Bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp: Cần đầu tư đồng bộ

VIỆT NGUYỄN 20/12/2018 01:59

Buổi làm việc của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vào ngày 19.12 đã gợi mở nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG VIỆT
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG VIỆT

Bất cập

Quảng Nam hiện có 7/9 khu công nghiệp đã đi vào sản xuất. Riêng Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ) có diện tích quy hoạch lên đến 230,96ha với 13/15 dự án được chứng nhận đầu tư đã đi vào hoạt động. Tuy  nhiên, khu công nghiệp này chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nước thải mới chỉ được doanh nghiệp xử lý cục bộ rồi thoát vào hệ thống chung. Đáng nói, Khu công nghiệp Thuận Yên chưa được ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 đã hết hiệu lực từ ngày 1.4.2018 mà Bộ TN-MT vẫn chưa có hướng dẫn lập thủ tục mới về môi trường nên Quảng Nam chưa có cơ sở để hướng dẫn đơn vị quản lý hạ tầng của Khu công nghiệp Thuận Yên thực hiện các thủ tục về môi trường.

Phạt doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường hơn 515 triệu đồng

Từ năm 2015 đến nay, Sở TN-MT đã chủ trì thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của 57 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở phát sinh nguồn nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên. Kết quả, tham mưu UBND tỉnh ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 6 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là hơn 515 triệu đồng.

Ngoài Khu công nghiệp Thuận Yên, Quảng Nam hiện có 3/6 khu công nghiệp đã được Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Theo Sở TN-MT, Khu công nghiệp Tam Thăng đã nâng cấp một số công trình về bảo vệ môi trường nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nên chưa được công nhận. Tại Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Trường Hải, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và chủ đầu tư đang lắp đặt hệ thống quan trắc online nên chưa được xác nhận. Khu công nghiệp Đông Quế Sơn đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1, công suất 2.500m3/ngày đêm; đã hoàn thiện hệ thống nước thải và đưa vào thử nghiệm vận hành nên cũng chưa được xác nhận.

Toàn tỉnh hiện có 2/6 cơ sở sản xuất thuộc danh mục có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao đã được ngành chức năng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã đi vào hoạt động nhưng chưa được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường là Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng và Công ty TNHH MTV Ducksan Vina.

Kiên quyết xử lý

Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cho rằng, Quảng Nam cần tạo hành lang pháp lý vững chắc để chấn chỉnh các bất cập về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao cũng như ở các khu công nghiệp. Theo đó, cần ban hành quy chế phối hợp về bảo vệ môi trường với sự tham gia đầy đủ của sở, ngành, các địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp và doanh nghiệp. Theo ông Minh, Quảng Nam có đến 4/7 khu công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường là quá nhiều, cần kiên quyết xử lý bằng cách đầu tư đồng bộ.

Nhà máy xử lý nước thải của Công ty Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng - Tam Kỳ vừa đưa vào hoạt động.Ảnh: THANH THẮNG
Nhà máy xử lý nước thải của Công ty Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng - Tam Kỳ vừa đưa vào hoạt động.Ảnh: THANH THẮNG

Ông Minh cũng cho rằng, Quảng Nam cần đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ tiên tiến trong thu gom, xử lý nước thải tập trung, chuyển từ cột B sang cột A cho phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao hơn. Đơn cử, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc xử lý nước thải tập trung với công suất 5.000m3/ngày đêm với đầu ra đạt tiêu chuẩn QCVN40:2011/BTNMT3, cột B là chưa đảm bảo, cần nâng lên cột A. “Riêng đối với Khu công nghiệp Thuận Yên, cần phải kiên quyết xử lý, khẩn trương rút kinh nghiệm, không chấp nhận chây ỳ đầu tư bảo vệ môi trường dù hoạt động trong suốt mấy năm qua. Nếu đơn vị quản lý hạ tầng của Khu công nghiệp Thuận Yên không hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường thì tỉnh nên chấm dứt hoạt động” - ông Minh nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, UBND tỉnh đã huy động 80 tỷ đồng để khẩn trương đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Thuận Yên, qua đó hoàn thiện các thủ tục để được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Tỉnh sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp cũng như nhanh chóng thành lập Quỹ bảo vệ môi trường để xử lý tốt các tình huống xảy ra. Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư vào hoạt động ở các khu công nghiệp, sẽ xem xét, cân nhắc kỹ càng về tác động môi trường đối với từng dự án, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các ngành, nghề đã quy hoạch tại các khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho đầu tư, vận hành, bảo vệ môi trường. “Quảng Nam đề xuất Bộ TN-MT phân cấp cho Ban Quản lý các khu kinh tế của tỉnh quản lý xuyên suốt về môi trường tại các khu công nghiệp từ lúc thẩm định, phê duyệt các hồ sơ môi trường cho đến thanh tra, kiểm tra tác động môi trường của doanh nghiệp khi hoạt động” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp: Cần đầu tư đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO