Sáng qua 24.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường. Tại điểm cầu Quảng Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và đại diện lãnh đạo các địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan, thực trạng môi trường bị ô nhiễm trong thời gian qua còn có yếu tố chủ quan của con người. Đó là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế. Tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Chưa phát huy được vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong bảo vệ môi trường cũng như trong giám sát công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành Trung ương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý về các vấn đề môi trường. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan tiếp thu, nghiên cứu và bổ sung để xây dựng hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về “Một số giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thực trạng môi trường cho thấy các thách thức mà chúng ta đang đối mặt. Do vậy, cần phải có các chương trình hành động để khắc phục, không để diễn biến xấu hơn. Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường của Trung ương. Quán triệt chủ trương không thu hút đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư vào loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, dự án đầu tư có công nghệ sản xuất lạc hậu; ưu tiên thu hút các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường, dự án đầu tư có công nghệ sản xuất tiên tiến. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường khi để xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của đất nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân…
NGUYÊN ĐOAN