Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, ngoài tổ chức cứu hộ động vật từ tin báo của quần chúng, đơn vị cũng đã tiếp nhận nhiều loài động vật quý hiếm từ người dân bàn giao, như cá thể tê tê có trọng lượng 1,3kg, trăn gấm nặng 28kg, dài khoảng 4m, 2 cá thể rùa... Sau khi tiếp nhận, các cá thể này đều được đơn vị chăm sóc phục hồi sức khỏe trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Theo kết quả kiểm kê đa dạng sinh học rừng năm 2017 ghi nhận tại Cù Lao Chàm, về động vật hoang dã (ĐVHD), Cù Lao Chàm có 15 loài thú, 11 loài lưỡng cư và 40 loài bò sát; 44 loài chim và 88 loài bướm; trong đó có 3 loài thuộc Sách đỏ thế giới và 6 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Được biết, trước đây ở Cù Lao Chàm xuất hiện tình trạng săn bắt trái phép nhiều loài động vật quý hiếm. Cụ thể vào tháng 7/2020, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với UBND xã Tân Hiệp, lực lượng quản lý bảo vệ rừng và cộng đồng địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu đa dạng sinh học rừng kết hợp tuần tra trên hòn Lao đã phát hiện các dấu hiệu của hành vi bẫy, bắt ĐVHD trong rừng đặc dụng.
Hầu hết khu vực trên đảo đều có vị trí đặt bẫy, tập trung chủ yếu tại các khe suối, hồ nước Bãi Bìm, khu vực đường sau đảo, khu vực phía tây bắc hòn Lao, khu vực rừng phía sau thôn Bãi Hương.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đã phát hiện và gỡ bỏ đường bẫy lưới dài hơn 25m trong đó có một cá thể tê tê, là loài nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp và được xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ quốc tế (IUCN) tại khu vực phía bắc đảo.
Có nhiều đối tượng dùng súng để bắn chim, các loại thú rừng và bò sát như trăn, rắn, kỳ đà, tắc kè, kể cả khỉ; các hành vi sử dụng điện để đánh bắt cá tại hồ nước bãi Bìm, khu vực ruộng nước trên đảo vẫn diễn ra.
Trước thực trạng săn bắt ĐVHD trái phép, BQL Khu bảo tồn biển đã tuyên truyền, đề nghị người dân, các đơn vị đóng chân trên đảo, công nhân thi công các công trình trên đảo và du khách không chặt, đốt phá cây rừng, mang vật dụng dễ cháy nổ vào rừng; không khai thác cây rừng, săn bắt động vật rừng, mua bán, tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD…
Hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD đều bị xử lý theo quy định của pháp luật tại Điều 21, Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp năm 2017. Mọi hình thức săn bắt, nuôi nhốt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài nguy cấp quý hiếm bị phạt tiền cao nhất lên đến 2 tỷ đồng, bị phạt tù cao nhất 15 năm.