Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu

NAM VIỆT 17/11/2016 10:14

Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã, diễn ra trong hai ngày 17 - 18.11 tại Hà Nội, sẽ có hơn 40 quốc gia tham dự nhằm chuyển những cam kết chính trị thành hành động cụ thể.

Mới đây, báo cáo Hành tinh sống của Hiệp hội động vật học London (Anh) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, số lượng động vật hoang dã trên toàn cầu giảm 58% kể từ năm 1970. Nếu như tình trạng ô nhiễm môi trường sống, buôn bán động vật hoang dã trái phép hay biến đổi khí hậu không được cải thiện, số động vật hoang dã sẽ giảm đến 70% vào năm 2020. Theo thống kê, kể từ năm 2007, Nam Phi - nơi có số cá thể tê giác đang sinh sống lớn nhất thế giới mất đi gần 6.000 con tê giác do bị săn bắn trái phép.

Hoàng tử William (Anh) cho tê giác ăn, tại một công viên ở Anh. Ảnh: GettyImage
Hoàng tử William (Anh) cho tê giác ăn, tại một công viên ở Anh. Ảnh: GettyImage

Trước thực trạng cấp bách về việc bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu, vào năm 2014, Chính phủ Anh tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ nhất bàn về chống buôn bán động, thực vật hoang dã tại London, sau đó được tổ chức tại Bostawa vào năm 2015. Tham dự hội nghị quốc tế với chủ đề trên tại Hà Nội lần thứ ba có nhiều phái đoàn cấp cao thuộc hơn 40 quốc gia, đặc biệt trong đó có Hoàng tử Anh William hiện là Chủ tịch của “United for Wildlife” (đoàn kết vì động vật hoang dã). “United for Wildlife” là dự án liên hiệp giữa 7 tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới dưới sự chủ trì của Quỹ từ thiện Hoàng gia Anh. Còn nhớ, trước khi hội nghị diễn ra lần đầu tiên, Thái tử Charles và Hoàng tử William truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm bằng 5 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Mục tiêu chính của hội nghị lần này tại Việt Nam là chuyển các cam kết chính trị thành hành động cụ thể.

Từ khi Việt Nam gia nhập Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, nhiều báo cáo trong nước và quốc tế ghi nhận nỗ lực của Việt Nam khiến cho nhu cầu sử dụng, săn bắn sừng tê giác trong nước giảm đáng kể, chủ yếu nhờ vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý buôn bán động vật hoang dã. Cuối tuần qua, Việt Nam tiêu hủy hơn 2.200kg ngà voi, 70kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về cuộc chiến chống buôn bán trái phép các sản phẩm động vật bị đe dọa. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp. Đồng thời Việt Nam được xem là điểm trung chuyển cho các sản phẩm động vật hoang dã như sừng tế giác, ngà voi sang các quốc gia khác.

Tuyên bố trước chuyến sang thăm Việt Nam và dự hội nghị bàn về bảo tồn các loài động vật hoang dã, Hoàng tử William nói, người dân Việt Nam sẽ chia sẻ mối quan tâm của mình trong cuộc chống buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam thực sự có cơ hội để trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến này. Hội nghị sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh cam kết thực hiện có trách nhiệm việc phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Dự kiến, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã sẽ đưa ra Tuyên bố Hà Nội, một tuyên bố chung giữa chính phủ các nước quốc gia tham dự để bảo tồn động, thực vật hoang dã.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO