Bảo vệ "cột mốc sống" trên biển

TRƯỜNG ĐỒNG 23/10/2023 06:05

Kiên cường bám trụ với nghề đi biển truyền thống, ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân Quảng Nam nói riêng, từ lâu đã được xem như những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên biển Đông.

Vừa khai thác hải sản để phát triển kinh tế, chính ngư dân đã góp phần cùng với các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nghề nào cũng có rủi ro, bất trắc, nhưng có lẽ nghề biển hiểm nguy hơn cả.

Và vụ 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam gặp nạn trên biển tuần qua đã nói lên tất cả. Dẫu vậy, tấm lòng ngư dân vẫn luôn hướng ra biển, dù biết ngoài khơi xa bao dông tố chực chờ.

Trả lời phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều 20/10, khi được tàu 467 của hải quân đưa về Tam Giang, Núi Thành, ngoài những mong muốn các cấp, ngành, lực lượng nỗ lực tìm kiếm ngư dân mất tích, hỗ trợ gia đình có ngư dân tử vong, giúp đỡ ngư dân gặp nạn trở về sớm ổn định cuộc sống…, điều cuối cùng ông Lương Văn Viên - thuyền trưởng tàu cá QNa-90129TS đề đạt là mong sớm được Nhà nước hỗ trợ để có thể tiếp tục vươn khơi sản xuất.

Điều gì tạo nên quyết tâm, sự kiên tâm bám biển đó, nếu không phải là tấm lòng hướng biển, vì biển đảo quê hương, và cũng có thể còn vì những bạn biển đang nằm lại giữa trùng khơi!

Đáng nói hơn, đây không phải lần đầu tiên thuyền trưởng Lương Văn Viên cùng tàu cá QNa-90129 gặp nạn trên biển. Một lần vào giữa năm 2019, tàu gặp nạn khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lần đó tàu bị hỏng máy chính, mất khả năng điều khiển, trôi dạt vô định trên biển; trên tàu có 52 thuyền viên. Lần thứ hai tàu gặp nạn là vào tháng 8/2020, khi đang đánh bắt ngoài khơi thì bị tàu hàng không rõ lai lịch đâm phải, một thuyền viên của tàu bị thương rơi xuống biển nhưng may mắn cứu vớt được, tàu bị hư hỏng nặng.

Sau mỗi lần gặp nạn, được lực lượng chức năng hỗ trợ lai dắt về bờ, ông Viên nhanh chóng sửa tàu và lại vươn khơi cùng bạn biển - cũng chính là những ngư dân đã từng cùng ông hoạn nạn có nhau. Với ngư dân, biển không thể không bám, nhưng để bám biển an toàn là cả một vấn đề.

Không chỉ có dông tố bất ngờ, tàu cá và ngư dân đánh bắt trên biển còn phải đối mặt với hàng loạt bất trắc như tàu hỏng máy móc, thiết bị, trôi dạt trên biển; bị đâm va với phương tiện khác trên biển; cháy nổ do chập điện, nổ bình ga; dụng cụ trên tàu sử dụng quá lâu, hư hỏng nhưng không được thay thế dẫn đến gay tai nạn cho ngư dân trong quá trình lao động, sản xuất..., kể cả bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt khi xâm phạm vùng biển của họ.

Do đó, sản xuất an toàn trên biển, trước hết phải hiện đại hóa được nghề cá, không chỉ hiện đại ở phương tiện đánh bắt mà ngư dân cũng phải có tư tưởng, nhận thức hiện đại với nghề biển, biết tự bảo vệ mình.

Trong khi chưa đủ điều kiện sắm tàu đủ to để chống chịu dông bão, ngư dân là chủ tàu cần thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp phép, đăng kiểm cho tàu cá để xác định đủ an toàn vươn khơi; đồng thời trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin liên lạc hiện đại, thiết bị giám sát hành trình trên tàu…

Đặc biệt là phải đảm bảo giữ liên lạc thường xuyên với các tàu trong tổ đội đoàn kết đánh bắt cùng ngư trường, vì đây sẽ là lực lượng cứu hộ nhanh nhất khi tàu cá gặp sự cố, tai nạn cần giúp đỡ.

Các lực lượng chấp pháp, quản lý nhà nước trên biển cũng cần được tăng cường nguồn lực, đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại đảm đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi.

“Mong bà con tiếp tục vững vàng trên con đường bám biển!” là lời của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trước các ngư dân bị nạn trở về vào chiều 20/10, sau những chia sẻ mất mát, đau thương với toàn thể ngư dân địa phương.

Cờ Tổ quốc vẫn luôn tung bay trên những con tàu của ngư dân. Cầu mong cho những “cột mốc sống” ấy bình yên, mãi vững vàng trên biển!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ "cột mốc sống" trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO