Bảo vệ cây cao su trước mùa mưa bão

TÂM LÊ 10/10/2014 09:07

Mùa mưa bão năm nay sắp đến gần, Nông trường Cao su Nông Sơn và những người trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ cây cao su, hạn chế thiệt hại do mưa bão.

NĂM 2013, đã có gần 40ha cao su trên địa bàn Nông Sơn bị gió lốc làm nghiêng ngả, trong đó 930 cây không còn khả năng khắc phục. Rút kinh nghiệm, trước mùa mưa bão năm nay, Nông trường Cao su Nông Sơn và những hộ dân có cao su tiểu điền đã sớm triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây cao su. Ông Trần Hùng - Giám đốc Nông trường Cao su Nông Sơn cho biết: “Hiện tại, nông trường đang gấp rút triển khai các biện pháp để phòng chống đổ gãy cho cây cao su trước mùa mưa bão năm 2014. Theo đó, nhiều biện pháp được kết hợp thực hiện nhằm đạt hiệu quả tốt nhất như tỉa cành, tạo tán, làm băng, trồng cọc níu dây thép…”.

Anh Nguyễn Văn Lợi (xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, công nhân của nông trường) cho biết thêm, từ tháng 2 đến nay, nông trường đã tiến hành tạo tán cây, cắt ngọn 3,5 - 4,5m để lại 3 cành so le, tạo 3 tầng. Đối với cây cao su có 2 tầng thì cắt trên ngọn chừa lại 3 lá, mục đích là tạo 3 cành, giúp cây giữ thăng bằng tốt. Việc tạo tán thấp, tỉa thưa cành, liên tục cắt ngọn non tránh để cây cao su vươn cao, có thể giúp cây chịu sức ép ít nhất từ gió lốc. Việc tỉa cành, tạo tán chỉ áp dụng cho cây cao su trồng từ năm 2010 trở lại đây. Đối với diện tích trồng cao su năm 2009, nông trường dùng dây thép níu quanh cành. Đối với cây cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, nông trường tăng cường bón phân 3 - 4 lần/năm để cây chắc rễ. Trong năm 2013, một số diện tích cao su trên nông trường đã được trồng keo lá tràm (giống keo lá kim) quanh bờ lô cách 6m để tạo vành đai chắn gió cho cây cao su.

Bước vào mùa mưa bão năm nay, anh Lưu Văn Hòa (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) đã cùng gia đình lên rẫy, tiến hành chặt tỉa cành, chằng chống những cây cao su có nguy cơ gãy đổ trên diện tích 2ha cao su tiểu điền của mình. Anh cho biết: “Ngoài việc chọn giống cao su có khả năng chịu gió bão tốt, vào thời điểm năm đầu tiên tạo hình cho cây thấp, thì hàng năm trước mùa mưa bão người dân tiến hành tỉa cành, dùng cọc để chống đỡ, giúp cây có khả năng chống chọi với gió lốc. Rút kinh nghiệm từ năm trước, tôi và nhiều hộ ở đây đang áp dụng kết hợp nhiều biện pháp để bảo vệ cây cao su, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra”. Theo ông Nguyễn Đình Sử - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, tính đến nay toàn huyện có 814,11ha cao su đại điền và 78,38ha cao su tiểu điền. Phòng NN&PTNT huyện đã đề nghị UBND xã Quế Lâm và Phước Ninh tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ các vườn cao su, đặc biệt là diện tích cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản. Thực hiện việc tạo cành, tỉa tán, hạn chế về chiều cao, đầu tư chăm sóc để cây cao su phát triển một cách cân đối. Đối với những vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp của bão, tăng cường trồng cây phân tán tạo các đường băng phòng hộ, hạn chế gió bão gây thiệt hại.

TÂM LÊ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ cây cao su trước mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO