Bảo vệ đại dương vì lợi ích của nhân loại

QUỐC HƯNG 07/06/2017 09:32

Lần đầu tiên, Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức hội nghị quy mô với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên về “sức khỏe” của đại dương.

Rác thải nhựa đang gia tăng ô nhiễm tại các đại dương. Ảnh: nationalgeographic
Rác thải nhựa đang gia tăng ô nhiễm tại các đại dương. Ảnh: nationalgeographic

Năm 2015, lãnh đạo các nước thành viên LHQ nhất trí thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với lộ trình thực hiện tới năm 2030. Đáng chú ý trong đó, mục tiêu thứ 14 với nội dung “Cuộc sống dưới nước: bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển”. Trên thực tế, đại dương bao phủ 71% bề mặt địa cầu, hấp thụ 90% khí nhà kính, cung cấp nguồn lương thực lớn và đóng vai trò trong việc điều hòa khí hậu nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong phiên khai mạc hội nghị đại dương của LHQ kéo dài từ ngày 5 đến 9.6, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết, “sức khỏe” của đại dương đang trải qua các áp lực lớn, chủ yếu là do hoạt động của con người. Kể từ thế kỷ 20, mực nước biển tăng thêm 20cm đe dọa nhấn chìm nhiều thành phố, 30% cá nước mặn đang bị khai thác tận diệt, 20% số rạn san hô đã biến mất, một triệu chim biển và hàng trăm nghìn động vật biển đã chết vì rác thải nhựa.

Hàng nghìn đại biểu có mặt tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) trong suốt tuần này để tìm kiếm các giải pháp thay đổi cục diện của các đại dương. Nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết như lũ lụt, lốc xoáy, sóng thần ngày càng khắc nghiệt hơn. Mối liên hệ giữa sức khỏe của đại dương với biến đổi khí hậu là điều đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra, nhưng chỉ đến Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP 21) tại Paris (Pháp) cuối năm ngoái, lần đầu tiên đại dương mới được đưa vào chương trình nghị sự. Theo nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur tại Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên tại Davos (Thụy Sĩ) vào đầu năm nay, lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên các đại dương vào năm 2050, trừ khi thế giới có hành động mạnh mẽ để tái chế loại phế liệu này. Hơn nữa, việc có hơn 95% túi ni lông bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm mất đi từ 80 đến 120 tỷ USD.

Để bảo vệ đại dương như kỳ vọng, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận phương hướng và biện pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 14. Hãng Thông tấn xã Việt Nam thông tin, những nội dung sẽ bao gồm: chia sẻ kinh nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường biển, quản lý và bảo tồn hệ sinh thái biển, phát triển bền vững nghề cá, tăng cường nguồn lợi từ biển cho các quốc đảo nhỏ và chậm phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học đại dương và công nghệ hàng hải. Qua đó, giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà các đại dương đang phải đối mặt, từ hiện tượng tẩy trắng san hô đến ô nhiễm nhựa, đánh bắt cá quá mức và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Dự kiến, hội nghị kết thúc sẽ thông qua tuyên bố chung và bản kêu gọi hành động, thể hiện sự cam kết và quyết tâm của các nước trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên từ biển. Qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Hội nghị diễn ra đồng thời với sự kiện LHQ tổ chức ngày Đại dương thế giới (8.6) với chủ đề “Our oceans, Our future” (Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta”.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ đại dương vì lợi ích của nhân loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO