Nơi “cổng trời” của huyện Tây Giang còn giữ lại những cánh rừng pơmu tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. “Rừng cây di sản” này đang được canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt.
Vào rừng pơmu. Ảnh: H.P |
Tài nguyên rừng ở miền tây xứ Quảng lâu nay luôn hấp dẫn lâm tặc ở khắp nơi. Dường như cuộc đấu tranh với các đối tượng phá rừng của lực lượng chức năng vẫn chưa cân sức. Không thể đứng ngoài cuộc, thời gian qua, các hội, đoàn thể, mặt trận và người dân trên địa bàn huyện Tây Giang đã vận động nhau “nối dài cánh tay” bảo vệ rừng, tuyệt đối không tiếp tay cho lâm tặc xâm hại rừng. Một cán bộ kiểm lâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) khoe: “Ở đâu xảy ra phá rừng chứ “vương quốc pơmu” này mà triệt hạ một cây là có chuyện lớn. Dân làng Cơ Tu ở hai xã Tr’Hy và A Xan xem rừng như ngôi nhà thứ hai của mình. Thống kê có gần 300ha rừng pơmu cổ thụ ở núi rừng Tây Giang”.
Các hội nông dân, phụ nữ địa phương đưa tiêu chí bảo vệ rừng pơmu như một trong những chương trình hành động, bình xét danh hiệu thi đua trong năm. Ngoài nhận khoán quản lý, bảo vệ chăm sóc rừng, nông dân nơi đây còn rất có ý thức bảo vệ rừng già. Người nào phá hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng đều bị dân làng lên án, phạt nặng. Vì thế nhiều năm qua, không xảy ra vụ xâm hại rừng nào nghiêm trọng ở đây. Hiện nay, cây pơmu đã được đánh số thứ tự, ký hiệu riêng. Ngành kiểm lâm từng đề nghị, Nhà nước nên chi ngân sách hỗ trợ một phần chi phí cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ cây pơmu bằng hợp đồng hẳn hoi nhằm ràng buộc trách nhiệm cho họ. Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bh’ling Mia, địa phương đã từng làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận hơn 1.037 cây pơmu đã kiểm đếm được ở Tây Giang là cây di sản, cần đưa vào sổ đỏ của quốc gia để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Về lâu dài, địa phương sẽ đầu tư phát triển hạ tầng đường giao thông, tận dụng rừng pơmu phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cảnh báo, tương lai nếu địa phương tận dụng rừng pơmu để khai thác du lịch sinh thái, cùng với đó là mở đường giao thông sẽ tạo ra áp lực tác động vào rừng. “Do vậy, ngành và địa phương đang tính toán lên phương án, kế hoạch dài hạn cho việc bảo vệ loài cây quý hiếm đặc biệt này” - ông Tuấn cho biết.
BÍCH HẠNH