Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó nêu quan điểm: siết chặt kỷ luật kỷ cương, đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đây là quan điểm thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Trung ương Đảng đối với công tác cán bộ. Nội dung này đã được đề cập ở phương hướng nhiệm vụ về công tác cán bộ trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ tỉnh, nhưng tôi nghĩ cần làm rõ hơn giải pháp.
Tôn trọng cái mới, sự sáng tạo
Một khi cán bộ có tư tưởng đổi mới sáng tạo vì cái chung, vì lợi ích của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, thì cấp ủy, tập thể lãnh đạo cần tiếp cận, nghiên cứu, cởi mở, dân chủ trên tinh thần tôn trọng cái mới. Sự sáng tạo về công việc, đề tài, dự án thường thuộc về số ít cán bộ và đi trước nhận thức của số đông; nếu không được cấp ủy, tập thể lãnh đạo nghiêm túc nghiên cứu, ủng hộ thì không những các ý tưởng đột phá sáng tạo vướng rào cản thực hiện mà còn không ít trường hợp người có ý tưởng sáng tạo đột phá chịu áp lực chỉ trích phán xét, kể cả chịu tổn thất chính trị.
Nhớ lại thời kỳ đầu tái lập tỉnh, Quảng Nam đứng trước muôn vàn gian khó. Là tỉnh thuần nông, các cơ sở công nghiệp chưa có gì đáng kể, thu ngân sách khoảng 120 tỷ đồng/năm. Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã lựa chọn con đường đột phá phát triển chuyển mô hình tỉnh thuần nông thành tỉnh theo hướng công nghiệp, rồi tiếp đó hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Một số đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc đó đề xuất nhiều chủ trương, cơ chế sáng tạo được tập thể ủng hộ như “trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư”, quy định một số chính sách về giao đất cho dự án, chính sách tài chính, thuế thông thoáng thu hút đầu tư công nghiệp, du lịch. Một số các huyện, thị xã đột phá chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi hóa đất màu, để sau đó trở thành chương trình, cơ chế chính sách chung trong toàn tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu, biến những vùng đất màu, biền bãi vốn khô hạn, thành những vùng đất canh tác hiệu quả, kinh tế cao. Những cơ chế chính sách ấy chưa có trong quy định hiện hành nhưng được đồng tình của cán bộ nhân dân trong tỉnh. Từ những chủ trương lãnh đạo đột phá, sáng tạo đó đã góp phần làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Tỉnh đã trở thành tỉnh có nền công nghiệp, du lịch phát triển, thu ngân sách gần 24.000 tỷ năm 2019, có đóng góp cho ngân sách trung ương.
Tỉnh ủy (hoặc đề nghị Trung ương) cần có các cơ chế bảo vệ - tôi đề nghị là cơ chế bảo vệ chứ không phải chỉ khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân trong tỉnh, “bảo đảm chính trị” để cán bộ yên tâm phấn đấu, dấn thân mà không sợ rủi ro chính trị để tránh tư tưởng an phận, bằng lòng với hiện tại, làm thui chột tài năng, trí tuệ, nhuệ khí của cán bộ.
Ngoài dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa chuẩn hóa vừa có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ những điều chưa có tiền lệ, chưa có sẵn để làm vì khát vọng phát triển tỉnh. Khi đã nghĩ đúng thì dấn thân quyết tâm đưa cái mình nghĩ là đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình. Tập thể căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ làm thước đo nhận xét, đánh giá cán bộ.
Cán bộ dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Tôi muốn đề cập đến vũ khí đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong sinh hoạt đảng bây giờ, tự phê bình và phê bình rất hạn chế, kể cả trong các cấp ủy, ban thường vụ, chi bộ. Thực tế vừa qua cho thấy nhiều vụ việc tiêu cực trong đội ngũ cán bộ các cấp, rất ít có trường hợp do tự thân tổ chức đảng, cơ quan đơn vị của người đó chỉ ra mà chủ yếu do dân, báo chí phát hiện, cấp trên thanh tra, kiểm tra. Gần đây Quảng Nam xảy ra một số vi phạm về việc bố trí, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ dẫn đến một số cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật. Phải chăng giữa những người có trách nhiệm đã vị nể, không dám nói với nhau lẽ đúng sai. Nói để ngăn chặn thì cán bộ sai phạm ít hơn, tổn thất về kinh tế, chính trị sẽ thấp hơn, uy tín của Đảng, của cán bộ sẽ tốt hơn.
Quảng Nam cần mạnh dạn thực hiện việc tranh cử trong Đảng và các cơ quan Nhà nước. Bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND nên có số dư, để tranh cử. Mở rộng việc thi tuyển các chức danh người đứng đầu, cấp phó các sở ngành, phòng cấp huyện. Phải có đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lựa chọn người có đức, tài để bầu.
Khi chưa làm được tranh cử thì phải thực hiện việc xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân trong việc đề cử, giới thiệu người không tốt, như ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị về công tác cán bộ toàn quốc gần đây. Có thế mới tìm được người tài đức phụng sự cho sự phát triển của tỉnh, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham mưu về công tác cán bộ. Đồng thời tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội đối với quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ. Định kỳ các cấp ủy tổ chức gặp gỡ nhân dân, lắng nghe ý kiến, nhận xét đánh giá cán bộ. Không có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thì có thể xảy ra cán bộ lạm quyền.
Cán bộ như thế nào, hỏi dân sẽ biết rõ. Chúng ta phải dựa vào dân, tai mắt của nhân dân để giám sát cán bộ.