Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại TP.Hội An” do tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) hỗ trợ thực hiện kết thúc vào cuối năm 2021, với hiệu quả đáng kể.
Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn (gồm khu vực Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại) và vùng lõi sinh quyền Cù Lao Chàm. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 40.000ha, hệ sinh thái vùng này rất đa dạng, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cách đây hơn 12 năm.
TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết: “Cẩm Thanh là vùng trọng tâm, vùng rốn của sự kết nối giữa đất liền và biển. Gần đây chúng tôi đã phối hợp với nhiều nhà khoa học nghiên cứu về mặt chủng loại, nguồn lợi thì thấy rằng sự kết nối đó rất rõ ràng, qua từng loại cụ thể”.
Tuy vậy, điều đáng quan tâm là hiện nay một số thảm cỏ vùng rừng dừa ngập mặn đang bị hủy hoại và ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực; tại khu vực Bãi Ông – Cù Lao Chàm cũng vậy, do tác động của tàu thuyền, du khách và trầm tích đã làm mất khoảng 20ha thảm cỏ biển.
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang có kế hoạch điều chỉnh phân vùng chức năng, nới rộng diện tích phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt để thực hiện mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái, trong đó có các thảm cỏ đã mất, đi kèm với phục hồi quần thể rùa biển...
Để bảo vệ sự đa dạng sinh học kết hợp với việc phát triển du lịch, những năm qua Cẩm Thanh đã triển khai thực hiện thành công dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại thành phố Hội An”.
Dự án kết thúc vào cuối năm 2021 với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó kinh phí tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) khoảng 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của UBND TP.Hội An và khu dự trữ sinh quyển.
Nói về dự án này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia, đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) cho biết: “Thành công của dự án này không phải là sinh kế như những dự án trước vì người dân không còn quá nghèo như xưa nhưng đã làm cho người ta giữ được nguồn lợi của rừng dừa và tài nguyên sinh thái khu vực. Giao rừng dừa cho cộng đồng, nghĩa là cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng dừa, cùng nhau làm du lịch, cải thiện sinh kế thì sẽ phát triển bền vững” - bà Huyền nói.
Bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh chính là tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với vùng hạ lưu sông Thu Bồn để trở thành hành lang bảo tồn thiên nhiên đi đôi với đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, nhất là du lịch sinh thái bền vững ở Hội An.