Trong lúc những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian miền núi đang có nguy cơ mai một dần, sự ra đời của câu lạc bộ (CLB) dân ca dân vũ hay các đội văn nghệ cộng đồng trong tộc người Cơ Tu tại một số địa phương chính là những bảo tồn “sống” cần được phát huy.
Bảo tồn
Nhận thức được nguy cơ mai một, biến dạng bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Cơ tu, huyện Đông Giang xây dựng “Đề án khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ tu giai đoạn 2009-2015” và được HĐND huyện thông qua bằng Nghị quyết77/2008/NQ-HĐND. Mục tiêu đề án là chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay cũng như trong tương lai để khuyến khích phát triển. Trong đó, việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn nghệ dân gian như các làn điệu dân ca Cơ Tu, hát lý - nói lý, các đội múa cồng chiêng… được đặc biệt coi trọng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó phòng VH-TT huyện Đông Giang cho biết: “Nếu không làm tốt khâu bảo tồn, các giá trị văn nghệ dân gian miền núi sẽ bị mai một, thất truyền”. Cũng theo bà Hương, một trong những hoạt động bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian Cơ Tu được Đông Giang tổ chức thường niên là “Ngày hội văn hóa Cơ Tu” với sự tham gia của 11/11 xã/thị trấn. Bên cạnh đó, đề án cũng hướng tới bảo tồn các nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, khèn, sáo, đàn abel…) và cho ghi âm lưu giữ âm thanh các nhạc cụ có nguy cơ thất truyền cùng với bảo tồn các làn điệu dân ca.
Việc bảo tồn các giá trị văn nghệ dân gian Cơ tu trở nên cấp thiết.Ảnh: B.LIÊN |
Mới đây, tại thôn Đhrồồng (Đông Giang), một hội thảo về nghệ thuật hát lý - nói lý trong cộng đồng Cơ Tu đã được tổ chức thu hút sự tham gia của giới nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian, các nhà quản lý về văn hóa, các nhà dân tộc học và đông đảo nghệ nhân. Thông tin nghệ thuật nói lý - hát lý của người Cơ Tu Quảng Nam sẽ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội bảo tồn loại hình văn nghệ đậm bản sắc dân gian miền núi này. Trước đó, công trình “Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tộc người Cơ Tu trên địa bàn huyện Đông Giang” do Sở VH-TT&DL thực hiện đã được nghiệm thu. Đề tài sưu tầm được nhiều làn điệu nói lý, hát lý và xây dựng đĩa CD về nói lý - hát lý.
Điểm sáng
CLB dân ca dân vũ Ta Bhing (Nam Giang) vừa thành lập cách đây 2 tháng đã tập hợp được 20 thành viên gồm những nghệ nhân và người trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian Cơ Tu. Trong đó, có 10 người biết hát dân ca, một số biết đánh cồng chiêng và 4 người biết hát lý - nói lý. Chị Bling Cảnh (25 tuổi), thành viên trẻ của CLB chia sẻ: “Tôi tự hào khi được làm công việc bảo tồn văn nghệ truyền thống cha ông”. Cùng với Bhnướch Cheo, Pơloong Phước, Bling Cảnh là hạt nhân văn nghệ trẻ của xã Ta Bhing nói riêng, huyện Nam Giang nói chung. Mỗi đợt biểu diễn tại lễ hội do xã, huyện tổ chức, ai nấy gắng công tập luyện chuẩn bị tiết mục, trang phục, nhạc cụ… Nguồn thù lao sau mỗi đợt diễn dẫu còn khá ít ỏi song lòng say mê, yêu quý giá trị, bản sắc văn hóa đã gắn kết những người con của núi rừng với nghệ thuật truyền thống. Thường thì người trẻ hát dân ca, hát giao duyên về chủ đề tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương, xứ sở, múa tâng tung da dá… còn người già đánh cồng chiêng, hoặc thể hiện tài năng đối đáp, ứng khẩu của mình qua nói lý - hát lý… Nghệ nhân Aviết Mia - Chủ nhiệm CLB, là người có nhiều sáng tác về hát lý - nói lý và dân ca. Ông là một trong số rất ít nghệ nhân còn lại biết hát lý - nói lý, bởi loại hình này người trẻ rất khó tiếp cận, trong khi người già dần khuất núi. Ngoài CLB dân ca dân vũ do nghệ nhân Aviết Mia làm chủ nhiệm, Ta Bhing còn có 7 đội văn nghệ cộng đồng ở 7 thôn với quy mô mỗi đội khoảng 10 - 15 người. Tại xã La Dêê cũng vừa mới thành lập CLB dân ca dân vũ.
Đông Giang đã thành lập được 2 CLB dân ca dân vũ tại 2 xã Ma Cooih và xã Ba. Một số xã khác tuy chưa thành lập CLB nhưng lại hình thành đội văn nghệ cộng đồng ở các thôn. Đội cồng chiêng nhí của làng du lịch cộng đồng Bhơ Hồồng, xã Sông Kôn; hay đội văn nghệ cộng đồng thôn Đhrồồng, xã Tà Lu là “linh hồn” của du lịch cộng đồng Đông Giang. “Mỗi khi khách du lịch có yêu cầu, chúng tôi biểu diễn phục vụ khách vũ điệu tâng tung da dá, đánh cồng chiêng, chơi đàn 2 dây, thổi kèn sáo, hát lý - nói lý...” - nghệ nhân Pơloong Pớc (70 tuổi), người giữ vai trò chủ chốt trong đội văn nghệ cộng đồng thôn Đhrồồng chia sẻ. Rồi ông nói thêm: “Lớp trẻ bây giờ ít chịu tiếp thu, học hỏi. Văn nghệ Tà Lu sẽ mai một nếu không kịp thời bảo tồn. Đội văn nghệ dân gian thôn Đhrồồng với 15 thành viên ra đời vì lẽ đó. Sự nhiệt tâm, nhiệt tình của người già sẽ là ngọn lửa để người trẻ noi theo”. Có thể nói, trong bối cảnh mai một, biến dạng các giá trị văn hóa văn nghệ miền núi và nhiều địa phương tỏ ra lúng túng trong khâu bảo tồn thì hoạt động của các CLB dân ca dân vũ và đội văn nghệ cộng đồng ở các huyện Nam Giang và Đông Giang, dẫu còn khá mới mẻ, song lại là mô hình hạt nhân đáng để học tập, nhân rộng.
BÍCH LIÊN