Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tạo lực phát triển

VIỆT NGUYỄN 18/03/2019 07:22

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng cách tạo bình đẳng trong cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường, thúc đẩy tiêu dùng lành mạnh, qua đó tạo cú hích, động lực phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.

Người tiêu dùng cần chọn mua những hàng hóa đảm bảo chất lượng. Ảnh: QUANG VIỆT
Người tiêu dùng cần chọn mua những hàng hóa đảm bảo chất lượng. Ảnh: QUANG VIỆT

Cần bảo vệ người tiêu dùng

Qua nhiều mối quen biết giới thiệu, anh Lữ Thành (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) đến tận xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước) để mua các loại nấm linh chi, nấm lim xanh về dùng. Sau khi ngâm trong rượu gần 30 ngày thì các loại nấm rã tan ra, không để lại bất kỳ mùi vị gì của nấm được giới thiệu là quý hiếm. “Chủ cơ sở bán nấm linh chi, nấm lim xanh quả quyết với tôi rằng, các loại nấm trên được thu hái về từ rừng xanh, rất quý giá, có ích cho sức khỏe. Tôi rất thất vọng. Khi liên lạc với cơ sở để đòi quyền lợi chính đáng thì họ bảo bán hàng thật, sự việc đã qua hàng tháng rồi, không có cơ sở nào để giải quyết” - anh Thành nói. Anh Thành cũng cho hay, không biết làm sao liên hệ với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh để tố giác việc kinh doanh hàng giả của cơ sở bán nấm linh chi, nấm lim xanh kia.

Sự việc của anh Thành chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tương tự của người tiêu dùng Quảng Nam khi không may mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng không đảm bảo chất lượng về sử dụng. Nhiều người tiền mất tật mang khi cả tin, mua, dùng các loại đông dược được rao bán vô tội vạ trên thị trường. Theo các ngành chức năng, đáng báo động tình trạng hàng đông dược đã bị rút hết tinh chất nhập lậu về từ Trung Quốc bán cho người tiêu dùng khiến cho bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Chị Nguyễn Thanh Hà (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) bị lừa đảo hàng chục triệu đồng khi bỗng nhiên nhận điện thoại từ cuộc gọi của một cá nhân tự nhận là chủ một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh báo chị đã trúng thưởng lớn qua một chương trình khuyến mãi. Chủ nhân cuộc điện thoại trên yêu cầu chị gửi gần 10 triệu đồng để nhận quà. “Họ nói như thật, biết hết các thông tin cá nhân của tôi nên không nghĩ mình bị lừa. Sau khi phát hiện sự việc, tôi không biết làm sao để tố giác kẻ lừa đảo” - chị Hà nói.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, những vi phạm về quyền và lợi ích của người tiêu dùng vẫn còn xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. “Những vi phạm đó tuy được các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, các tổ chức xã hội và công luận lên án song vẫn chưa đủ để hạn chế, đẩy lùi. Vì thế, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp...” - ông Dũng nói.

Thúc đẩy kinh doanh lành mạnh

Theo Sở Công thương, để đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ không chỉ tổ chức tập trung cao điểm vào tháng 3 mà còn kéo dài trong cả năm. Trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như tết dương lịch, tết âm lịch, các mùa mua sắm, nhất là thời điểm bùng nổ khuyến mãi của doanh nghiệp.

Ông Thiều Việt Dũng cho biết, chủ đề của các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2019 được Bộ Công thương lựa chọn là kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững. Đây là cơ hội để các cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các ngành chức năng cùng hành động để tạo động lực cho tiêu dùng bền vững. Muốn vậy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp phải bài bản hơn, hàng hóa chất lượng và cạnh tranh lành mạnh hơn. Đó là đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Với vai trò là cơ quan giúp việc của UBND tỉnh trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam, Sở Công thương mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các đoàn thể, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức thực hiện dịch vụ trên địa bàn để đẩy mạnh bảo vệ người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chính là nghĩa vụ và quyền lợi, trách nhiệm vì phát triển bền vững của tỉnh. Chính bản thân người tiêu dùng cần tìm hiểu, biết rõ những quy định của pháp luật về bảo vệ mình và áp dụng phù hợp” - ông Dũng nói.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ bán các sản phẩm chất lượng. Đó cũng là cách để doanh nghiệp ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu, kinh doanh phát triển hơn. “Chúng tôi đặt vấn đề cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nghĩa vụ chăm sóc, tư vấn, bảo hành lên hàng đầu. Đó là cách để chúng tôi nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh” - bà Lai nói. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, người dân đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức. Theo đó, tuyên truyền doanh nghiệp vì người tiêu dùng; người tiêu dùng có quyền được thông tin về hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng có quyền được khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe, môi trường; hãy dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng hàng hóa.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tạo lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO