Italia nổi tiếng thế giới với những tháp cổ từ thời La Mã cổ đại. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải gấp rút bảo vệ các công trình tháp cổ bởi chúng đang sụt lún theo thời gian và có nguy cơ sụp đổ.
Vào năm 2011, sau 20 năm phục chế và trùng tu, Italia trả lại vẻ đẹp lung linh và nguyên thủy của tháp nghiêng Pisa cao 56m. Đây là một kiệt tác kiến trúc kỳ lạ của thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1987.
Pisa được nâng thẳng lên khoảng 50cm so với trục thẳng đứng của tháp và không còn dấu hiệu nghiêng thêm. Trước khi trùng tu lần đầu vào những năm 1990, Pisa mỗi năm nghiêng thêm 1mm so với độ nghiêng 4,5m trước đó của tháp.
Câu chuyện trùng tu Pisa là nỗ lực để lại nhiều ấn tượng của Italia, đặc biệt đối với các quốc gia có di sản của nhân loại. Giáo sư Michele Jamiolkowski - kỹ sư và nhà địa chất nói với tờ báo hàng đầu của Italia - Corriere della Sera: “Tất cả kỳ vọng của chúng ta được xác nhận. Bây giờ chúng tôi có thể nói rằng tòa tháp Pisa có thể tồn tại yên bình trong ít nhất 300 năm sau đợt trùng tu”.
Tháp chuông Pisa đứng tự do, nặng khoảng 15.500 tấn, được xây dựng theo nhiều giai đoạn từ năm 1174 đến năm 1370, không chỉ là niềm tự hào của người Italia mà là điểm đến không thể bỏ lỡ khi du khách dừng chân khám phá “đất nước hình chiếc ủng” này.
Mới đây, Italia tiếp tục công tác “chống đỡ” tháp nghiêng Garisenda - biểu tượng của thành phố Bologna thuộc miền Đông Bắc. Công trình Garisenda được ví như “Pisa thứ hai” - vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, vừa là điểm thu hút khách du lịch khi đến Bologna.
Tháp Garisenda cao 48m, xây dựng vào thế kỷ 12 nhưng 2 thế kỷ sau, tháp bắt đầu nghiêng. Ngày nay, tháp nghiêng một góc 4 độ, nhỉnh hơn một chút so với độ nghiêng 3,9 độ hiện tại của tháp Pisa.
Cuối năm ngoái, các đường phố xung quanh tháp Garisenda tạm thời bị phong tỏa khi các nhà khoa học theo dõi cấu trúc để tìm bằng chứng về sự chuyển động và vết nứt của tháp để đi đến kết luận rằng tháp Garisenda có “nguy cơ cao” sụp đổ.
Tuần trước, ông Matteo Lepore - Thị trưởng Bologna cho biết, dựa trên vở kịch cứu tháp Pisa, các kế hoạch “chống đỡ” Garisenda vừa được tiến hành để ổn định cột mốc nghiêng, giúp tòa tháp không bị vỡ hay nghiêng thêm.
Thị trưởng Matteo Lepore tuyên bố: “Nỗ lực này không chỉ bảo vệ Garisenda mà còn mở đường cho việc mở cửa trở lại tháp Asinelli bên cạnh cho công chúng”.
Thị trưởng thành phố Bologna cho hay, Ý sẽ mất khoảng 6 tháng để điều chỉnh thiết bị như sử dụng cho tháp Pisa để phù hợp với Garisenda. Sau đó, công việc gia cố sẽ bắt đầu trên khối xây của tòa tháp.
Quá trình này gồm việc dựng lên các cột thép tương tự như trùng tu Pisa, sau đó bắt tay xây dựng và thắt chặt cáp để giảm độ nghiêng chân tháp. Tháp chuông Pisa ổn định chủ yếu nhờ vào những cột thép. Do đó, các chuyên gia hy vọng, giải pháp này cũng sẽ hiệu quả với tháp Garisenda với dự án trùng tu lên đến 20 triệu USD.
Dù Garisenda có thể không nổi tiếng toàn cầu như Pisa nhưng độ nghiêng của tháp cũng thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Cùng với Asinelli cao chót vót, tháp Garisenda tạo thành một bộ đôi độc đáo làm mê hoặc khách du lịch cũng như người dân địa phương.
Ông Matteo Lepore hy vọng dự án trùng tu sẽ mất ít hơn 10 năm và yêu cầu chính phủ nộp đơn xin UNESCO công nhận di sản thế giới cho cả hai tòa tháp.
Đồng hồ đếm ngược bắt đầu cho sự hồi sinh kiến trúc của Garisenda. Mọi con mắt hiện đều đổ dồn vào thành phố quyến rũ Bologna - nơi lịch sử gặp gỡ cùng những đổi mới, sáng tạo trong nỗ lực bảo tồn kho báu quý giá của Italia.