng đó; phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành 100% theo mô hình này. Tại sao dân ủng hộ? Bởi vì điều đó phù hợp với văn hóa làng lâu nay của họ, hợp lòng dân. Quy hoạch và đầu tư theo mô hình này cho thấy điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn trước đây; trong khi đó vẫn giữ được cái cũ tốt đẹp của dân tộc là văn hóa truyền thống, văn hóa làng và phát triển một cách bền vững. Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, cần quan tâm đầu tư tạo điều kiện, khuyến khích các nghệ nhân người dân tộc tại chỗ tự bảo tồn, phát triển văn hóa của dân tộc mình và được Nhà nước bảo hộ.
Quảng Nam rất cần có cơ chế ưu tiên đặc biệt về nguồn kinh phí, cơ sở vật chất khác cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc ít người, sưu tầm, biên soạn, sáng tác... để họ cống hiến tốt hơn, nhiều hơn và nhanh hơn, lấy lại được những gì đã và đang bị mất dần. Đồng thời, tỉnh cần có một chính sách căn cơ đầu tư cho con người làm công tác văn hóa văn nghệ, như phối hợp mở các lớp về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc… đào tạo trình độ đại học, trên đại học cho con em các dân tộc thiểu số của tỉnh. Điểm yếu của Quảng Nam từ trước đến nay là có rất ít người dân tộc thiểu số làm nghệ thuật, làm công tác văn hóa, văn nghệ được đào tạo đúng nghề và chuyên sâu. Ngoài ra, hằng năm tỉnh nên tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, giọng hát hay giữa các dân tộc thiểu số với nhau để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài (không tính lễ hội văn hóa thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thường niên).
Vì sự phát triển bền vững của Quảng Nam, vì văn hóa miền núi, thiết nghĩ các nhà hoạch định chiến lược, nhà quản lý sớm lưu tâm trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, lâu dài. Đối với các dân tộc ít người ở miền núi lại bức bách hơn lúc nào hết. Chậm trễ trong đầu tư, bảo tồn đồng nghĩa với chấp nhận mất dần đi một nền văn hóa quý giá của dân tộc.
BH’RIU LIẾC
(Bí thư Huyện ủy Tây Giang)