Bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản: Cần chương trình hành động tổng thể

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/04/2014 10:37

Nỗ lực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản của Quảng Nam trong thời gian gần đây đã đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, về lâu dài, cần một chương trình hành động tổng thể.

Bảo vệ và tái tạo nguồn lợi

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, vừa qua, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã thả 50kg tôm càng xanh mẹ đang mang trứng và 20kg tôm bố xuống sông Tam Kỳ với kỳ vọng tái tạo nguồn lợi thủy sản này. Một số nghiên cứu khẳng định do môi trường sông nước bị thay đổi quá đột ngột (hậu quả của lũ lụt, hạn hán xuất hiện bất thường cũng như mặt trái của các hoạt động kinh tế), tôm càng xanh đã bị suy giảm nghiêm trọng và “mất tích” suốt một thời gian dài. Gần đây, một số lượng ít tôm càng xanh đã sinh sôi trở lại tại vài lưu vực sông có môi trường ít bị biến động. Nhận biết tôm càng xanh có thể phát triển tại các vùng có nguồn nước ổn định, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã thả tôm để bổ sung nguồn lợi. “Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị rất lớn về kinh tế cũng như đa dạng sinh học. Qua quá trình dài thực hiện khảo sát, thu thập dữ liệu, nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi đã sản xuất thành công được giống thủy sản này. Việc thả tôm càng xanh đã được chính chúng tôi sản xuất vào tự nhiên có mục đích khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của loài thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng này. Thả tôm càng xanh cũng nhằm lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần thể các sinh vật thủy sinh khác trong cùng thủy vực” - ông Bùi Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam nói. Trước đó, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cũng đã tổ chức thả 400 nghìn con cá tra giống ra các hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh như Tam Kỳ, Thu Bồn, Vu Gia nhằm lưu giữ nguồn gien giống cá tra và góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Số cá tra giống này được trung tâm thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo tại Quảng Nam.

Thả cá tra để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.Q.V
Thả cá tra để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.Q.V

Song hành với việc tái tạo, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được tổ chức trong thời gian qua. Qua 3 đợt tuần tra, Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam đã bắt giữ và xử phạt hành chính gần 10 triệu đồng đối với các chủ phương tiện đã khai thác thủy sản bằng xung điện hoặc sử dụng mắt lưới không đúng kích thước. Ông Ngô Văn Định - Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, để bảo vệ tôm hùm trước nguy cơ bị hủy diệt, loài thủy sản này đã được cấm khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1.4 cho đến ngày 31.7. Trong thời gian đó, ngành thủy sản sẽ áp dụng mức phạt lên đến 20 triệu đồng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. “Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được chú trọng suốt thời gian qua, nhờ đó hạn chế tình trạng suy giảm. Hiện tại, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ thủy sản qua sóng truyền thanh ở các địa phương là Núi Thành và Hội An. Cùng với đó, qua vận động, các nhà hàng, các tổ chức thu mua tôm hùm trên địa bàn cũng đã ký cam kết không thu mua, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ tôm hùm trong thời gian cấm” - ông Định nói.

Cần chương trình tổng thể

Những nỗ lực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của ngành thủy sản Quảng Nam là rất đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy, nạn khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt bằng những chiếc lờ có xuất xứ từ Trung Quốc ngày càng tăng lên khiến nguồn lợi đứng trước nguy cơ tận diệt. Đơn cử, tại xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) có đến 63,6% phương tiện khai thác thủy sản bằng nghề này. Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết: “Đa số lao động trong nghề khai thác thủy, hải sản trên địa bàn đã cao tuổi. Trong khi đó, việc tự tiếp thu nghề mới, đặc biệt là đào tạo nghề cho ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, ngư dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đặt lờ Trung Quốc. Biết nghề này tận diệt nguồn lợi, chúng tôi đã nhiều lần vận động nhưng ngư dân vẫn khai thác hủy diệt trong suốt thời gian qua vì sinh kế quá eo hẹp”. Theo ông Ngô Văn Định, nguồn lợi thủy sản tại Quảng Nam đã bị suy giảm nhiều và càng bị suy giảm nghiêm trọng hơn nếu không khống chế được nghề khai thác thủy sản bằng những chiếc lờ Trung Quốc. “Quyết tâm hạn chế nạn hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đã phối hợp với nhiều địa phương phục kích, bắt tại chỗ và vận động người dân chuyển đổi sinh kế chứ không mưu sinh bằng những chiếc lờ Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức đó thôi chứ không thể xử phạt họ vì Nhà nước chưa có quy định xử phạt” - ông Định nói.

Trước sự suy giảm nguồn lợi thủy sản vùng cửa sông và ven biển, Quảng Nam đã được các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi. Trong tỉnh có Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở KH&CN và Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ngoài tỉnh có Viện Hải dương học Nha Trang và Đại học Nha Trang. Nhìn chung, các nghiên cứu đã phần nào cảnh báo được mức nguy hại và sự suy giảm nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá lại mang tính riêng rẽ, không kế thừa, bởi vậy các giải pháp đề ra chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ. Ví như việc thành lập tổ cộng đồng quản lý khai thác thủy sản ở một số địa phương như Tam Tiến (Núi Thành), Bình Hải (Thăng Bình) hoặc xây dựng mô hình chà - rạn nhân tạo ở Tam Hải (Núi Thành) vẫn chưa phát huy hiệu quả. “Điều quan trọng nhất là một bức tranh tổng thể về nguồn lợi thủy sản của Quảng Nam, còn bao nhiêu loài, các loài đã bị suy giảm ra sao vẫn chưa được phác thảo rõ nét. Một khi đã không thể “nắm bắt” được thực trạng suy giảm thì sẽ không có được các giải pháp bảo vệ cụ thể, sát hợp chứ chưa nói đến phục hồi, tái tạo nguồn lợi” - ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản: Cần chương trình hành động tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO