Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, quy định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gây nhiều ý kiến trái chiều và khó có tính khả thi.
Khoản 11, Điều 6, Chương 1 Luật Trẻ em 2016 quy định cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Quy định này được dư luận quan tâm khá nhiều và cũng khiến khá nhiều người băn khoăn. Chị N.L.H. - công tác tại một doanh nghiệp ở Tam Kỳ chia sẻ, hôm 1.6 vừa qua, chị có đến thăm và tặng quà một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Nếu có không Luật Trẻ em, chị đã đưa hình ảnh các em nhận quà lên facebook cá nhân nhưng vì sợ... phạm luật nên chị không đăng ảnh. “Thực sự thì mình không hiểu rõ quy định của Luật Trẻ em. Mình chỉ nghe loáng thoáng là cấm đưa thông tin, hình ảnh của trẻ em lên mạng” - chị H. nói. Nhiều người cũng băn khoăn với quy định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Luật Trẻ em như chị H. Có người cho biết, đưa con đi du lịch dịp hè nhưng cũng không dám khoe hình ảnh trên mạng vì sợ phạm luật.
Theo Luật trẻ em, từ 1.6.2017, đưa ảnh trẻ em lên facebook có thể bị phạt. |
Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã dành hẳn 1 chương với 5 điều quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em được hiểu là các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em. Về các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo Nghị định 56, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Đồng thời cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Tuy nhiên, sau khi luật có hiệu lực, nhiều phụ huynh vẫn đưa hình ảnh, bảng điểm, kết quả học tập của con lên mạng với lý do “khoe bảng điểm chẳng có gì là sai, con mình học tốt thì mình có quyền khoe, tại sao lại cấm”? Trong khi đó, hỏi một số học sinh được cha mẹ khoe thành tích trên mạng, đa số các em đều cho biết không hài lòng khi cha mẹ chụp ảnh giấy khen, ảnh nhận thưởng rồi tự tiện đưa lên mạng xã hội trong khi chưa được sự đồng ý của mình. Bản thân người viết bài này cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh con lên facebook cá nhân, và xem đó như là niềm vui của mình, đồng thời là cách chia sẻ với con. Tuy nhiên, sau cảnh báo, khi đưa thông tin trẻ lên mạng phải ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ, bảo đảm an toàn thông tin và lợi ích tốt nhất của trẻ em trên môi trường mạng thì có lẽ người lớn cũng cần phải cân nhắc.
Mặc dù Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực, hình ảnh trẻ em vẫn xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội và chưa thấy ai bị phạt. Bởi lẽ, chưa có chế tài xử phạt và chưa rõ ai sẽ là người giám sát, xử phạt. Với những quy định nêu trên, liệu Luật Trẻ em có khó khả thi trên thực tế?
BẢO LÂM