Hai Bảo vật quốc gia đều là tượng Chămpa cổ có nguồn gốc ở Quảng Nam nhưng “lưu lạc” vào Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu vì sao và bằng con đường nào mà các hiện vật này lại trôi dạt về phương Nam.
Năm 2012 - năm đầu tiên thực hiện Luật Di sản văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận 30 hiện vật trên cả nước là Bảo vật quốc gia. (Hiện nay cả nước đã có 118 hiện vật là Bảo vật quốc gia). Bảo tàng điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng có 3 bảo vật, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh có 5, còn lại tập trung ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Trong số 5 bảo vật của Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh có 2 bảo vật thuộc văn hóa Chămpa và 3 thuộc văn hóa Óc eo. Điều đặc biệt, cả 2 bảo vật Chămpa lại có nguồn gốc từ Quảng Nam. Đó là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (thường được gọi là tượng Phật Đồng Dương) và tượng Nữ thần Devi. Cả hai đều được nhà nghiên cứu hàng đầu về Chămpa của Pháp là Louis Finot phát hiện vào năm 1901 tại làng Đồng Dương (nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) và làng Hương Quế (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn).
Tượng Phật Đồng Dương
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni của Đồng Dương là một trong những pho tượng cổ đẹp, có trọng lượng 120kg, cao 1,08m (chưa kể bệ thờ), dày 38cm, rộng 38cm, được chế tác bằng đồng thau. Tượng ở tư thế đứng như đang thuyết pháp, trên trán có dấu Urna (huệ nhãn), trang phục là áo cà sa, để hở vai bên phải. Đôi chân đứng trên bệ thờ hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Tượng mang phong cách Amaravati hay kiểu Sri Lanka (Anuràdhpura). Đây là một trong hai tượng Phật bằng đồng có kích thước lớn đã được tìm thấy (tượng kia là Avalokitesvara phát hiện năm 1978 cũng tại Đồng Dương, cao 1,14m, hiện trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng).
Tượng Phật Đồng Dương. |
Ngay sau khi được phát hiện, tượng Phật Đồng Dương đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nổi tiếng như R.Rougier, A. Foucher, V. Goloubew, H. Parmentier… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có thể tượng có niên đại từ thế kỷ thứ 3, được đưa từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka đến. Boiselier đã nói: “Tượng này chắc chắn nếu không phải là tác phẩm nhập thì cũng là tác phẩm có quan hệ sâu sắc đến Ấn Độ, đến nỗi không phát hiện ra vết tích của một truyền thống bản địa”. Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ hơn về đế tượng (tượng được đóng chặt vào bệ bằng những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng, thay vì đúc luôn dính chặt vào bệ) và lịch sử Chămpa thì đây là một pho tượng của Chămpa vào thế kỷ thứ 9 dưới vương triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Đối với những nhà nghiên cứu Phật giáo thì tượng Phật Đồng Dương còn thể hiện nhiều điều hơn: “Xét về khía cạnh mỹ thuật, quả thực không thể không nghiêng mình trước vẻ đẹp hiếm thấy của tượng Phật Đồng Dương, khi hội tụ nhiều tướng tốt trong 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật được ghi trong bộ luận Đại trí độ… Hai má tượng phẳng và rộng như sư tử chúa, thể hiện tướng thứ 25 của Phật. Diệu tướng thứ 29 được thể hiện ở đôi mắt, không nhắm hẳn lại mà đang mở nhìn, đẹp như cánh hoa sen xanh. Giữa trán khắc một vòng tròn tiêu biểu cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn triều cường và đặc biệt nhất là tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu...”.
Tượng Nữ thần Devi
Tượng nữ thần Devi. |
Tượng Nữ thần Devi được tìm thấy ở Hương Quế. Tượng được chế tác bằng sa thạch, cao 38,5cm, rộng 21,6cm, dày 11,8cm và nặng 20kg, có niên đại khoảng thế kỷ 9, 10. Đây là tượng bán thân với lông mày dài và cong nối liền từ mắt phải qua mắt trái chứ không bị ngắt đoạn ở khoảng giữa, làm cho vầng trán của nữ thần trở nên sinh động. Mi mắt nữ thần khá dài, sống mũi thẳng, miệng đang cười, tai đeo trang sức. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu thì đây là chân dung hiếm thấy của một nữ thần Ấn Độ được “Chămpa hóa” với “mái tóc vén lên thành nếp gấp lớn cuộn bồng viền theo trán, phần đỉnh đầu với các lọn tóc thắt bím được bới cao và kết dính bằng các bím tóc đặt theo chiều ngang và chia đôi cân đối. Phía trước có đính một vầng trăng lưỡi liềm và hai bên tết tóc như hình bậc thang, phía sau tóc bím từng dãy dài ôm vào gáy. Cổ thon cao, ngực để trần căng sức sống nhưng vẫn giữ được vẻ thánh thiện”. Nữ thần Devi có tên là Haradevi, là vợ của vua Indravarman II. Do bà có nhiều công đức, nên khi qua đời bà được vua Jaya Sinhavarman (893 - 904) cho tạc tượng để thờ cúng như các vị thần khác. Điều này được ghi lại trong văn bia thứ 2 ở Đồng Dương mà Louis Finot đã tìm thấy. Tượng nữ thần Devi ở Hương Quế được các nhà nghiên cứu đánh giá là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất trong nghệ thuật tạc tượng các nữ thần của nghệ sĩ tạo hình Chămpa thế kỷ thứ 10.
Với những giá trị tuyệt vời về nghệ thuật và lịch sử, hai pho tượng Phật Đồng Dương và Nữ thần Devi Hương Quế đã được đưa từ Việt Nam sang trưng bày ở các nước (Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Áo, Hàn Quốc…) để giao lưu văn hóa và được bảo hiểm với giá lần lượt là 5 triệu và 2 triệu USD.
Lưu lạc
Nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu vì sao và bằng con đường nào mà các hiện vật nói trên lại trôi dạt về phương Nam trong khi ở Đà Nẵng đã có Bảo tàng Chàm được thành lập rất sớm (1915), trước cả Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội và bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn (1925), và cách vị trí phát hiện các hiện vật (Đồng Dương và Hương Quế) chỉ độ 50km. Năm 1973, khi giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế, GS. Nghiêm Thẩm, nguyên Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn cho biết là hai bức tượng này sau khi phát hiện đã được các nhà nghiên cứu người Pháp đưa về kho lưu trữ của Trường Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, rồi vào Bảo tàng Louis Finot. Đến năm 1954, lại chuyển từ Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội vào Sài Gòn. Sau này kiểm tra lại chúng tôi thấy sách “Chỉ nam về Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn” (1974) của Thái Văn Kiểm và Trương Bá Phát cũng cho biết như vậy .
Dẫu biết rằng văn hóa là sở hữu chung không những ở phạm vi quốc gia mà cả trên phạm vi thế giới, nhưng nếu những bảo vật này được nghiên cứu ở Quảng Nam - mà tốt nhất và cụ thể là ở Đồng Dương và Hương Quế - thì sẽ có giá trị nổi bật và đặc sắc hơn. Bởi, các tác phẩm nghệ thuật Chămpa luôn gắn liền với những công trình kiến trúc và tạo thành một tổng thể nghệ thuật, một tổng thể mang ý nghĩa tâm linh hoàn chỉnh. Nhưng làm sao được, nói đi phải nói lại, việc các pho tượng vào viện bảo tàng có khi lại là điều may mắn. Trước sự tàn phá của chiến tranh, thời gian và con người, nếu nó nằm lại với Đồng Dương và Hương Quế liệu đến nay những pho tượng quý giá đó có còn để trở thành… bảo vật quốc gia hay không.
LÊ THÍ