Vài năm gần đây, Điện Bàn đã tập trung chấn chỉnh công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng các tuyến đường ở địa phương, tạo sự đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân.
Nhìn nhận hạn chế
Trước năm 2000, Điện Bàn khởi xướng phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) đầu tiên trên địa bàn tỉnh với tuyến điểm Kỳ Lam - Xuân Đài, thuộc xã Điện Quang. Học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc, địa phương mạnh dạn kiên cố mặt đường bằng bê tông xi măng tại vùng thôn quê và láng nhựa đường huyện (ĐH). Khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19 về Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT, giai đoạn 2001 - 2009, phát triển GTNT ở Điện Bàn lan rộng, đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và đóng góp sức người, sức của tham gia thực hiện. Tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015. Chủ trương này, được nhân dân và cán bộ Điện Bàn hưởng ứng mạnh mẽ với hàng trăm ki lô mét GTNT tiếp tục được kiên cố hóa. Kết hợp chặt chẽ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển GTNT ở Điện Bàn đã góp phần quan trọng cho các xã điểm sớm đạt tiêu chí về giao thông.
Ngoài đầu tư mới, Điện Bàn còn quan tâm mở rộng GTNT hiện hữu. Ảnh: C.T |
Điện Bàn đầu tư cho hạ tầng giao thông khá mạnh, thế nhưng hệ thống ĐH đóng vai trò kết nối mạng lưới GTNT với quốc lộ, tỉnh lộ (ĐT) còn đó một số tuyến bị hư hỏng, mặt đường xuống cấp gây khó khăn cho đi lại của nhân dân. GTNT dẫu được cứng hóa phần lớn, đáp ứng nhu cầu lưu thông cơ bản song nhìn chung nhiều tuyến mặt đường hẹp, thiếu lề đường, hành lang bị lấn chiếm. Các điểm đấu nối, ngã ba, ngã tư chưa mở rộng, thiếu an toàn nên mới thuận lợi cho xe máy, còn xe cơ giới chỉ có thể lưu thông trên một số tuyến chính. Thực tế cho thấy, nhiều tuyến GTNT và ĐH ở thị xã có tuổi đời “thâm niên” đã xuống cấp, hiệu quả sử dụng chưa cao do thiếu bàn tay chăm sóc và ý thức bảo vệ của chính người dân. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn - ông Đặng Hiệp Lực chia sẻ, địa phương luôn trăn trở tìm giải pháp để làm sao bên cạnh việc đầu tư mới cần phải duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông hiện hữu. Và rồi, “Tháng bảo trì đường giao thông” ra đời từ đấy.
Tìm cách làm mới
Đầu năm 2014, UBND thị xã Điện Bàn đã thống nhất chọn định kỳ tháng 6 hằng năm là thời điểm thực hiện “Tháng bảo trì đường giao thông”. Ông Đặng Hiệp Lực cho hay, qua thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô, UBND tỉnh để lại 100% cho địa phương (sau khi trừ chi phí phục vụ thu). Thị xã quyết định để lại toàn bộ cho các xã, phường dành cho việc tu sửa GTNT. Kinh phí này sẽ dùng riêng cho “Tháng bảo trì đường giao thông”, phục vụ trực tiếp cho chính quyền lợi của người dân. Vụ đông xuân kết thúc, các lực lượng quần chúng, hội đoàn thể ở cơ sở liền ra quân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để đảm bảo tầm nhìn; vệ sinh, đắp bù phụ phần lề đường còn thiếu; đắp nền đường các tuyến GTNT; nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh mương đảm bảo dòng chảy được thông suốt. Năm đầu tiên đi vào đời sống, nhiều xã, phường trên địa bàn thị xã đã tổ chức lễ phát động, ra quân rầm rộ và đạt hiệu ứng rất tích cực. Thống kê cho thấy, các địa phương huy động hàng chục nghìn lượt người tham gia ngày công, kinh phí bỏ ra gần 1 tỷ đồng.
“Triển khai “Tháng bảo trì đường giao thông” trên địa bàn thị xã năm 2015; chúng tôi đã đề nghị UBND các xã, phường lập kế hoạch cụ thể sau khi khảo sát, họp dân thống nhất chọn các tuyến đường GTNT cần thực hiện; lập dự toán kinh phí; chuẩn bị máy móc, vật liệu, nhân lực; tổ chức lễ phát động ra quân nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi. Chúng tôi cũng lưu ý trong quá trình lập dự toán kinh phí, ngoài nguồn vốn sự nghiệp giao thông năm 2015 (mỗi địa phương 30 triệu đồng) và nguồn Quỹ bảo trì đường bộ cấp theo kế hoạch, các địa phương bố trí thêm nguồn ngân sách xã, phường và huy động đóng góp của nhân dân để thực hiện tốt công tác bảo trì”. (Ông Đặng Hiệp Lực - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn) |
Năm 2014, UBND xã Điện Quang phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các hội đoàn thể tổ chức phát động “Tháng bảo trì đường giao thông”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã - ông Lê Đức Sỹ tâm sự, bà con hăng hái di dời 43 tường rào vào cách mép ngoài cùng mặt đường của tuyến ĐT610B khoảng 2m. Tại các khu dân cư, người dân cũng tự giác di dời 44 tường rào, cổng ngõ theo đúng quy hoạch nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước - ông Trần Văn Định thì cho hay, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo “Tháng bảo trì đường giao thông”. Ban này giao cho Ban nhân dân và nhất là Ban công tác mặt trận các thôn tổ chức tuyên truyền rầm rộ trước khi lễ phát động diễn ra cách mấy ngày. Cạnh đó, Đài truyền thanh xã cũng thường xuyên phát chuyên mục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả thực tế của công tác duy tu, bảo trì GTNT. Xã Điện Phước cũng chọn thôn Nhị Dinh I là địa điểm tổ chức lễ phát động “Tháng bảo trì đường giao thông”. Sau đó, khoảng trên 500 bà con nhân dân ở các thôn tiến hành phát quang cây cối trên các tuyến đường để giải tỏa tầm nhìn, cắm 1.000 cọc mốc theo quy hoạch nông thôn mới. “Thông qua đây, người dân đã có ý thức cao hơn về bảo vệ môi trường. Tình trạng vứt rác bừa bãi ven đoạn đường chưa có nhà ở được khắc phục. Bà con nông dân khi làm cỏ cũng đã biết phụ lề cho giao thông nội đồng. Mô hình khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp” có thêm cơ sở để xây dựng thành công” - ông Định nói.
CÔNG TÚ