Bảo vệ môi trường nông thôn: Kinh nghiệm từ Điện Bàn

11/12/2012 01:42

Hơn 2 năm trở lại đây, mô hình “Khu dân cư (KDC) tự quản về bảo vệ môi trường (BVMT)” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn phát động đã và đang mang lại nhiều sự đổi thay cho diện mạo nông thôn ở địa phương.

alt
Nhờ thực hiện mô hình “KDC tự quản BVMT” hiệu quả, diện mạo nông thôn mới ở KDC Tây An, xã Điện Phong (Điện Bàn) đã đổi thay nhiều.

Mô hình mới

Những năm qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Điện Bàn đã tập trung đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế khiến giá trị sản xuất trên nhiều lĩnh vực có bước tăng trưởng khá. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, công tác BVMT trên địa bàn huyện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây là vấn đề “nóng” trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Do đó, khi bắt tay vào việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cơ quan có trách nhiệm ở Điện Bàn đặc biệt chú trọng đầu tư nhiều khâu, quyết tâm thực hiện tốt tiêu chí về môi trường. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhanh chóng phối hợp cùng Phòng Tài nguyên môi trường đề ra chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật liên quan đến việc BVMT. Đồng thời, lập kế hoạch và hướng dẫn xây dựng điểm “KDC tự quản về BVMT” đến 20 xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Phước Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn cho biết, từ tháng 9.2010, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện bắt đầu triển khai lớp tập huấn kiến thức xây dựng mô hình “KDC tự quản về BVMT”, phân loại và xử lý rác thải cho cán bộ mặt trận và các hội, đoàn thể từ xã, thị trấn đến các KDC. Mỗi xã, thị trấn chọn 1 đến 2 KDC làm điểm gắn với thực hiện đề án “Thu gom và xử lý chất thải rắn” của UBND huyện Điện Bàn. Mỗi KDC thành lập một Ban vận động gồm: bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các hội, đoàn thể và tổ trưởng tổ đoàn kết. Sau đó tổ chức họp dân trong KDC, thảo luận mục đích, yêu cầu và những nội dung thực hiện mô hình, hướng dẫn nhân dân tự giác đăng ký và thực hiện bản cam kết BVMT; thành lập tổ thu gom rác thải (tổ quản lý môi trường) và thống nhất mức phí đóng góp của từng hộ mỗi tháng. Khi các khâu hoàn tất, tiến hành làm lễ phát động tại KDC và triển khai thực hiện những nội dung đã được nhân dân thảo luận, thống nhất…

Kết quả bước đầu

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình, Điện Bàn đã có 124/182 KDC xây dựng “KDC tự quản về BVMT”; số hộ tham gia hiện nay là 22.386/26.686 hộ, đạt tỷ lệ 84%. Việc thu gom chất thải rắn trong các KDC được thực hiện với nhiều cách thức sáng tạo, tùy điều kiện từng KDC, từng xã khác nhau. “Những KDC có mật độ dân tập trung, đường giao thông rộng, Ban vận động ở KDC hợp đồng trực tiếp với công ty môi trường đưa xe đến thu từng hộ. Còn những KDC mật độ dân cư thưa thớt, đường giao thông nhỏ hẹp, hẻo lánh thì tổ chức đội thu gom rác thải từng KDC hoặc liên KDC, vận chuyển bằng xe thô sơ đến bãi tập trung hoặc thùng rác công cộng. Có KDC vận động các gia đình mua sắm xe tải nhỏ tự tổ chức thu gom rác đưa đến bãi trung chuyển để xe vệ sinh môi trường vận chuyển, xử lý” - ông Mười nói.
Ngoài ra, các Hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang, Điện Nam Bắc cũng tổ chức đội thu gom rác thải, thu phí theo quy định và tự cân đối thu chi. Những người trong đội thu gom rác thải được UBND xã đảm bảo trang bị đồ bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và cân đối trả tiền công với mức 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Chị Võ Thị Phiến - nhân viên Bưu điện xã Điện Quang, chia sẻ: “Trước đây, nhận thức của người dân đối với việc BVMT hầu như rất kém. Từ khi có chủ trương vận động tất cả KDC tham gia BVMT, ý thức của phần lớn các gia đình trong xã đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều hộ đã thay đổi tập quán cũ, không còn vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, đổ nước thải không hợp vệ sinh ra đường, vứt xác động vật chết xuống sông, ao, hồ. Trong chăn nuôi, không ít hộ đã bỏ tiền ra xây dựng hầm biogas để xử lý nước và chất thải. Còn đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều người đã biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và sau khi phun liền thu gom toàn bộ vỏ chai, bao bì bỏ đúng nơi quy định”. 

Tại các vùng đô thị như thị trấn Vĩnh Điện, xã Điện Nam Đông, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Minh... phong trào xây dựng khu phố “xanh, sạch, đẹp” được đông đảo nhân dân tham gia. Ý thức trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị được nâng cao, 100% gia đình có đầy đủ các công trình hợp vệ sinh, rất nhiều gia đình, cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thực hiện cam kết không xả rác, chất thải ra môi trường. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của để nâng cấp, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường trong khu phố. Bên cạnh những việc làm cụ thể, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về BVMT luôn được duy trì thường xuyên. Tại những nơi công cộng, các hội, đoàn thể đã thiết lập được nhiều điểm tuyên truyền, cổ động về BVMT. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới hằng năm, từ huyện đến các KDC tổ chức tuyên truyền trực quan sinh động và huy động nhân dân tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp.

VĂN SỰ - VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ môi trường nông thôn: Kinh nghiệm từ Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO