Bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

KIẾN TÂN (Tổng hợp từ daibieunhandan.vn) 18/08/2014 08:56

Hiến pháp 2013 khẳng định nhân dân là chủ thể thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Nội dung chế định BVTQ đã được thể chế hóa tập trung và xuyên suốt những quan điểm cơ bản, đường lối chủ đạo của Đảng, Nhà nước về BVTQ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Hiến pháp 2013 hiến định, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân.  Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải động viên thanh niên Tam Kỳ nhập ngũ đợt 2 năm 2013. Ảnh: X.NGHĨA
Hiến pháp 2013 hiến định, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải động viên thanh niên Tam Kỳ nhập ngũ đợt 2 năm 2013. Ảnh: X.NGHĨA

Bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong Hiến pháp không chỉ bao hàm những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh (QP-AN), mà còn cho thấy tư duy mới về sức mạnh tổng hợp để BVTQ. Sức mạnh đặc trưng của QP-AN còn cho thấy lực lượng vũ trang là nòng cốt được thể hiện rõ nét, tập trung tại Chương IV Hiến pháp 2013 với sự thống nhất gắn kết hữu cơ giữa hai phương diện QP-AN trong nhiệm vụ BVTQ.

Sự nghiệp của toàn dân

Chương IV về BVTQ trong Hiến pháp 2013 trước hết khẳng định BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. So với Hiến pháp năm 1992 tuy sửa đổi không nhiều nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định hệ thống các quan điểm của Đảng về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; vị trí, vai trò của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân luôn là chủ thể, động lực quyết định vận mệnh của đất nước. Hiến pháp 2013 tiếp tục xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời bổ sung mục tiêu “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Đây là vấn đề mới so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng, đồng thời tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tăng cường sức mạnh QP-AN

Nhiệm vụ “làm nghĩa vụ quốc tế” của lực lượng vũ trang là nội dung hiến định mới của Hiến pháp 2013, vừa phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ BVTQ vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về QP-AN theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng. Đây cũng là căn cứ để Quốc hội quy định chính sách pháp luật đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam khi tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc trong tình hình hiện nay, khẳng định một bước quan trọng vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tại các Điều 65, 66, 67 thể chế hóa một cách đầy đủ hơn trách nhiệm của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Trong đó, quân đội nhân dân và dân quân tự vệ làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Điều này vừa thể hiện tính nhất quán xuyên suốt vai trò lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời khẳng định bản chất giai cấp của quân đội nhân dân và công an nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong mọi tình huống, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục hiến định những chính sách cơ bản tại Điều 68 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường sức mạnh QP-AN cả về tiềm lực và thế trận. Xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược BVTQ. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp QP-AN (bổ sung) nhằm hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng trong việc xây dựng, phát triển công nghiệp QP-AN trở thành bộ phận của công nghiệp quốc gia, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, sẵn sàng đánh thắng trong các loại hình chiến tranh, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài những nội dung đã được thể hiện tập trung tại Chương IV về BVTQ, trong nhiều điều khoản của Hiến pháp 2013 luôn khẳng định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, đồng thời nhấn mạnh “mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và BVTQ đều bị nghiêm trị”. Hiến pháp 2013 hiến định rõ, mọi công dân phải thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ BVTQ, trong đó có thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự là trung tâm. Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiến định đầy đủ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng QP-AN của Chủ tịch nước phù hợp với tình hình mới.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được quy định như thế nào?

- Trả lời: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân.

Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.

- Hỏi: Lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như thế nào?

- Trả lời: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

- Hỏi: Trách nhiệm của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như thế nào?

- Trả lời: Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp từ daibieunhandan.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO