Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện: Lợi ích của cộng đồng

NHỊ TRIỀU 06/11/2013 14:01

Bão Nari gây thiệt hại cho lưới điện phân phối của tỉnh hơn 30 tỷ đồng. Do hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) không đảm bảo, nhiều nơi lưới điện bị cây cối ngã đổ kéo theo dây đứt, ngã trụ, nhân dân mất điện dài ngày… Trong khi đó, việc bảo vệ HLATLĐ đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.

Nhiều rủi ro

Việc giải quyết chưa triệt để tình trạng cây cối xâm phạm hành lang tuyến nên trong cơn bão số 11 vừa qua, hầu hết vị trí hư hỏng của lưới điện đều có nguyên nhân từ cây cối. Tổng cộng có 124 trụ điện trung áp, 522 trụ hạ áp cùng 750 vị trí lưới điện bị đứt, rơi xuống đất…

Cây xanh là nguyên nhân vi phạm HLATLĐ nhiều nhất và dai dẳng, khó giải quyết nhất. Trước đây, các địa phương đã huy động nhiều nguồn vốn xây dựng lưới điện trong tâm trạng háo hức của người dân nên họ sẵn sàng hiến đất, tự chặt cây để lưới điện đi qua, việc quản lý hành lang tuyến bấy giờ cũng dễ dàng hơn. Đối với các công trình do chủ đầu tư khác xây dựng, chỉ quy định đền bù cho đất móng trụ, trạm biến áp, nhà ở và công trình trong hành lang phải tháo dỡ, di dời. Còn lại, đất bảo vệ hành lang tuyến và các công trình, nhà ở đủ điều kiện tồn tại trong hành lang thì không được bồi thường. Khi Nghị định 81 ra đời, việc bồi thường được mở rộng hơn, nhờ vậy hàng nghìn điểm vi phạm HLATLĐ lâu nay trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là nhà cửa công trình được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, giữa các công trình xây dựng trước và sau “mốc” Nghị định 81, không có quyền lợi ngang nhau về sử dụng đất đai nên khó xử lý một số hộ dân cố tình vi phạm.

Sau bão Nari, nhiều nơi cây xanh ngã đổ gây thiệt hại cho lưới điện.Ảnh: Nhị triều
Sau bão Nari, nhiều nơi cây xanh ngã đổ gây thiệt hại cho lưới điện.Ảnh: Nhị triều

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, ngành điện đã tiếp nhận quản lý hầu hết lưới điện trung, hạ áp. Quá trình giao, nhận có nhiều vướng mắc về đất đai. Thông tư liên tịch số 06/2001/TTLB-BCN-BTC của Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính, ban hành ngày 23.8.2001 quy định rõ bên giao phải phối hợp với bên nhận để lập hồ sơ hành lang tuyến có xác nhận của UBND tỉnh về cấp đất; lưới điện trung áp chưa được cấp đất, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chức năng có liên quan lập, trình và duyệt hồ sơ cấp đất để giao cho bên nhận; nếu chưa có đầy đủ các hồ sơ cấp đất, hai bên giao - nhận phải lập hiện trạng hành lang tuyến trình UBND tỉnh xác nhận, làm cơ sở pháp lý để cấp đất sau này. Theo quy định đó, bên giao có trách nhiệm phải giải quyết những phát sinh cho đến thời điểm có quyết định về hồ sơ cấp đất được phê duyệt giao cho bên nhận. Tuy nhiên, từ ngày nhận lưới điện đến nay, việc lập hồ sơ đất đai của đa số công trình lưới điện vẫn dậm chân tại chỗ. Đây chính là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quản lý HLATLĐ, dẫn đến khách hàng kiện đơn vị cung ứng điện và cũng vừa tiếp nhận lưới điện, để đòi đất, đòi di dời lưới điện hoặc ngăn cản, đòi bồi thường khi chặt cây, tỉa cành để bảo đảm an toàn cho lưới điện.

Cần sự chia sẻ

Giải quyết HLATLĐ thực sự là vấn đề nan giải đối với các cấp chính quyền và đơn vị quản lý cung ứng điện, bởi nó có liên quan đến đất đai. Vi phạm HLATLĐ tất yếu gây hậu quả xấu, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích thương mại mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Nam đã cùng UBND các huyện, thành phố ký kết quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm đối với các hoạt động điện lực, trong đó có việc bảo đảm an toàn lưới điện. Riêng giải quyết hành lang tuyến, đang triển khai thí điểm tại xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh), đã có hơn 95% hộ dân viết giấy cam kết không vi phạm lưới điện. Vừa qua, các Điện lực khu vực cũng đã ký kết thỏa thuận với các xã, phường trong bảo vệ hành lang tuyến…

Cách làm sáng tạo này, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong việc giải quyết HLATLĐ. Lãnh đạo các địa phương đã phối hợp khá tốt, nhất là trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai. Các bên đã làm tốt công tác dân vận, linh hoạt trong phương pháp xử lý nên nhận được sự đồng tình của các hộ dân. Ngoài ra, Công ty Điện lực Quảng Nam cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị cấp đất theo hiện trạng của lưới điện trình UBND tỉnh xem xét quyết định; đồng thời trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, công ty có phương án từng bước sửa chữa và quy hoạch hợp lý các tuyến đường dây, góp phần tiết kiệm quỹ đất…  

Thiết nghĩ, nếu tuyên truyền, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của lưới điện trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện, chắc chắn nhiều người sẽ ủng hộ và sẵn sàng hy sinh lợi ích để bảo vệ an toàn cho lưới điện như trước đây họ đã từng làm.

NHỊ TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện: Lợi ích của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO