Nguồn lợi và môi trường biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) đang đối diện với những nguy cơ rất phức tạp và khó lường, bởi nguyên do cả từ phía: con người và thiên nhiên.
Khai thác tận diệt
Là cư dân gắn bó lâu năm trên đảo, ông Trần Chúng ở thôn Bãi Ông (xã đảo Tân Hiệp) không giấu được những bức xúc và cho rằng nguồn lợi hải sản vùng biển đảo Cù Lao Chàm những năm gần đây đã sút giảm và cạn kiệt rõ nét. Ông Chúng nói: “Trước đây tài nguyên biển ở đây rất phong phú. Nhưng theo dự đoán của tôi khoảng mười bốn, mười lăm năm sau này thì nó cạn kiệt quá nhiều. Do rất nhiều yếu tố và nguyên nhân. Thứ nhất là những tàu khai thác ở Chu Lai với các nghề săn bắt, lặn ban đêm ở vùng biển đảo này ngày càng phát triển. Theo dự đoán cũng vài trăm chiếc thuyền. Con gì cũng vơ vét hết, hồi đầu con cá lớn, con tôm, sau đó bắt con cá nhỏ, rồi sau bắt con cá nhỏ nữa. Hiện giờ nguồn lợi ở xã đảo dần cạn kiệt”.
Cù Lao Chàm đang hứng chịu nhiều tác động về nguồn lợi môi trường. Ảnh: Đ.HUẤN |
Vài năm gần đây, các lực lượng chức năng trên đảo đã phát hiện và xử phạt hàng chục trường hợp tàu thuyền đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đánh bắt hải sản trong vùng cấm của khu bảo tồn biển bằng các nghề lờ, lưới vây, xung điện… Các hành vi này vi phạm nghiêm trọng Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và tác động nặng nề đối với hệ sinh thái biển, làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Ông Phan Hưng (ở thôn Bãi Làng) bày tỏ bức xúc về tác động xấu của các loại nghề khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi hải sản: “Bây giờ là những cỡ lưới 5cm, 7cm và những loại lưới cào sát đáy biển khai thác kiệt quệ, cạn kiệt tài nguyên, tới đời con đời cháu của chúng ta thì không còn gì để khai thác nữa”.
Ngọt hóa và ô nhiễm
Cùng với tình trạng khai thác, đánh bắt mang tính tận diệt nguồn lợi là tình trạng ngọt hóa và rác thải từ đất liền và hệ thống sông ngòi lân cận đang tác động đến vùng biển Cù Lao Chàm. Do nằm cách cửa biển Cửa Đại 15km về phía đông, nằm ở cuối hạ lưu sông Thu Bồn, là nơi chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác động trực tiếp và gián tiếp của tự nhiên và con người từ phía thượng nguồn nên vùng biển đảo Cù Lao Chàm hứng chịu những nguy cơ thiệt hại nguồn tài nguyên. Sau cơn bão và ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, mưa kéo dài nhiều ngày vừa qua, tuy không bị thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất và đời sống của người dân nhưng môi trường biển Cù Lao Chàm đã bị ảnh hưởng. Theo kết quả giám sát chất lượng nước biển Cù Lao Chàm sau cơn bão số 4 cho thấy, lượng nước ngọt, rác thải và trầm tích, đặc biệt là bèo lục bình phát tán từ cửa sông Thu Bồn đã vươn ra đến nhiều khu vực và vùng nước xung quanh đảo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước biển Cù Lao Chàm.
Chia sẻ với những trăn trở, bức xúc của người dân ở đảo Cù Lao Chàm, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội nói: “Những gì chúng ta giữ gìn cho Cù Lao Chàm có ý nghĩa cho tương lai. Tôi cũng thấy rất trân trọng ý kiến của nhiều vị ở đây. Thứ nhất mình phải bảo vệ môi trường biển. Thứ hai là đặt trong mối quan hệ tổng thể nên ý kiến nói rằng dòng sông Thu Bồn bị ô nhiễm, thải chất độc ra đây thì Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh phải có trách nhiệm và TP.Hội An phải có ý kiến. Phải giữ cái chung!”. |
Sau khi thu một số mẫu nước và phân tích nhanh chất lượng nước biển tại các khu vực ven bờ, quanh các rạn san hô, cho thấy độ mặn trung bình tầng mặt và tầng đáy đều giảm xuống, đặc biệt tại khu vực Bãi Bấc, Bãi Hương, Bãi Xếp độ mặn giảm xuống rất mạnh. Độ đục của nước cũng tăng cao. Điều này cho thấy, nguồn nước đổ ra biển mang theo nhiều trầm tích và các loại rác gây đục nước biển. Những trầm tích này khi lắng xuống đáy biển sẽ phủ lên các rạn san hô, nếu nhiều sẽ gây ngạt thở và làm san hô chết. Ông Trần Xá - một lão ngư nhiều kinh nghiệm ở Cù Lao Chàm phản ánh: “Hiện nay từ dòng sông Thu Bồn, những chất thải qua dòng sông đổ ra là Cù Lao Chàm hứng hết vì ở đây có những cái vịnh, cái eo mà đọng lại chất độc đó. Tôi được biết là mỗi năm những vi sinh vật, những tảo biển hay những cá, tôm, ốc… không phát triển là vì lý do các nhà máy dọc theo dòng sông Thu Bồn xả thải xuống dòng sông, khi có lũ lụt cuồn cuộn nó sẽ đưa ra Cù Lao Chàm. Đó là vấn đề mà người dân Cù Lao Chàm phải gánh chịu”.
Điều đáng lo ngại là trong khoảng thời gian ở các tháng mùa mưa, khi thiên tai bão lũ xảy ra liên tục cộng thêm những tác động tiêu cực không ngừng từ con người tại vùng thượng nguồn như khai thác cát, chặt phá rừng, xây dựng thủy điện… thì liệu có đủ thời gian cho môi trường phục hồi lại không hay sẽ tạo nên những tác động dồn dập lên môi trường biển? Do đó, để giảm thiểu những tác động từ thiên nhiên và con người đến môi trường biển nói riêng và môi trường nói chung, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Phát triển kinh tế biển đảo là chiến lược mang tầm quốc gia, mang ý nghĩa sâu sắc. Cù Lao Chàm có vị trí, vai trò quan trọng vì là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là khu vực phòng thủ của tỉnh cũng như khu vực. Vì vậy, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng biển đảo là nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng bền vững!
ĐỖ HUẤN