Bảo vệ chủ quyền biển đảo

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 15/09/2014 08:37

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có 5 vùng biển được phân định thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Việt Nam có bờ biển dài 3.260km và diện tích các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền rộng hơn 1 triệu ki lô mét vuông là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1). Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng không chỉ đối với lịch sử dân tộc, mà còn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc và đất nước ta phát triển bền vững.

Tập trung sức mạnh

Biển có vai trò vô cùng quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, giao thông hàng hải đối với nước ta, đặc biệt trong thế kỷ XXI, thế kỷ được coi là “kỷ nguyên đại dương”. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là một chủ trương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Ngư dân Núi Thành cột chặt dây cờ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.  Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Ngư dân Núi Thành cột chặt dây cờ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Trong kết hợp sức mạnh tổng hợp, gắn tập trung xây dựng lực lượng, tiềm lực quốc phòng, an ninh với xây dựng lực lượng, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển đảo; xây dựng biên chế, tổ chức lực lượng phù hợp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, hạn chế tiêu cực, tạo sự đồng thuận xã hội... Mặt khác, xây dựng lực lượng vũ trang mà nòng cốt là lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư và dân quân tự vệ biển đủ mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân cùng các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia trên biển.

Xây dựng vùng biển hòa bình

Bảo vệ chủ quyền biển đảo còn phải kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển đảo. Để kết hợp các biện pháp này một cách hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật biển làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đảo. Bên cạnh đó, triển khai chặt chẽ việc phân vùng, bố trí dân cư ven biển với tổ chức các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhân dân định cư sinh sống ổn định lâu dài trên đảo và làm ăn trên biển dài ngày. Các địa phương có biển đảo cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch phù hợp nhằm tăng cường nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp và nhân dân trong quản lý bảo vệ, khai thác lợi ích từ biển. Phát triển kinh tế biển, bên cạnh việc tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển đảo, phải có chính sách động viên, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, bao gồm cả nguồn lực trong nước và ngoài nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các vùng ven biển và hải đảo, nhất là ở các vùng biển đảo giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Việc tăng cường quốc phòng - an ninh phải kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động trên biển tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời tiến hành các biện pháp ngoại giao hợp lý trên nguyên tắc vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Với các bất đồng, tranh chấp, Việt Nam ưu tiên hướng giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, bình đẳng cùng có lợi. Như Hiến pháp 2013 đã hiến định tại Điều 12, Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, cho nên về vấn đề biển đảo, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề biển Đông và chủ quyền biển đảo thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Quyền hạn, quan hệ của Chủ tịch nước đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được quy định như thế nào?

- Trả lời: Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ.

Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

- Hỏi: Phó Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn gì?

- Trả lời: Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.

Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

- Hỏi: Vị trí, chức năng của Chính phủ được Hiến pháp quy định như thế nào?

- Trả lời: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

- Hỏi: Chính phủ, các thành viên của Chính phủ và nguyên tắc làm việc của Chính phủ được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp quy định về Chính phủ, các thành viên của Chính phủ và nguyên tắc làm việc của Chính phủ như sau:

1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.

Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.  

2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

3. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO