Hơn 50% hộ dân xã Trà Kót (Bắc Trà My) sống phụ thuộc vào hệ thống nước tự chảy từ các khe, suối ở rừng đầu nguồn. Chính vì vậy, hơn ai hết, họ hiểu và ra sức bảo vệ rừng để gìn giữ nguồn nước của mình.
Gia đình chị Trần Thị Cúc (thôn 2, Trà Kót) có hơn 3ha keo lá tràm. Trên diện tích này có con suối ngang qua và gia đình chị bắt đường ống dẫn nước về nhà. Ngoài gia đình chị Cúc, có nhiều hộ khác cũng canh tác ở ven suối nhưng không sử dụng nguồn nước này. Nhiều lần đi làm rẫy, thấy có người xả rác xuống suối nên chị Cúc tuyên truyền để người dân bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước vì đây là lợi ích chung của làng.
“Ban đầu mình nói họ không quan tâm lắm, nhưng về sau thấy nhiều người hiểu được vấn đề. Mỗi khi khai thác keo, thay vì cứ đến suối nghỉ mát, vệ sinh như trước đây thì họ dựng trại riêng, tránh xa nguồn nước. Ngoài ra, người dân địa phương hạn chế trồng keo gần bờ suối để đảm bảo đủ lượng nước mùa khô” - chị Cúc chia sẻ.
Anh Lê Thanh Hải - Trưởng nhóm giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng thôn 1 (xã Trà Kót) cho biết, việc bảo vệ, gìn giữ nguồn nước từ khe, suối gắn với diện tích rừng đầu nguồn là một phần quan trọng trong nhiệm vụ của nhóm. Mỗi tháng, nhóm anh Hải đi tuần tra 3 lần, ngoài việc kiểm tra để kịp thời phát hiện hành vi phá rừng trái phép, các thành viên còn đến các khe, suối ở khu vực thượng nguồn để dọn vệ sinh, lập hàng rào ở những điểm quan trọng, ngăn thú rừng tập trung gây ô nhiễm nguồn nước.
“Ngoài ra, mỗi lần tuần tra, chúng tôi thường tuyên truyền người dân đi thăm rẫy, trồng keo phải biết gìn giữ, bảo vệ nguồn nước ở trong rừng vì nhiều người dân ở dưới núi đang sử dụng nước này để uống, sinh hoạt” - anh Hải nói.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chiến - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trà Kót, ngay từ khi có Chỉ thị 17/2015/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của huyện Bắc Trà My, địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn với bảo vệ nguồn nước đầu nguồn. Trên địa bàn xã hiện có 4.500ha rừng tự nhiên, tất cả diện tích này đã được giao cho dự án KW10 và cộng đồng nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chỉnh phủ.
Những năm qua, đi kèm với công tác tuần tra, giám sát, xã Trà Kót liên tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và văn bản liên quan đến bảo vệ rừng cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ, bảo vệ nguồn nước tại các sông, suối trên địa bàn xã. Hiện nay, Trà Kót có 6 con sông lớn gồm: sông Ví, sông Tró, sông Tà Lá, sông Vàng, sông Me Rí, sông Tre và 6 con suối lớn gồm: suối Đất Sét, suối Trung, suối Bà Hái, suối Tà Lát, suối Kót. Tất cả sông, suối này đều phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 150 hộ dân, chiếm hơn 50% số hộ dân của xã.
Những năm qua, được sự tài trợ của nhiều chương trình, dự án, địa phương đã đầu tư được hơn 2.000m đường ống dẫn nước từ các sông, suối về phục vụ người dân. Ngoài ra, tùy nhu cầu mà người dân chủ động lắp đặt đường ống dẫn nước về. Chính vì sử dụng nước từ rừng chảy về nên ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.
“Vì sử dụng hệ thống nước tự chảy, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên vào mùa nắng nóng kéo dài, tình trạng khan hiếm nguồn nước xảy ra, gây khó khăn cho nhân dân. Trước đây, địa phương có 5 bể chứa dự phòng nước dẫn từ suối về nhưng qua nhiều năm đã xuống cấp, hư hỏng. Vừa qua, dự án nước sạch vùng cao tiến hành khảo sát, chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 bể chứa cho Trà Kót khiến người dân địa phương rất phấn khởi. Hy vọng, thời gian tới, nhiều công trình tương tự tiếp tục được cấp trên quan tâm, hỗ trợ vì tình hình biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng nóng lên, khô hạn kéo dài và nguồn nước sẽ là vấn đề rất quan trọng với người dân vùng cao” - ông Chiến nói.