Bảo vệ ngư dân bám biển

ĐĂNG CAO 12/05/2016 08:52

Bảo vệ ngư dân bám biển là sự cấp thiết đặt ra vào thời điểm này khi nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị tấn công, uy hiếp, cướp bóc và đâm chìm khi đang sản xuất tại các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngư dân Phạm Phú Thành trở về sau khi tàu cá bị đâm chìm. Ảnh: Đ.C
Ngư dân Phạm Phú Thành trở về sau khi tàu cá bị đâm chìm. Ảnh: Đ.C

Gian nan bám biển

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh khuỵu chân bước lên bờ của thuyền trưởng Võ Quang Thái (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) lúc con tàu QNa-91939 của ông cập cảng Kỳ Hà cách đây hơn 2 tháng. Trước đó, phương tiện này đã bị tàu nước ngoài tấn công, cướp phá khi đang sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa. Theo lời kể của ngư dân, sau khi khống chế con tàu QNa-91939 và toàn bộ ngư dân, các thành viên của tàu nước ngoài đã cột chặt ông Thái vào mũi tàu và dùng roi điện quất vào chân khiến ông lảo đảo và bước đi vẫn còn đau đớn khi về đất liền. Sau khi tra khảo, họ còn cắt vàn lưới, cướp hết hải sản của các ngư dân đánh bắt được trong vòng nửa tháng bám biển. Sự việc xảy ra đã khiến gia đình ông Thái phải vay mượn hơn 200 triệu đồng để sửa chữa lại tàu cá, kêu gọi bạn biển tiếp tục ra khơi.

Tàu cá QNa-91939 bị tấn công chưa lâu thì cũng trong tháng 3 vừa qua, ở ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNa-91865 của ngư dân Trần Sinh (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn làm hư hỏng ca bin, nhiều thiết bị và máy móc trên tàu. Ngay sau khi sửa chữa tàu cá, ông Sinh liền cho tàu ra khơi. Láng giềng, người thân khuyên ông và các bạn biển nghỉ ngơi vài ngày để lấy lại sức sau tai họa nhưng các ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Ông Sinh nói: “Biển của mình thì mình phải gắn bó, bám lấy chứ không thì phía Trung Quốc càng được nước xâm lấn. Mình phải hiện diện để khẳng định vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và ngư dân Quảng Nam bằng mọi giá giữ lấy để còn sinh kế lâu dài cho con cháu mai sau”. Mới đây nhất, tàu cá QNa-95959 của ngư dân Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) cũng bị tấn công khi đang sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ở Trường Sa. Sau tai nạn, ông Thành và các ngư dân cũng khẳng định sẽ lại bám biển Trường Sa sớm nhất có thể. Dường như, cứ sau mỗi lần bị tấn công là ngư dân Quảng Nam càng có động lực gắn bó với biển đảo quê hương.

Cần những biện pháp cụ thể

Đề nghị tặng tàu cá cho ngư dân bị nạn

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh sau khi tàu cá QNa-95959TS của ngư dân Phạm Phú Thành (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) bị đâm chìm khi đang sản xuất trên biển vào ngày 3.5, Liên danh Công ty CP Kobe Việt và tổ chức phi lợi nhuận International Small Vessel Recycle Project vừa thông báo đến Chi hội Luật gia thông tin và truyền thông (Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh) về việc đề nghị tặng một chiếc tàu đánh cá cho ông Thành. Chiếc tàu này được sản xuất tại Nhật Bản, vỏ bằng composic, trị giá 55.000USD và có thể tiếp tục sử dụng 20 - 30 năm nữa.

Chi hội Luật gia thông tin và truyền thông đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân làm thủ tục tiếp nhận tàu nhanh chóng, sớm ổn định sản xuất. Dự kiến chiếc tàu được trao tặng sẽ về đến Việt Nam sau 45 ngày kể từ ngày bên tiếp nhận cung cấp các thông tin liên quan đến việc tiếp nhận tàu. (M.Đ)

Trao đổi với báo chí khi đến thăm hỏi, động viên các ngư dân gặp nạn trở về, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, rất cần thiết, ngư dân cần được các ngành chức năng sát cánh khi đang sản xuất trên biển. Có vậy, họ mới được trợ giúp kịp thời, trong cứu hộ, cứu nạn cũng như khi bị các thế lực bên ngoài đe dọa. Còn ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, các lực lượng chức năng Việt Nam như Bộ Ngoại giao, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hội Nghề cá cần lập tức lên án hành động này và kêu gọi luật pháp quốc tế phản ứng trên tinh thần chính nghĩa, bảo vệ ngư dân Quảng Nam. Bởi luật pháp quốc tế đã quy định rõ rằng, thế lực nước ngoài không thể dùng vũ lực với ngư dân khi họ đang sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền. Luật pháp quốc tế cũng đã bảo trợ ngư dân trên tinh thần nhân đạo, rằng không thể tấn công ngư dân khi họ không thể chống cự, đối phó. Ngược lại tinh thần đó gọi là vô nhân đạo, man rợ.

Đến thời điểm này, hầu hết tàu cá Quảng Nam hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc đều được trang bị hệ thống liên lạc định vị vệ tinh GPS. Các ngành chức năng của Việt Nam, của tỉnh đều xác nhận được vị trí, phạm vi có mặt của tàu cá khi họ đang sản xuất. Vì thế, có ý kiến cho rằng, trên cơ sở xác định tọa độ của tàu cá, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong hướng dẫn cũng như trợ giúp, sát cánh khi tàu cá của ngư dân có nguy cơ bị tấn công hay gặp nạn. Cũng có ý kiến cho rằng, để bảo vệ ngư dân cần phải rà soát lại công tác hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đến đâu. Không thể để tình trạng có nhiều lực lượng chức năng cùng bảo vệ ngư dân nhưng tàu của họ vẫn bị tấn công, đâm chìm, cướp phá và buộc phải tránh khỏi vùng biển thuộc ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Khi được tàu cứu hộ SAR 412 đưa về bờ, ngư dân Phạm Phú Thành vẫn còn mang theo trong người những hình ảnh tư liệu được quay bằng điện thoại di động lúc tàu bị chìm. Có ý kiến nêu rằng, các ngành chức năng nên thu thập, lưu giữ các hình ảnh này để làm cơ sở đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, pháp lý. Đồng thời cũng nên xét đến việc có nên trang bị cho ngư dân các công cụ phòng vệ để tự đề phòng tình huống bất trắc?

ĐĂNG CAO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ ngư dân bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO