Bảo vệ đường dây

LÊ TRÂM 09/11/2013 09:00

Suốt một thời gian dài trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, các xã vùng trung Quế Sơn bị địch đánh phá rất ác liệt, các cơ quan đầu não của cách mạng đóng trên địa bàn ngày đêm bị địch bám theo đánh phá. Vào đầu năm 1967, Huyện ủy Quế Sơn chọn dãy núi Hòn Tàu làm căn cứ đóng chân các cơ quan ban ngành của huyện. Do tính chất đặc thù, ngành giao bưu huyện được bố trí đóng ở hang trầm Xác Máu (trầm là một khu vực có khá nhiều tảng đá nhỏ xếp kề nhau dọc theo các bờ suối), vừa bảo vệ cơ quan huyện ủy vừa là nơi đón nhận các xã về huyện dự họp. Cùng với các cơ quan huyện còn có đơn vị Sư đoàn 2 (Quân khu 5), bộ đội Đặc công 409, đơn vị Vận tải K20 và một số đơn vị khác thuộc Đặc khu Quảng Đà.

Đèo Le - Quế Sơn. Ảnh: PHương thảo
Đèo Le - Quế Sơn. Ảnh: PHương thảo

Dù những năm tháng sống ở Hòn Tàu đã lùi xa gần 40 năm, nhưng những địa danh một thời gắn bó vẫn còn trong ký ức của cán bộ, chiến sỹ giao bưu. Đó là những hang đá trầm Xác Máu, hang trú Bà Sáu, hóc Xôi, cây đa Sũng Nếp, hang Mũi Thuyền, đồi 500, Nước Mát đèo Le… Đây là những nơi ngành giao bưu huyện đặt làm binh trạm liên lạc để giao nhận công văn giấy tờ cho các đơn vị cơ sở với tỉnh và khu 5. Có ba tuyến chính. Từ hang Xác Máu đi các xã vùng trung của huyện. Tuyến thứ hai, qua Bình Lãnh, Bình Trị (Thăng Bình) về hướng Đồng Lùng. Tuyến thứ ba theo hướng núi Nhọn đi ngả dốc Đòn Gánh, xuống cơ sở ông Quạ (Phú Phong) - Phú Hương về phía nam, hướng bắc qua ngõ Duy Lâm - xuống tận căn cứ Xuyên Tân bên sông Ly Ly. Khi đường 105 tắc, tuyến vùng trung phải đi qua Sơn Thạch - An Long - Hòn Chiêng - Châu Sơn - đến tận Bình Định - Bình Trị. Hướng tây, đi qua Sơn Viên - Sơn Ninh… (đi xuyên Hòn Tàu khoảng giữa đèo Le và Bằng Thùng). Đó là con đường khá quen thuộc từ hang Xác Máu - hang trú Bà Sáu - hang Đá Đen - Bằng Thùng xuống Sơn Viên - khe Chín Khúc… Tuyến lên Hiệp Đức thì qua đồi 500 qua bệnh xá chị Hà (bác sĩ trạm trưởng người miền Bắc) tới trại giam, vượt sông Tranh là đến Quế Bình. Hướng này nối với đường dây lên tỉnh và khu 5 do anh Dư phụ trách. Hồi ấy ngoài phần liên lạc, đưa đón cán bộ, đường dây còn tiếp tế lương thực ngõ Phú Thọ, còn thuốc men, giấy tờ, mắm muối phải xuống tận Phú Diên. Mỗi đội công tác giao bưu gồm ba người một nữ, hai nam. Hai nam đi trước, nữ mang tài liệu đi sau, mỗi người cách nhau khoảng bốn, năm mét. Nếu lộ, hai người nam có trách nhiệm đối phó với địch để người nữ thoát khỏi vòng vây. Nếu cần, các cán bộ nam phải hy sinh để bảo vệ tài liệu hoặc bảo vệ cán bộ.

Trước, tôi làm ở giao bưu xã. Năm 1967 được rút về huyện, đi học lớp ba tháng do khu 5 mở tại Quảng Ngãi. Về đến huyện rơi ngay vào những ngày ác liệt. Huyện ủy bổ sung tôi vào cấp ủy và làm Phó ban giao bưu huyện. Thời điểm ác liệt nhất là từ năm 1967 đến 1971. Địch dùng bom pháo, chất hóa học ngày đêm đánh phá dọc theo tuyến đường từ vùng đông lên tây Quế Sơn nhằm ngăn chặn sự vận chuyển lương thực, thuốc men của quân giải phóng, ngăn chặn đường dây liên lạc từ Hòn Tàu đi khắp các xã trong huyện. Bộ đội chủ lực cùng với du kích Sơn Khánh, Sơn Trung, Sơn Thạch đánh nhiều trận tiêu diệt nhiều tên Mỹ ngụy, bắn rơi máy bay tại thôn 3 xã Sơn Khánh, đánh tập kích vào quân Mỹ đóng tại nổng Nhái, gò Nổng, cầu Nà Ban… gây tổn thất nặng nề cho địch.

Khoảng trung tuần tháng 9.1969, địch cho trực thăng đổ quân trên đỉnh Hòn Tàu, sau đó đổ quân hóc Xôi, nổng Nhái. Quân địch từ hướng Cấm Dơi hành quân lên đóng tại chợ Cây Bùi, cầu Nà Ban. Mỹ chiếm giữ đèo Le tạo thế bao vây nhằm đánh vào căn cứ cách mạng Hòn Tàu. Huyện ủy triệu tập họp khẩn bàn việc chuyển cơ quan và giao cho cơ quan giao bưu huyện mở đường, bảo vệ đưa cán bộ ra khỏi khu vực Hòn Tàu theo hướng Gia Cát, Thạch Thượng. Họp xong, nhận mệnh lệnh vừa về đến cơ quan thì anh em trong đơn vị báo cáo địch từ đỉnh Hòn Tàu đang di chuyển xuống thôn 3 Sơn Khánh. Ban cho liên lạc khẩn cấp báo cáo với văn phòng huyện ủy và các cơ quan thu dọn, bố trí cán bộ đến nơi trú ẩn dự phòng. Bọn Mỹ từ đỉnh Hòn Tàu mở đường xuống ngay thôn 3 Sơn Khánh, lùng sục vào tận hang Xác Máu - nơi đóng quân của ngành giao bưu. Ở đó chúng gặp ngay ổ phục kích của anh em giao bưu và đơn vị Vận tải K20 phối hợp đón lõng. Bên ta nổ súng bắn chết tại chỗ mấy tên lính Mỹ, một số khác bị thương.

Do phát hiện Hòn Tàu có quân giải phóng đóng, địch tập trung thêm pháo, cối và máy bay đánh phá suốt cả ngày. Anh em cán bộ phải luồn sâu vào các hang đá để bảo vệ tính mạng. Trời càng về chiều, mức độ đánh phá của địch thưa dần. Anh em giao bưu bắt đầu đi tìm các đơn vị để tổ chức di chuyển địa điểm. Qua kiểm tra, anh em trong cơ quan không ai bị thương và có mặt đầy đủ. Lúc đó đã gần 7 giờ tối, trời đen như mực. Ba anh em giao bưu được giao dẫn đường gồm Quý, Mãi, Cờ - người xã Sơn Khánh, Sơn Thạch do tôi chỉ huy xuống đoạn giữa cây Xoài Đôi và khe Nước Mát tiến thẳng xuống làng Gia Cát - Sơn Thạch (Dương Văn Quý sau này bị Mỹ phục bắn chết, Nguyễn Thị Mãi sau đó cũng hy sinh ở cầu Nà Ban, Nguyễn Văn Cờ hy sinh năm 1972). Đến nơi, trời đã gần sáng. Anh em mệt nhoài, gai cào xước chân tay rướm máu. Huyện ủy ra lệnh sơ tán toàn bộ xuống giao thông hào trải áo mưa nằm, còn anh em giao bưu cảnh giới địch ở vòng ngoài. May sao ngày đó địch không càn quét vùng này, không có cả máy bay ném bom và phi pháo. Đúng 5 giờ chiều cuộc di chuyển tiếp tục, hành quân đến kho An Long (nhà ông Trợ) đóng quân. Đóng quân khu vực này gần hai tháng, thấy tình hình có vẻ yên ắng, hành quân trở về Hòn Tàu xây dựng lại hậu cứ. Đó thật là một trận chiến đấu đáng ghi nhớ của ngành giao bưu huyện Quế Sơn.

Trận khác, năm 1968, chúng tôi nhận trách nhiệm dẫn bộ đội vượt đường 105. Đó là tuyến đường chúng tôi thường đi xuống vùng đông, từ Sơn Thượng qua Phú Thọ, xuống Phú Hiệp đến khoảng giữa Thăng Bình - Quế Sơn (khoảng nhà máy đường bây giờ) vượt đường 1 xuống tận Bình Đào. Bộ đội xuống lúc 6 giờ tối. Bám đường mãi đến 7 giờ rưỡi thì tiếp cận được đường 105. Đúng lúc định men theo tảng đá đen nằm ven đường để vượt đường 105 thì chúng tôi bất ngờ phát hiện địch đi cả một hàng rất gần. Chúng đồng loạt nổ súng. Hai chiến sĩ V10 bị thương, giao bưu không ai bị gì. Ba người chúng tôi quét mấy lượt AK rồi bám vào xóm Làng gần đó. Đến giữa đêm, cõng hai người bị thương về xóm Làng. Khá nhiều trận bất ngờ gặp địch không nhớ hết. Nhưng nhờ cách xử trí nhanh nhẹn, thông minh và bất ngờ tất cả đều thoát được sự truy sát của  địch.

Đến năm 1972 tôi được cử ra Bắc học tập và làm việc đến tận ngày giải phóng mới về lại quê hương tiếp tục công tác.

Suốt những năm khó khăn đầy gian khổ ấy, một số đồng chí là cán bộ giao bưu huyện Quế Sơn đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí còn mang trong mình vết thương chiến tranh. Với công lao và thành tích của đơn vị, Giao bưu huyện Quế Sơn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Bằng khen Ủy ban Mặt trận giải phóng Trung Trung Bộ, Bằng khen của khu 5 và nhiều bằng khen của tỉnh.

LÊ TRÂM
(Ghi theo lời kể của đồng chí Phạm Văn Hát, nguyên Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Giao bưu huyện Quế Sơn)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ đường dây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO