Nỗi lo mai một văn hóa đồng bào người Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) hiển hiện, cần nhiều giải pháp khuyến khích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người ở vùng núi trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Đường liên thôn ở xã Tam Trà được bê tông khang trang. Ảnh: H.L |
Lo mai một văn hóa
Người Co ở xã Tam Trà sinh sống tập trung ở 3 thôn Thuận Tân (thôn 6), Xuân Thọ (thôn 4) và thôn Tứ Mỹ. Qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa hai tộc người Co và người Kinh, sự biến đổi của đời sống mới, nhiều tục lệ, truyền thống tốt đẹp của người Co đang dần mai một. Dễ nhận thấy đổi thay trong cộng đồng người Co từ nhà cửa, trang phục, nếp sống, văn hóa ẩm thực, tập tục, lễ hội... Nếu trước kia, người Co vốn sống ở nhà sàn lớn, chia nhiều ô vuông, mỗi ô vuông là một gia đình sinh sống thì ngày nay, phần lớn đồng bào người Co ở đây làm nhà ba gian, mái lợp ngói hay nhà cấp 4 xây bê tông cốt thép, tường rào cổng ngõ không khác mấy so với ngôi làng người Kinh sống.
Cụ Nguyễn Văn Lực (70 tuổi, người Co ở thôn Thuận Tân) trải lòng, ngày tết của người Co có cơm ống lồ ô (giống cơm lam của người Cơ Tu) hay bánh nếp gói bằng lá dong (lá đốt) nấu chín còn gọi là bánh căn. Nếu trước nhiều món ăn xuất hiện trong đời sống thường nhật thì nay chỉ khi lễ hội, dịp tết mới có. Hay như nhạc cụ của người Co hiện nhiều người trẻ không biết sử dụng, mai này khi những người già khuất núi thì nguy cơ mai một văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng rất lớn. Xã cũng đã hỗ trợ khôi phục, phát huy bản sắc văn hóa người Co như hỗ trợ may trang phục, đặt hàng sản phẩm cồng chiêng cho đội cồng chiêng của xã nhằm tái hiện nét sinh hoạt văn hóa tộc người trong dịp lễ hội là chính. Hiện ba thôn có người Co sinh sống vẫn chưa có đội cồng chiêng...
Chị Nguyễn Thị Hồng (người Co ở thôn Thuận Tân) cho hay, người Co đón hai cái tết trọng đại trong năm, đó là tết mùa hay còn gọi là tết rẫy diễn ra vào 20 đến 25 tháng 10 âm lịch, sau khi người dân đã thu hoạch lúa, gieo sạ xong thì bắt đầu ăn tết. Tết mùa kéo dài vài ngày với nhiều nghi lễ cúng gồm heo, gà, gói bánh chưng, gần đây có khôi phục lại nghi lễ múa cheo, cúng thần sấm sét, cầu nguyện làm ăn mưa thuận gió hòa. Lễ hội là linh hồn của văn hóa tộc người Co song nay đã mai một nhiều...
Cần nỗ lực bảo tồn
Bên cạnh công tác bảo tồn, khôi phục các tục lệ, nét văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng, người Co cũng dần bỏ các tục lệ cổ hũ, tốn kém, bỏ dần tục đâm trâu huê trong tết cổ truyền. Theo già Nguyễn Văn Lực, dù tết mùa rất đặc sắc trong cộng đồng nhưng nghi thức đâm trâu rất tốn kém, chỉ mỗi cây trụ dùng để cột trâu, cúng tế, có khi làm cả nửa tháng mới xong, phải lo ăn uống cho người làm cả chục ngày. Lễ hội diễn ra nhiều ngày, phải lo thóc gạo, nếp, thịt cho cả làng ăn. Mỗi con trâu được dùng hiến tế có giá trị mấy chục triệu đồng. Đây cũng là lý do nhiều năm có những làng người Co liên tục rơi vào thiếu đói. Hay trong lễ cưới hỏi, người Co nay cũng đã giảm bớt sự cầu kỳ trong tổ chức lễ tiệc cưới hỏi, hội hè. Chỉ riêng lễ cưới hỏi của người Co thường diễn ra suốt 5 ngày liền giữa hai dòng họ và người làng, nay cũng đã rút ngắn, giảm tốn kém cho người trong cuộc. “Chỉ nên giữ tập tục đẹp giàu bản sắc văn hóa, còn đối với những tục có phần phô diễn, tốn kém nhiều công sức, tiền của trong khi đời sống còn nghèo thì nên đơn giản, bỏ bớt những chi tiết rườm rà, cầu kỳ. Ngay lễ hội tết mùa cũng vậy, múa cheo là mỹ tục nhưng chi tiết đâm trâu huê thì nên lượt bỏ” - già Lực nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Trà, địa phương đang nỗ lực bảo tồn phong tục, lễ hội đặc sắc của người Co, đặc biệt là lễ hội ngã rạ vào dịp tết mùa. Thời gian qua, Huyện ủy và UBND huyện Núi Thành cũng đã đề ra chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm giúp đồng bào thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu, hoạt động thiết thực trong việc phát huy bản sắc văn hóa, phục dựng lễ hội, hỗ trợ các nhạc cụ, mua sắm trang phục truyền thống trong cộng đồng người Co. “Tình trạng mai một bản sắc văn hóa người Co ở địa phương đang là nỗi lo, bởi một khi biến mất hoàn toàn khó khôi phục. Chính vì vậy, địa phương đã nỗ lực phục dựng lại lễ hội tết mùa cùng với tục múa cheo người Co tại thôn Thuận Tân và Tứ Mỹ. Song hoạt động này cũng chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động nhân dân là chính, chưa có hỗ trợ cộng đồng mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục vì nguồn lực khó khăn” - ông Bình nói.
HOÀNG LIÊN