Bảo vệ tài nguyên cát

QUỐC HƯNG 17/07/2017 08:15

Đến nay, nhiều nước Đông Nam Á ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát trước hệ lụy từ việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng tác động nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác cát tại Campuchia. Ảnh: PhnomPenhpost
Hoạt động khai thác cát tại Campuchia. Ảnh: PhnomPenhpost

Mới đây nhất là vào đầu tuần trước, Chính phủ Campuchia ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát từ tỉnh duyên hải Koh Kong ra nước ngoài, bao gồm sang thị trường chủ yếu là Singapore, một cách vĩnh viễn. Tuy nhiên, việc mua bán và khai thác cát trong nước vẫn tiếp tục tại Campuchia. Lệnh cấm bắt nguồn từ sức ép rất lớn của các nhà bảo vệ môi trường, rằng việc đào bới và nạo vét cát đã tác động tiêu cực đến hệ thống sinh thái vùng ven biển cũng như các khu vực chung quanh, ảnh hưởng đến mưu sinh của người dân vùng ven sông, đe dọa môi trường, an ninh lương thực tại địa phương. Những tổn thương này hiện hữu rất rõ tại tỉnh Koh Kong. Người phát ngôn của Bộ Khoáng sản và năng lượng Campuchia, Meng Saktheara cho biết, trước quan ngại của các nhà bảo vệ môi trường cũng như thực tế rủi ro từ hoạt động khai thác cát tràn lan nên bộ quyết định ban hành lệnh cấm trên. Singapore là thị trường hàng đầu nhập khẩu cát từ Campuchia với khoảng 16 triệu tấn cát từ năm 2007. Tuy nhiên, con số này do Liên hiệp quốc thống kê lên đến 72 triệu tấn, trị giá khoảng 750 triệu USD.

Mặc dù các nhà hoạt động môi trường ở Campuchia hoan nghênh quyết định này nhưng nghi ngờ tính hiệu quả của nó. Bởi trước đây đã từng có lệnh cấm tương tự nhưng hoạt động xuất khẩu cát vẫn diễn ra và lệnh cấm phải nhất thiết áp dụng tại các địa phương trên toàn quốc, chứ không chỉ cấm khai thác cát tại tỉnh Koh Kong. Kể từ khi giành độc lập vào năm 1965, Singapore liên tục mua cát từ bên ngoài để mở rộng lãnh thổ và nguồn cát nhập khẩu chủ yếu là từ các quốc gia láng giềng, bên cạnh Campuchia còn có Malaysia, Indonesia và gần đây là từ Việt Nam. Hoạt động khai thác cát ồ ạt hay bất hợp pháp đang làm xói lở các bờ sông, đe dọa nhiều khu vực trước hiện tượng tương tự, gây ngập lụt và lún chìm khi nước biển dâng cao, ô nhiễm môi trường. Do đó cách đây 20 năm, Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore trong khi Indonesia cũng tiến hành động thái tương tự vào năm 2007.

Liên hiệp quốc từng cảnh bảo việc khai thác tràn lan, bất hợp pháp tài nguyên cát, gây hệ lụy nghiêm trọng đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Đó là sự hủy hoại môi trường, nhiều loài động vật hoang dã bị tiêu diệt, sinh kế người dân địa phương bị tác động nghiêm trọng cùng hiểm họa khác mà con người không thể lường trước, trong khi nguồn tài nguyên này không dễ hồi phục. Mỹ là nhà xuất khẩu cát lớn nhất thế giới và Campuchia đứng vị trí thứ bảy với 97% lượng cát xuất khẩu của Campuchia vào thị trường Singapore. Ngành công nghiệp khai thác cát mỗi năm mang về 70 tỷ USD, đó là chưa kể doanh thu từ các hoạt động khai thác và buôn bán cát bất hợp pháp, theo báo cáo năm 2016 của tờ báo The Sydney Morning Herald (Australia). Nhiều nhà hoạt động môi trường đang lên tiếng kêu gọi các chính phủ hạn chế việc khai thác cát. Các chuyên gia môi trường Liên hiệp quốc khẳng định việc khai thác cát ồ ạt là sự phát triển không bền vững, tương tự như nạn chặt phá rừng.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ tài nguyên cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO