Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

TÂM ĐAN 04/07/2023 06:59

“Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” là chủ đề nhận được quan tâm, đề cập tại nhiều hoạt động, diễn đàn liên quan đến trẻ em trong thời gian gần đây

Tại diễn đàn trẻ em năm 2023 do UBND TP.Tam Kỳ, nhiều ý kiến của trẻ em, các ngành chức năng đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước những tác động của internet, mạng xã hội đối với trẻ em. Ảnh: V.A
Tại diễn đàn trẻ em năm 2023 do UBND TP.Tam Kỳ, nhiều ý kiến của trẻ em, các ngành chức năng đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước những tác động của internet, mạng xã hội đối với trẻ em. Ảnh: V.A

Tiếng nói từ trẻ em

Bà Nguyễn Thị Anh Thơ - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An cho biết, Hội LHPN thành phố vừa tổ chức thành công Ngày hội trẻ em với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.

Ngày hội thu hút 60 cặp mẹ con tham gia với nhiều nội dung bổ ích. Tại ngày hội, các em học sinh cũng như phụ huynh đã nói lên được điều tuyệt vời mạng internet đem lại cũng như nhìn nhận những cạm bẫy, rủi ro, nguy cơ không tránh khỏi trên không gian mạng.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, mục tiêu được nhấn mạnh đầu tiên đó là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Chương trình đặt mục tiêu “100% trẻ em là nạn nhân trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng”.

“Những nguy cơ với trẻ trên không gian mạng không còn là tiềm ẩn mà đã để lại những hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến tâm hồn, tinh thần, trí tuệ, thậm chí gây tổn thương về thể xác.

Tại ngày hội, các cơ quan, ban, ngành thành phố đã có những trao đổi về việc nâng cao kỹ năng để các em tự bảo vệ chính mình khi sử dụng mạng internet; giải pháp của phụ huynh có thể giữ cân bằng giữa việc bảo vệ con và tôn trọng quyền riêng tư của con trên mạng…” - bà Thơ cho hay.

Trước đó, tại diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” do UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức, trẻ em thành phố đã phát biểu, chia sẻ sự quan tâm đến vấn đề sử dụng mạng xã hội và những mặt trái tác động đến trẻ em hiện nay.

Em Nguyễn Ngọc Bảo Quỳnh (Trường THCS Lý Thường Kiệt) cho rằng, mạng xã hội có mặt tốt và mặt xấu, đang tác động rất lớn đến trẻ em. Quỳnh cũng cho biết, ở lớp phần đông các bạn sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên nhiều bạn sử dụng không đúng mục đích.

Chẳng hạn, có một nhóm bạn lúc đầu chơi thân với nhau nhưng sau đó một bạn trong nhóm không biết vì lý do gì mà bị tách ra khỏi nhóm. Các bạn trong nhóm sau đó còn lập group trên mạng nói xấu khiến bạn buồn, tự nhốt mình trong phòng không dám chia sẻ với bố mẹ.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Ngọc Nhã Quỳnh (Trường THCS Nguyễn Khuyến) chia sẻ, bên cạnh bạo lực học đường, bạo lực ngôn từ là một vấn nạn trong môi trường học đường hiện nay.

“Việc này bắt nguồn từ thành tích - hơn thua trong học tập hay về ngoại hình… Nhiều bạn áp lực học tập từ gia đình mà sinh ra ghen ghét đối với những bạn có thành tích cao hơn, từ đó kết bè phái, lập các nhóm trên mạng để nói xấu, tẩy chay, chỉ trích. Nhiều bạn bị tẩy chay đã nghĩ tới những hành động dại dột…” - Nhã Quỳnh nói.

Cần bảo vệ trẻ trên không gian mạng

Một báo cáo mới đây của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370 nghìn cuộc gọi đến, với gần 28 nghìn cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ.

Hội LHPN TP.Hội An trao quà cho trẻ em tại Ngày hội trẻ em với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng“. Ảnh: PV
Hội LHPN TP.Hội An trao quà cho trẻ em tại Ngày hội trẻ em với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng“. Ảnh: PV

Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số đang báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại hiện nay.

Những rủi ro tác động đến trẻ em trên không gian mạng đó là thông tin xấu, độc; xâm phạm đời tư, bắt nạt, xâm hại tình dục. Trên không gian mạng, trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm.

Ngoài ra, những thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ khác sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa các em. Bên cạnh đó, một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ em tham gia các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm…

Trẻ em khi bị xâm hại trên môi trường mạng sẽ chịu những ảnh hưởng lâu dài do vấn đề xảy ra trên mạng sẽ tồn tại mãi mãi. Trẻ khi bị xâm hại, đầu tiên cần tìm đến thầy cô, cha mẹ để chia sẻ.

Đồng thời có thể gọi đến Tổng đài 111 mọi lúc mọi nơi. Đây là tổng đài hữu ích, trẻ có thể gọi đến đó hỏi bất cứ vấn đề cần gì và tổng đài có thể giới thiệu, hướng dẫn trẻ tìm đến nơi an toàn để được tư vấn, bảo vệ.

Theo các chuyên gia, “lá chắn” quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới đó là duy trì và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

Trong đó lấy trẻ em là trung tâm trong xây dựng chính sách và lấy ý kiến của trẻ em đối với các cơ chế, chính sách tác động đến trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, vai trò của xã hội, nhà trường và gia đình là rất quan trọng thông qua việc giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên, từ đó các em có thể tự nhận biết và phân biệt bảo vệ chính mình trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO