Trong bối cảnh hòa nhập khu vực của Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN), vấn đề bảo vệ người tiêu dùng rất được quan tâm.
Cộng đồng ASEAN ra đời vào cuối năm 2015 bao gồm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực. Tuy nhiên, các hoạt động thương mại xuyên biên giới cũng đặt ra không ít thách thức cho người tiêu dùng khu vực. Do đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng được xem là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế ASEAN hiện đại, hiệu quả và cạnh tranh. Người tiêu dùng càng được quan tâm khi Cộng đồng ASEAN ra đời với phương châm “lấy người dân làm trung tâm” vì một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng. Mọi hoạt động của Cộng đồng ASEAN đều tác động đến đời sống hàng ngày của người dân khu vực.
Vì lẽ đó, hội thảo về việc xây dựng, đẩy mạnh năng lực kỹ thuật của các quan chức ASEAN liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, được diễn ra trong suốt 5 ngày cuối tháng 7 vừa qua tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Tại hội thảo, các bộ trưởng và quan chức ASEAN tập trung vào 6 vấn đề cơ bản bảo vệ người tiêu dùng: nhãn mác và an toàn sản phẩm; dịch vụ internet, điện thoại và thương mại điện tử; ngân hàng và tín dụng người tiêu dùng; môi trường; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ nghề nghiệp. Trên thực tế, người tiêu dùng ASEAN hay các khu vực khác trên thế giới nói chung đều yêu cầu có quyền được tiếp cận thông tin về hàng hóa, sản phẩm hay đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm… Do đó, những quy định luật pháp bắt buộc được kiến nghị hay vai trò can thiệp của chính phủ cả trước và sau khi người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm để giải quyết các vấn đề khúc mắc, trở ngại, quan tâm của người tiêu dùng.
Hiện nay, hầu hết 10 quốc gia thành viên ASEAN đã có luật bảo vệ người tiêu dùng. Vào cuối năm 2014, hội nghị đầu tiên của ASEAN về bảo vệ người tiêu dùng được tổ chức tại Việt Nam, thảo luận các vấn đề hiện tại cũng như những thách thức liên quan đến giao dịch tài chính, an toàn sản phẩm tiêu dùng, thương mại điện tử và xây dựng cơ chế bồi thường cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng gặp không ít thách thức. Ví như, quá trình hội nhập ASEAN sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế cùng các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới gia tăng khiến nguy cơ mất an toàn thông tin, lừa đảo trực tiếp hay đánh cắp thông tin thẻ tín dụng… càng tăng cao. Khi đó, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với cơ quan chức năng của các người dân trong khu vực để tìm sự giúp đỡ.
Các quan chức ASEAN kêu gọi các nước thành viên cần phối hợp hoạt động chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa của thương mại điện tử và các vấn đề liên quan, trước mắt là AEC trong thời gian tới.
QUỐC HƯNG