Bảo vệ đàn cồng cộc hàng ngàn cá thể ở hồ Thái Xuân

NGUYỄN QUỲNH 18/07/2022 14:20

(QNO) – Khoảng 5 năm trở lại đây, hàng ngàn con chim cồng cộc di cư về hồ Thái Xuân gần khu vực xã Tam Thạnh (Núi Thành) để sinh sống. Hiện chúng đang được người dân địa phương tích cực bảo vệ, vừa làm đẹp cảnh quan hồ và bảo tồn loài chim lạ này.

Công trình chứa nước hồ Thái Xuân không chỉ cung cấp nước tưới mà còn đa dạng về hệ động thực vật. Ảnh: N.Q
Hồ Thái Xuân không chỉ cung cấp nước tưới mà còn đa dạng về hệ động thực vật. Ảnh: N.Q

Công trình hồ chứa nước Thái Xuân thuộc xã Tam Hiệp, vùng lòng hồ nằm giáp ranh với các xã Tam Anh Nam, Tam Thạnh (Núi Thành), lưu vực hồ 18km², có dung tích chứa 11,3 triệu khối nước.

Hồ đảm bảo nước tưới cho 500ha đất sản xuất cho nhiều xã trên địa bàn huyện Núi Thành. Cạnh đó, còn cung cấp nước cho công nghiệp và dân sinh với lưu lượng 0,17m³/s.

Hàng ngàn con chim cồng cộc và các loài chim di cư về nơi đây sinh sống. Ảnh: N.Q
Hàng ngàn con chim cồng cộc và các loài chim khác di cư về nơi đây sinh sống. Ảnh: N.Q

Địa hình hồ rộng, hệ động thực vật phong phú thích hợp cho các loài chim như cồng cộc, cò, sếu... về đây sinh sống theo mùa. Đa số đàn chim di cư về mùa mưa, mùa nắng chúng rời đi nơi khác.

Chim cồng cộc có thể lặn hàng giờ đồng hồ dưới nước để bắt cá, tôm. Ảnh: N.Q
Chim cồng cộc có thể lặn khá lâu dưới nước để bắt cá, tôm. Ảnh: N.Q

Ông Nguyễn Khắc Phục (SN 1976, thôn Đức Phú, xã Tam Thạnh) làm nghề vớt củi khô ở hồ Thái Xuân chia sẻ, hàng năm vào đầu tháng Giêng nước hồ lênh láng, nhiều loài chim bay về đây săn mồi và cư ngụ, nhiều nhất là chim cồng cộc. Đến khoảng tháng 8 dương lịch, mực nước hồ cạn dần, chúng bắt đầu di cư đến nơi khác để sinh sống.

“Chim cồng cộc bơi lặn rất giỏi, bản tính nhút nhát nên không ai có thể lại gần quá 50m. Ban ngày chúng trú đậu quanh bờ hồ, bơi ra giữa hồ để lặn bắt cá, tôm. Tối đến lại bay về hòn đất giữa hồ để ngủ. Buổi sáng chúng bơi lặn tung tăng trên hồ rất đẹp mắt và tiếng kêu nghe vui tai" - ông Phục chia sẻ.

Mùa mưa đàn cồng cộc bay về, nước hộ cạn lại bay đi nơi khác. Ảnh: N.Q
Mùa mưa đàn cồng cộc bay về, nước hồ cạn lại bay đi nơi khác. Ảnh: N.Q

Ông Lương Văn Thạnh (62 tuổi, thôn Đức Phú, xã Tam Thạnh) nhà cạnh hồ này cho hay, trước đây chim cồng cộc xuất hiện ít, thời gian gần đây đàn chim cồng cộc bay về ngày càng đông. Đàn này có tới hơn 3.000 con, mỗi con khoảng 7 - 8 lạng, lông màu đen, cổ dài rất đẹp.

“Tôi rất thích nhìn đàn chim này. Nhiều năm nay, tôi và nhiều người dân ở thôn Đức Phú luôn bảo vệ đàn chim không cho ai săn bắt. Vì tôi nghĩ đất lành chim đậu, đánh bắt sẽ làm mất đi loài chim lạ này và vẻ đẹp hoang sơ của hồ Thái Xuân" - ông Thạnh nói.

Chim cồng cộc còn có tên gọi khác là cốc đen, mỗi con thường đạt trọng lượng hơn 300g, cổ dài, đôi cánh rộng. Mùa hè, bộ lông chim màu đen ánh xanh, một ít lông màu trắng xoăn mọc ở đầu và cổ, sang mùa đông các đốm lông màu trắng xoăn này thay đổi theo thời tiết.

Đàn chim phân bố rộng từ các tỉnh phía Bắc cho đến phía Nam, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây là một trong những loài chim chủ yếu ở các sân chim vùng đồng bằng sông Cửu Long, có giá trị nghiên cứu sinh học, sinh thái, phục vụ tham quan du lịch sinh thái.

Hơn 3.000 con chim cồng cộc đang sinh sống tại hồ Thái Xuân. Ảnh: N.Q
Hơn 3.000 con chim cồng cộc đang sinh sống tại hồ Thái Xuân. Ảnh: N.Q

Hiện nay, đàn chim đang sinh sống ở hồ Thái Xuân khá đông đúc, góp phần làm cho hệ sinh thái nơi đây thêm đa dạng, phong phú. Người dân xã Tam Thạnh (Núi Thành) đang tích cực bảo vệ đàn chim khi chúng về cư ngụ và sinh sản. Về lâu dài, nếu bảo vệ tốt đàn chim có thể biến nơi đây thành điểm thăm quan du lịch hấp dẫn.

[VIDEO] - Hàng ngàn con chim cồng cộc di cư về sinh sống ở hồ Thái Xuân:


(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ đàn cồng cộc hàng ngàn cá thể ở hồ Thái Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO