Bảo vệ làng nghề

L.QUÂN - PH.GIANG 31/01/2013 08:41

Cuối năm 2012, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An triển khai dự án “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể làng nghề truyền thống” nhằm nắm bắt nguyện vọng của người dân để có những biện pháp bảo tồn và phát huy làng nghề phù hợp. Cơ hội đã đến, nhưng khó khăn vẫn còn.

Du khách nước ngoài thích thú khi hóa thân thành cư dân làng rau Trà Quế.
Du khách nước ngoài thích thú khi hóa thân thành cư dân làng rau Trà Quế.

Tham vấn cộng đồng

Những ngày này, khi không khí tết đã len về khắp nơi, người người, nhà nhà chộn rộn chuẩn bị đón xuân, các cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vẫn lao vào công việc. Với họ, xuân bây giờ vẫn còn quá sớm, bởi núi công việc trước mắt. Anh Trương Hoàng Vinh cán bộ trung tâm cho biết, từ tháng 10.2012 đến nay, các chuyên viên của đơn vị tất bật với công tác khảo sát, điều tra tổng thể các làng nghề trên địa bàn thành phố. Sau khi có kết quả điều tra ban đầu, các chuyên viên sẽ phải lập bảng câu hỏi và tổ chức tham vấn người dân tại các làng nghề. “Quy trình của hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm nhiều bước. Ban đầu, xác định tên gọi các di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công cũng như loại hình, địa điểm, chủ thể văn hóa. Bước quan trọng nhất là miêu tả làng nghề, từ quá trình ra đời, tồn tại, hình thức biểu hiện, hiện vật đến không gian văn hóa liên quan, cả vai trò của di sản với cộng đồng và hiện trạng làng nghề thực tại” - anh Vinh cho hay. Cũng theo anh Vinh, nội dung kiểm kê như vậy sẽ có cách tiếp cận làng nghề thủ công truyền thống như một thực thể sống, gắn với cộng đồng dân cư; đặc biệt, sẽ hình dung được những góc nhìn về làng nghề trong sự tiếp biến qua thời gian, không gian.

Cuối tháng chạp, người dân làng Trà Quế dù tất bật với mùa rau tết vẫn dành thời gian phối hợp, cung cấp thông tin cho các chuyên viên của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Bà Võ Thị Khánh dù đã 75 tuổi vẫn lặn lội đến với buổi tham vấn để cung cấp, chia sẻ với cán bộ trung tâm về truyền thống cũng như lai lịch làng rau. Bà cho hay, theo cha ông truyền lại, từ thời chúa Nguyễn, hương rau làng Trà Quế đã nổi tiếng cả vùng Quảng Nam. Không chỉ phong phú về chủng loại, mùi vị của mỗi loại rau cũng rất đặc sắc. Bà Khánh cho hay, nằm ở vị trí ven sông nên làng còn có đầm Trà Quế, nơi sản sinh ra lượng rong rất lớn. Cũng theo cha ông truyền lại, do lấy rong trong đầm làm phân bón nên rau ở đây có mùi vị đặc trưng như vậy. Tại buổi tham vấn, tri thức dân gian làng nghề cũng đã được làm rõ, từ nguồn gốc, xuất xứ cho đến phương cách để phát huy làng nghề. Hiện nay, tại làng Trà Quế có khoảng 240 hộ, trong đó gần 230 hộ làm nông nghiệp. Năm 2001, TP.Hội An đã quy hoạch, hình thành khu canh tác rau tập trung với tổng diện tích 15ha. Đến nay, làng rau Trà Quế không chỉ phục vụ nhu cầu người dân Hội An và các vùng lân cận, cung ứng cho các siêu thị lớn mà còn là điểm du lịch khá lý tưởng.

Cần thiết, nhưng khó khăn

Làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa “nghề” với “nghiệp” mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét, được phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác. Điều đầu tiên phải nói đến là “quy lệ” của các làng nghề. Quy lệ là các quy ước, luật lệ để gìn giữ bí quyết nghề, bảo tồn nghề của dòng họ hay của cộng đồng làng xã. Có thể nói tất cả nghề thủ công đều có bí quyết. Việc giữ bí quyết nghề  không chỉ đơn thuần là giữ nghề mà còn chi phối các quan hệ xã hội, từ đó hình thành nên các đặc điểm văn hóa riêng. Hầu như làng nghề nào cũng có tục thờ cúng tổ nghề và gắn liền với lễ hội cùng các hoạt động văn hóa dân gian khác. Gắn với nghi thức thờ tổ nghề là phần hội mang màu sắc văn hóa dân gian. Như vậy, ở làng nghề ngoài yếu tố sản xuất còn mang đậm yếu tố văn hóa và phần nào có những yếu tố tâm linh phù hợp. Bởi làng nghề ngoài phạm vi đơn vị sản xuất và khái niệm đơn vị hành chính còn có đặc trưng của tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao. Chính vì vậy, công tác tham vấn cộng đồng trong hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể làng nghề tại Hội An là điều vô cùng cần thiết để từ đó có những biện pháp bảo vệ và phát huy. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Nghề làm đèn lồng ở Hội An.   Ảnh: MINH HẢI
Nghề làm đèn lồng ở Hội An. Ảnh: MINH HẢI

Hội An là địa phương triển khai thí điểm công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Từ khi triển khai đến nay, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tổ chức 2 đợt tham vấn cộng đồng tại làng nghề gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Đối với những làng nghề vùng ngoại ô, tính gắn bó và cố kết cộng đồng cao nên việc tham vấn cũng như các hoạt động nằm trong chương trình kiểm kê tương đối dễ dàng. Nhưng với những nghề tồn tại trong lòng phố cổ thì lại khác. Anh Trương Hoàng Vinh chia sẻ: “Vì đây là công việc khá mới mẻ nên công tác tổ chức còn nhiều khó khăn. Với những ngành nghề thủ công trong phố như may, thêu… rất khó để huy động người dân cùng tham gia một buổi tham vấn”.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tổng kinh phí cho hoạt động này được Sở VH-TT&DL cấp 250 triệu đồng. Một con số quá nhỏ so với số lượng làng nghề truyền thống trên địa bàn Hội An, khiến các hoạt động khó thực hiện được một cách đồng đều. Trong khi làng nghề ngày càng đìu hiu, người làm nghề ít dần. Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là động thái nhằm “bảo vệ” văn hóa một cách khoa học nhất, do đó cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp ngành.

L.QUÂN - PH.GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO