Lâm nghiệp

Bảo vệ động vật hoang dã: Chuyển biến tích cực từ Núi Thành

HỒ QUÂN - HOÀNG ĐẠO 29/06/2024 11:08

(QNO) – Nỗ lực của chính quyền huyện Núi Thành, vai trò tiên phong của người dân Tam Mỹ Tây, cùng sự hỗ trợ của dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người” do WWF Việt Nam tài trợ cho Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) trong giai đoạn 2023 – 2024 đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.

TAM MY TAY 1
Nhóm tiên phong bảo tồn loài chà vá chân xám phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn. Ảnh: H.Q

Tiên phong bảo tồn động vật quý hiếm

Đôi chân chậm rãi lội qua con suối nhỏ để bước vào “vương quốc” loài voọc chà vá chân xám, ông Lương Thanh Vân - thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) kể: “Chẳng biết đàn voọc này có khi nào, chỉ biết lúc nhỏ vào núi Hòn Dồ làm rẫy thì chúng tôi đã thấy chúng. Khi đó chúng tôi cứ nghĩ là bầy khỉ, chứ không biết đây là đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm đang được cả thế giới bảo vệ”.

“Nhà” của đàn voọc này là vùng giáp ranh giữa 4 xã Tam Mỹ Tây – Tam Thạnh – Tam Trà – Tam Hiệp của Núi Thành. Từng có lúc chúng gần như bị đuổi khỏi nơi sinh sống bởi hoạt động sản xuất lâm nghiệp của người dân, cùng nạn săn bắt thú rừng. Nhưng may mắn là người dân trong thôn bàn nhau lập ra một quy ước bảo vệ voọc. Nhờ đó, không gian sống của loài linh trưởng quý hiếm này đã được bảo vệ. Vài người còn tự nguyện giữ hiện trạng phần giáp ranh với núi để mở rộng sinh cảnh sống cho voọc.

Chúng tôi vừa sản xuất, vừa phân công nhau trông chừng đàn voọc bằng cách ngăn chặn những người săn bắt động vật rừng tiếp cận chúng. Đồng thời, hộ nào phát nương, đốt rẫy mà ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voọc thì chúng tôi vận động họ dừng lại. Lúc rảnh rỗi, chúng tôi còn vào núi để tháo gỡ các bẫy thú, tránh voọc vướng phải.

Ông Lương Thanh Vân - thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây

TAM MY TAY 2
Núi Hòn Ông - nơi sinh sống của hơn 12 cá thể voọc chà vá chân xám. Ảnh: H.Q

Tháng 5/2019, UBND xã Tam Mỹ Tây thành lập Nhóm tiên phong bảo tồn loài chà vá chân xám. Điều này giúp người bảo vệ voọc thuận lợi hơn trong việc xử lý các tình huống gặp phải trên đường tuần tra.

Nhóm gồm 10 thành viên, tham gia bảo vệ voọc trên tinh thần tự nguyện. Họ phối hợp với kiểm lâm địa bàn thành lập các tổ tuần tra, duy trì hoạt động và kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Dư – Trưởng nhóm cho biết: “Cùng với bảo vệ, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp, bảo vệ động vật hoang dã. Địa bàn tuyên truyền không bó buộc ở Tam Mỹ Tây mà còn mở rộng ra các xã Tam Trà, Tam Thạnh để người dân có thêm kiến thức về loài voọc chà vá chân xám và chấm dứt hành động săn bắt, xua đuổi chúng”.

[VIDEO] - Nhóm tiên phong bảo tồn loài chà vá chân xám Tam Mỹ Tây tuần tra, bảo vệ đàn voọc quý hiếm trên địa bàn:

GreenViet chung tay bảo tồn

Năm 2017, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam thông tin cho GreenViet về sự có mặt của loài voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây. Các nhà bảo vệ động vật hoang dã đã ngỡ ngàng trước những gì mà người dân nơi đây đã làm được.

dsc09373.jpg
GreenViet hỗ trợ trang phục và một số thiết bị tuần tra, bảo vệ rừng cho người dân Tam Mỹ Tây. Ảnh: H.Q

Vỏn vẹn khu vực rừng nguyên sinh chỉ rộng 30ha, lại chia cắt thành 4 ngọn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu, xung là rẫy trồng keo của người dân; song đàn voọc chà vá chân xám vẫn sinh trưởng, phát triển an toàn. Đáng nói, loài linh trưởng quý hiếm này sống hài hòa với con người, có thể nhìn được bằng mắt thường, trong khi tập tính của chúng rất nhút nhát.

Trước nỗ lực của các thành viên trong Nhóm tiên phong bảo tồn loài chà vá chân xám, GreenViet đã hỗ trợ một số công cụ cần thiết và tập huấn nghiệp vụ để họ nâng cao hiệu quả tuần tra và nghiên cứu đa dạng sinh học.

Từ 25 cá thể kiểm đếm năm 2018, đến nay đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây đã phát triển lên 69 cá thể, trong đó có nhiều cá thể non chưa thể kiểm đếm chính xác.

[VIDEO] - Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đánh giá về vai trò của tổ chức GreenViet trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng:

Vừa qua, việc triển khai dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người” do WWF Việt Nam tài trợ cho Trung tâm GreenViet trong giai đoạn 2023 – 2024 đã tạo tiền đề quan trọng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Tam Mỹ Tây nói riêng và huyện Núi Thành nói chung.

Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng tham gia hiệu quả vào công tác tuyên truyền chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn và hướng đến chấm dứt nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

GREEN VIET 3
GreenViet đã đồng hành với công tác bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn huyện Núi Thành trong nhiều năm qua. Ảnh: H.Q

"Chúng tôi chọn GreenViet là đối tác chính trong thực hiện dự án lần này. Bởi GreenViet có một thời gian dài đồng hành cùng chính quyền huyện Núi Thành trong công tác bảo tồn loài voọc chà vá chân xám; hỗ trợ với cộng đồng xã Tam Mỹ Tây các giải pháp tuần tra, bảo vệ động vật hoang dã và tuyên truyền rộng rãi cho người dân.

Các hoạt động trong dự án lần này sẽ phát huy thành quả mà GreenViet tạo dựng, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng; góp phần vào chiến lược phục hồi đa dạng sinh học trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và khu vực Trung Trường Sơn nói chung” – bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Quản lý dự án, WWF Việt Nam cho biết.

[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Quản lý dự án, WWF Việt Nam đánh giá việc thực hiện dự án của GreenViet:

Hiệu quả ban đầu từ dự án

Trong khuôn khổ dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người”, thời gian qua GreenViet phối hợp triển lãm Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 với thông điệp “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” vào tháng 3 vừa qua. Tham gia với chủ đề về “Rừng”, câu chuyện bảo tồn loài chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây của Nhóm tiên phong đã tạo dấu ấn đậm nét cho người tham gia triển lãm.

GREEN VIET 2
Những thông điệp mà GreenViet tham gia tại triển lãm Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Ảnh: H.Q

Cạnh đó, GreenViet phối hợp các hội, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông, triển lãm, các cuộc thi tìm hiểu về bảo tồn động vật hoang dã tại Núi Thành; phát động 17 đoàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện Núi Thành ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã; tham quan, dọn vệ sinh khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá chân xám… Cách làm này đã lan tỏa tình yêu thiên nhiên, truyền cảm hứng bảo vệ động vật hoang dã rộng rãi trong thế hệ trẻ.

Em biết đến kiến thức bảo tồn động vật hoang dã qua hoạt động tuyên truyền của Huyện đoàn Núi Thành, chương trình sinh hoạt ngoại khóa ở trường học và hoạt động của Nhóm tiên phong bảo vệ voọc chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây. Thời gian qua, em đã đem kiến thức bổ ích này chia sẻ cho các bạn trong lớp, các thành viên trong gia đình và những người xung quanh để chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Em Nguyễn Thị Ly Na - học sinh lớp 9/1, Trường THCS Lê Văn Tâm (Núi Thành)

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm GreenViet cho biết, trong giai đoạn này, GreenViet đang tập trung vào hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.

GREEN VIET
Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Núi Thành cam kết không mua bán, sử dụng thịt động vật hoang dã. Ảnh: H.Q

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, dự án cũng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tình hình bảo vệ, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã trên địa bàn huyện Núi Thành (giai đoạn 2021 – 2023); tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn chính sách nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

green viet 4
Thế hệ trẻ đóng vai trò chủ lực trong việc tham gia bảo tồn động vật hoang dã trong tương lai. Ảnh: H.Q

Từ hiệu quả hoạt động của dự án, UBND huyện Núi Thành ban hành Kế hoạch số 15 ngày 23/1/2024 về việc “Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn huyện Núi Thành năm 2024”. Mới đây, Huyện ủy Núi Thành ban hành Nghị quyết số 13 về bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cán bộ, nhân dân về bảo vệ động vật hoang dã. Tiếp tục phát huy hiệu quả lực lượng chức năng ở các địa phương, kiểm lâm địa bàn trong việc tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ bảo vệ động vật hoang dã có thêm động lực, tự nguyện tham gia, gắn bó với công việc, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn huyện.

Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành

[VIDEO] - Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ về định hướng của địa phương trong công tác bảo tồn động vật hoang dã:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ động vật hoang dã: Chuyển biến tích cực từ Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO