Nguồn lợi hải sản trên địa bàn tỉnh đang suy giảm nghiêm trọng do nạn khai thác tận diệt diễn ra lâu nay. Vì thế, việc cấm hay hạn chế khai thác hải sản là giải pháp thiết thực. Vấn đề đáng quan tâm là triển khai như thế nào và sinh kế của ngư dân có đảm bảo hay không?
TẬN DIỆT NGUỒN LỢI HẢI SẢN
Rất đáng báo động tình trạng tận diệt nguồn lợi hải sản bằng các nghề giã cào, lồng bẫy, pha xúc, xung điện.
Nhiều nguy hại
Quảng Nam đã hạn chế nghề giã cào từ năm 2012 nhưng đến nay, nghề này vẫn hoạt động mạnh ở cả tuyến lộng lẫn ven bờ với tổng cộng 170 tàu. Nghề này có đặc trưng là cào hết các loại hải sản to nhỏ trong phạm vi đánh bắt. Biết là tận diệt nguồn lợi nhưng ông Trần Việt Hải (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-00961 có công suất 45CV vẫn luôn đi biển thực hiện giã cào.
“Tôi theo nghề này đã 25 năm rồi. Bây chừ không đổi nghề được cũng không bỏ biển lên bờ làm nghề khác được. Nghiệp biển đã vậy, quen rồi, chỉ đến khi già thì nghỉ” - ông Hải nói.
Ông Võ Tiến Duẩn (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-01332 có công suất 45CV theo nghề giã cào cho rằng, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, so với các nghề khác, giã cào dễ đánh bắt hải sản hơn vì phạm vi hoạt động rộng, mắt lưới nhỏ.
“Tôi và 2 lao động đi biển từ tối đến sáng thì cập bờ. Mỗi chuyến biển thu được ít cá đuối, cá đù, cá phèn, tôm, thu nhập mỗi người được vài trăm nghìn đồng, đắp đổi qua ngày” - ông Duẩn nói. Nghề giã cào là một trong những tác nhân gây suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển Quảng Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra phổ biến, xâm hại nguồn lợi, như nghề te, xiệp, xung điện, giã cào trong vùng biển ven bờ và vùng lộng. Ngư lưới cụ ngư dân khai thác hải sản có mắt lưới nhỏ hơn quy định. Đáng báo động tình trạng khai thác loại hải sản chưa thành thục như cá con, mực con, tôm con còn khá phổ biến. Những hành vi trên làm suy giảm nguồn lợi hải sản nhưng công tác quản lý nghề cá còn chưa bám sát những vấn đề đặt ra. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT sắp sửa triển khai đề án “Cấm, hạn chế khai thác hải sản ở các vùng biển Việt Nam”.
Rất đáng báo động với tình trạng khai thác hải sản trái phép ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện tàu cá QNa-02242 do ông Nguyễn Quốc Liên (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cùng 3 lao động biển câu cá trái phép ở khu vực Bãi Bắc. Hành vi câu cá tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt này là sai phạm nghiêm trọng. Ông Liên đã bị nhắc nhở và phạt 3 triệu đồng.
TS.Chu Mạnh Trinh - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết, khai thác hải sản trong phân khu bảo vê nghiêm ngặt có nguy cơ tiêu diệt các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển, các loài hải sản quý hiếm. Từ đó, giảm đa dạng sinh học, biến động môi trường sinh thái biển.
Khó xử lý
Người dân xã đảo Tân Hiệp nhờ nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái biển đã không còn khai thác hải sản bất hợp pháp trong vùng cấm của khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, ở khu vực đồng thời là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, các tàu ở huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và ngư dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi lại có xu hướng gia tăng đánh bắt hải sản trái phép.
Các tàu đến từ tỉnh thành khác thường có công suất lớn và khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau như nghề câu, lưới rê, lưới vây, nghiêm trọng hơn cả là các hình thức hủy diệt bằng giã cào, kích điện, lồng bẫy, pha xúc… Bên cạnh đó, ngư dân khai thác hải sản bằng nghề lặn gây tác động xấu đến hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển.
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, công tác tuần tra luôn được thực hiện nghiêm túc với sự có mặt của các lực lượng công an xã Tân Hiệp, biên phòng Cù Lao Chàm, nhưng đối diện với nhiều khó khăn, khó xử lý. Các đối tượng vi phạm ngày càng tỏ ra manh động, chống đối, thậm chí uy hiếp lực lượng chức năng. Không ít lần, chủ tàu vi phạm đã tăng tốc chạy trốn mang theo cả nhân viên tuần tra khi họ đã tiếp cận.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, rất khó xử lý các hành vi khai thác hải sản trái phép bằng các nghề pha xúc, bẫy lồng, thuốc nổ, giã cào ở tuyến ven bờ, bởi các đối tượng này thường lựa chọn thời điểm đêm khuya về sáng để đánh bắt hải sản. Lực lượng thanh tra thủy sản của tỉnh ít người lại thiếu công cụ hỗ trợ để trấn áp.
“Có nhiều ngư dân bị bắt nhiều lần, xử phạt khá nặng vẫn lấy các nghề tận diệt hải sản ven bờ làm kế sinh nhai. Công tác tuyên truyền dù được đẩy mạnh nhưng vẫn khó chuyển biến nhận thức bảo vệ nguồn lợi hải sản của ngư dân” - ông Ngô Văn Định nói.
CỘNG ĐỒNG BẢO VỆ NGUỒN LỢI HẢI SẢN
Người dân chung tay tuần tra, kiểm soát, phối hợp với lực lượng chức năng xử lý các hành vi tận diệt để bảo vệ nguồn lợi hải sản là nội dung quan trọng trong triển khai Chiến lược biển của Quảng Nam.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với đa dạng sinh cảnh, sinh học gồm 350 rạn san hô, 50ha thảm cỏ biển, cùng rất nhiều loài hải sản quý hiếm như bào ngư, vú nàng, tôm hùm, cua đá, cá mú, mực... Với sự ưu đãi của tự nhiên, vấn đề bảo tồn và vận dụng để phát triển sinh kế của người dân trong khu vực đã đặt ra cấp thiết.
Nội dung quan trọng trong Chiến lược biển của Quảng Nam là cho ra đời mô hình đồng quản lý bảo tồn biển đầu tiên của tỉnh, áp dụng ở Cù Lao Chàm. Cộng đồng ngư dân cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong việc quản lý, khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi hải sản và các giá trị kinh tế - xã hội ở Cù Lao Chàm.
Với mô hình đó, ngư dân địa phương cùng với khu bảo tồn biển lập kế hoạch phân vùng bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học… Đi đôi với đánh bắt hải sản, ngư dân thực hiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý các trường hợp đánh bắt hải sản trong vùng cấm. Đến nay, đây là điểm sáng trong khai thác, bảo tồn nguồn lợi hải sản trên cả nước.
Quảng Nam đã hình thành thêm 3 mô hình đồng quản lý nghề cá ở các xã Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành). Sự ra đời của các mô hình đồng quản lý khai thác hải sản tại 3 xã nói trên đã gia tăng được diện tích bảo tồn biển, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, giảm thiểu nạn tận diệt hải sản.
Khi mới hình thành, với sự hỗ trợ kinh tế của tổ chức phi chính phủ, các mô hình này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả để nhân rộng ở 6 địa phương có nghề cá của tỉnh, làm cơ sở phát triển nguồn lợi, đảm bảo khai thác bền vững, ổn định sinh kế của ngư dân.
Tuy nhiên, mô hình ở 3 xã Tam Tiến, Duy Hải và Bình Hải tồn tại không lâu. Khác với Cù Lao Chàm - ngư dân tận dụng lợi thế tự nhiên để vừa khai thác hải sản vừa phục vụ du lịch, có sinh kế ổn định, còn ở 3 xã nói trên, khi hết sự tài trợ kinh tế, do bức bách vì kế sinh nhai, ngư dân không thể suốt ngày tuần tra, kiểm soát mà phải đi khai thác hải sản ở nhiều nơi khiến mô hình tan vỡ.
Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho rằng, thất bại của mô hình đồng quản lý nghề cá ở 3 xã nêu trên có nguyên nhân khách quan vì ngư dân không thể giải quyết được bài toán sinh kế. Trong bối cảnh nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức, tận diệt thì đồng quản lý nghề cá là hết sức cần thiết vì hơn ai hết, ngư dân là người trong cuộc. Vấn đề là ngoài cộng đồng ngư dân, cần huy động nguồn lực khác là các nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp để vừa bảo tồn nguồn lợi vừa vận dụng nguồn lợi đó để phát triển kinh tế, như thực hiện du lịch, dịch vụ ở Cù Lao Chàm chẳng hạn.
GIÚP NGƯ DÂN TẠO SINH KẾ MỚI
Câu chuyện chuyển đổi nghề của ngư dân đã đặt ra và giải pháp là tạo môi trường thuận lợi để nghề mới của họ có “đất sống”.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, du lịch chỉ là một trong rất nhiều nghề mà ngư dân sản xuất ven bờ có thể chuyển đổi để có sinh kế mới. Một khi các điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh khởi sắc hơn sẽ tạo tiền đề để ngư dân chuyển nghề. Khi đó, các chính sách như đào tạo nghề cho ngư dân, giúp ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi sẽ là đòn bẩy để ngư dân có kế sinh nhai mới ổn định, bền vững hơn.
Là vùng đất di sản lại có thêm những điều kiện tự nhiên - xã hội thuận lợi, ngư dân ở TP.Hội An đã dần chuyển đổi nghề, từ sản xuất ven bờ sang hoạt động du lịch, dịch vụ. Anh Nguyễn Văn Tánh (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) kể, quyết định táo bạo bán chiếc tàu công suất 45CV hành nghề lưới kéo để chuyển sang hoạt động du lịch cách đây 5 năm đã đem lại thành công như mong đợi. Mỗi tháng, với việc đưa du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) bằng thuyền thúng, anh có thu nhập không dưới 15 triệu đồng.
Anh nói: “Trước đây tôi cùng những ngư dân ở Hội An và Duy Xuyên đánh bắt theo kiểu đuổi cùng diệt tận nguồn tôm cá vùng cửa sông Thu Bồn tiếp giáp với biển Cửa Đại. Các loại hải sản quý hiếm như cá cam, cá mú, bào ngư, ốc đụn, cá bàn chài, cá bướm, cá khoang cổ ở vùng dừa Bảy Mẫu đã không còn nữa. Hình thức khai thác cá con để bán cá giống là quá nguy hiểm. Rất may là ở khu vực này vẫn còn nhiều cảnh quan hấp dẫn du khách giúp chúng tôi chuyển sang làm du lịch hiệu quả”.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, địa phương đang tận dụng mọi nguồn lực để khai thác các ưu thế về tự nhiên - xã hội phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Từ khi triển khai dự án con đường thuyền thúng nghệ thuật Tam Thanh cũng như dự án làng bích họa Tam Thanh, cộng đồng ngư dân xã Tam Thanh đã quen với môi trường du lịch, dịch vụ, phục vụ du khách tham quan rất chu đáo, hiếu khách, để lại ấn tượng đẹp. Vậy thì tại sao không chuyển đổi nghề du lịch cho các ngư dân sản xuất ven bờ bằng các nghề bẫy lồng, lờ mực, lưới cá trích tận diệt nguồn lợi mà hiệu quả kinh tế thu được rất thấp? Câu chuyện ở đây là khi đã có môi trường du lịch, dịch vụ phát triển thì ngư dân sẽ chuyển nghề, thích ứng với nghề mới bằng tính cần cù, năng động vốn có.
Còn ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, con đường Võ Chí Công khi hoàn thành khớp nối từ sân bay Chu Lai đến TP.Hội An và TP.Đà Nẵng sẽ tạo thuận lợi để lan tỏa làn sóng du lịch vào phía Nam của tỉnh.
“Huyện Núi Thành có nhiều danh lam thắng cảnh, ví như xã đảo Tam Hải có các điều kiện tự nhiên - xã hội tương tự xã đảo Tân Hiệp (Hội An). Chúng tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực của huyện, xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và trung ương để tạo chuyển biến du lịch cho vùng đất. Ngư dân tham gia các nghề lồng bẫy, giã cào, pha xúc vốn cực khổ mà không dư dả gì sẽ có điều kiện chuyển nghề sang phục vụ du lịch, dịch vụ” - ông Thịnh nói.
HẠN CHẾ KHAI THÁC HẢI SẢN
Không cấm hay hạn chế khai thác hải sản thì nguồn lợi sẽ tiếp tục bị tận diệt; còn cấm biển thì thực hiện thế nào để ngư dân đồng thuận?
Quan điểm của tỉnh
Chi cục Thủy sản Quảng Nam vừa ban hành lệnh cấm khai thác tôm hùm, thời gian từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.5. Đây là quãng thời gian mỗi năm tôm hùm vào các rạn san hô, trú ngụ và sinh sản. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân không được khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ tôm hùm tự nhiên trên các vùng biển. Ngoài quãng thời gian trên, việc khai thác tôm hùm phải thực hiện đúng kích cỡ theo quy định. Mọi vi phạm đều bị xử lý.
Cấm khai thác hải sản không phải là điều quá mới mẻ tại Quảng Nam. Mục đích là bảo vệ nguồn lợi hải sản và cách làm là giới hạn trong khoảng thời gian nhất định. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, chủ trương cấm, hạn chế khai thác hải sản có thời hạn ở vùng biển Việt Nam là rất đúng đắn. Bởi, không chỉ ở vùng biển ven bờ mà ngay cả vùng biển xa bờ, trữ lượng hải sản cũng giảm sút nghiêm trọng, sản xuất của ngư dân ngày càng khó khăn, hiệu quả kinh tế thu được không cao.
“Cần đánh giá tác động tiêu cực của từng ngành nghề khai thác hải sản đối với môi trường, tự nhiên, sinh thái biển. Nên chăng cấm vĩnh viễn các nghề giã cào, pha xúc, lồng bẫy, chích điện thay cho cấm theo thời gian, ngư trường tuyến ven bờ như hiện nay” - ông Ngô Tấn nói.
Theo phân tích của ông Ngô Tấn, Quảng Nam đã cấm khai thác hải sản khu vực ven bờ với nghề giã cào, nhưng thực chất tàu cá ra vùng lộng rồi quay vào ven bờ đánh bắt tràn lan nhưng lực lượng thanh tra, kiểm ngư mỏng nên không quản lý nổi.
Quảng Nam không cấp giấy phép cho tàu cá mới bắt đầu hành nghề giã cào nhưng ngư dân “lách luật” bằng cách đăng ký khai thác bằng nghề khác để rồi sản xuất trên biển bằng nghề giã cào. Thậm chí, ngư dân trên địa bàn tỉnh mua tàu giã cào ở Quảng Ngãi về rồi không đổi chủ, vào Quảng Ngãi thực hiện đăng kiểm, được cấp giấy phép khai thác hải sản rồi đi nghề giã cào. Bởi vậy, tàu giã cào của Quảng Nam không những không giảm xuống mà còn tăng lên.
“Chúng tôi bắt tay thực hiện đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân hành nghề giã cào, pha xúc, bẫy lồng, chích điện với các hình thức hỗ trợ tương xứng. Vậy nhưng, khi triển khai đã gặp khó từ chính ngư dân. Họ không muốn chuyển nghề mà muốn tiếp tục duy trì sinh kế sẵn có” - ông Ngô Tấn nói.
Hiến kế
Nhằm làm giảm áp lực khai thác lên nguồn lợi thủy hải sản, các quốc gia có biển, như các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đã ban hành những quy định, quy chế để quản lý, phát triển nghề cá bền vững. Các quốc gia đều áp dụng công cụ chung là quy định cấm, hạn chế khai thác nguồn lợi hải sản vĩnh viễn hay có thời hạn.
Ví như ở Malaysia, Chính phủ đã cấm và hạn chế khai thác hải sản để giảm thiểu sức ép khai thác ở những vùng khai thác quá mức, đồng thời phân chia ngư trường cho nghề cá quy mô nhỏ và nghề cá công nghiệp. Họ đã cấm các ngư cụ và phương pháp khai thác có hại, bảo vệ các rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, hải sản hiếm.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, trong thời gian đến, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung, cần nghiên cứu, áp dụng các phương pháp công nghệ hiện đại để xác định chính xác vùng phân bố trứng, con non và bãi đẻ để hình thành một vùng cấm khai thác vĩnh viễn hay cấm khai thác có thời hạn. Trên cơ sở điều tra, thống kê vùng phân bố trứng, con non, nơi cư trú, kiếm mồi, bãi đẻ của các loài hải sản quý hiếm, thực hiện quy hoạch vùng cấm khai thác. Từ đó, thiết lập bản đồ các khu vực cấm, hạn chế khai thác hải sản để định kỳ kiểm tra, đánh giá khả năng bảo tồn, phát triển các loại hải sản đang bảo vệ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho không ít tàu cá của ngư dân Quảng Nam nằm bờ trong thời gian qua là cạn kiệt nguồn lợi do khai thác hải sản tận diệt.
Điều quan trọng trong tái cơ cấu nghề cá của tỉnh là cần xây dựng quy hoạch các loại vùng biển khác nhau với quy định cấm khai thác, khai thác vào mùa nào, khai thác bao nhiêu, loại hình nào được khai thác, tất cả đều phải quy định chặt chẽ. Đó là cách để dần hồi phục nguồn lợi, trữ lượng hải sản, cũng như các loài cá quý hiếm có nguy cơ bị tận diệt như cá hồng, cá mú, cá chim...
Trên cơ sở đó, nghề cá Quảng Nam cần chọn lọc đánh bắt loại hải sản có giá trị kinh tế cao đi đôi với nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi, phát triển chế biến sâu, xuất khẩu, phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Để cứu vãn nghề cá trước mức độ khai thác với cường độ cao, bức hại nguồn lợi, cần dừng khai thác một số loài, nghề ở các ngư trường nhất định với thời gian phù hợp.