Giá đầu ra hải sản hạ thấp trong khi giá các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao đã khiến cho thu nhập từ chuyến biển của ngư dân đạt rất thấp, nhiều tàu thu chỉ đủ bù chi.
Thời điểm này đang là đầu trăng, thông thường giá hải sản cao “đội đỉnh”. Vậy nhưng, giá các mặt hàng hải sản lại thấp không ngờ. “Sản phẩm chủ yếu của nghề lưới vây anh em chúng tôi sản xuất là cá ngừ và cá nục. Lúc hàng quá nhiều, đầu ra hạ thấp giá không nói làm chi. Chừ, đang trăng, rất khó có tàu cá đạt sản lượng vậy mà bán ra chỉ mới đủ bù chi cho chuyến biển. Chủ tàu còn có lúc này lúc khác để bù qua sớt lại chứ bạn biển chúng tôi thất thu ở mỗi chuyến biển là sinh nhai bất ổn liền” - anh Ngô Văn Tứ (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) ngư dân có gần 10 năm đi “bạn” nói. Theo anh Tứ, giá hải sản đang thấp ở mức kỷ lục. Cụ thể, cá nục sản xuất ở vùng biển khơi về bán ở Tam Quang chỉ có giá 20.000 đồng/kg; cá ngừ cùng ngư trường có giá 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng cá nục và cá ngừ đánh bắt được ở ngư trường tuyến lộng chỉ có giá lần lượt là 15.000 đồng/kg và 13.000 đồng/kg. So với cách đây chừng 2 tháng, giá hải sản đã hạ thấp 10.000 đồng/kg.
Hải sản thu mua ở Tam Quang (Núi Thành) được cấp đá sơ sài, chuyển lên xe để bán tại các chợ đầu mối. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo tính toán của những chủ tàu, nghề lưới vây sản xuất ở ngư trường xa bờ thường có 15 lao động, bám biển trong thời gian chừng 15 ngày. Sản lượng khai thác ở thời điểm đầu trăng không đạt cao, chỉ chừng 5 tấn, nhiều nhất chỉ bán được khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, do giá nhiên liệu tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, gas, nước đá cũng tăng theo. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được chừng vài triệu đồng còn bạn biển được chia chưa tới 2 triệu đồng. Đó là tính ở mức tương đối chứ nếu sản lượng đánh bắt không đạt thì chuyến biển thành trở thành công cốc.
Ngư dân Quảng Nam có các nghề sản xuất xa bờ chủ lực là câu mực khơi, lưới vây và chụp mực. Hiện tại, hải sản đầu ra của cả 3 nghề này đều ách tắc, giá bán chỉ đạt 2/3 so với trước đây. Các chủ tàu theo nghề chụp mực cho biết, thời điểm này sản xuất rất khó khăn. Nhiều khi quăng lưới chỉ thu được chủ yếu là mực đen, các loài cá tạp chứ hiếm khi thu được mực ống, mực lá, mực nang. Là chủ tàu vỏ thép Qna - 90318 có công suất 822CV hành nghề chụp mực, ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nói: “Mực đen tươi chỉ bán được 10.000 đồng/kg. Cá tạp chỉ bán được 5.000 - 7.000 đồng/kg. Sản lượng khai thác đã khó đạt mà đầu ra lại tắc thì ngư dân thất thu là cầm chắc”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Tuyết Minh - chủ cơ sở thu mua hải sản ở thôn An Hải Tây (Tam Quang, Núi Thành) cho biết, đầu ra hải sản vẫn còn “bí” từ hồi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung. Người mua vẫn chưa hết tâm lý e ngại, nhất là đối với các loại hải sản nhỏ. Bà Minh cho hay, không chỉ giá thấp, cá phải lớn, tươi thì khả năng lưu thông mới tạm ổn. Các loại cá nhỏ, hơi bị xây xước chút cũng rất khó bán vì nhiều người mua cho rằng hải sản này ở gần bờ, dễ nhiễm bẩn, nhiễm độc từ xả thải không kiểm soát. “Chúng tôi chỉ mua và bán lại hải sản đánh bắt ở các vùng biển xa chứ không mua hải sản đánh bắt được ở tuyến lộng và gần bờ. Thị trường đã quy định vậy thì chúng tôi cũng phải thích ứng thôi” - bà Minh nói.
Đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ xây dựng Khu hậu cần nghề cá Tam Quang Để giảm áp ực về đầu ra hải sản, giúp ngư dân sản xuất ổn định, UBND tỉnh đã thông qua chủ trương kêu gọi trung ương đầu tư Khu hậu cần nghề cá Tam Quang, trong đó có các chợ hải sản, khu vực cấp đông bảo quản hải sản và niêm yết công khai giá sàn. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, quy hoạch chi tiết đã được hoàn thành, ngành thủy sản đang trình UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến vào đầu tháng 6 tới đây. Đến lúc đó, hồ sơ xây dựng Khu hậu cần nghề cá Tam Quang sẽ gấp rút hoàn chỉnh, trình Chính phủ phê duyệt và rót vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020. |
Ông Phạm Hoài Nhơn - chủ cơ sở thu mua hải sản có tên Mai Kỳ Hà (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cũng cho rằng, hàng hải sản khó bán trong vòng hơn một tháng nay và giá rất không ổn định, giảm thấp nhiều trong thời gian qua. “Gia đình tôi mua bán hải sản từ 30 năm qua, mặt hàng cung cấp có mặt ở các tỉnh, thành phố từ bắc đến nam, chưa bao giờ gặp phải bất ổn như ở thời điểm này. Lúc cao điểm, mỗi ngày chúng tôi thu mua đến 30 tấn hải sản để cung cấp cho các chợ đầu mối. Vậy mà, trong vòng một tuần nay, có ngày bán không được tấn hải sản” - ông Nhơn nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá hải sản ngư dân bị hạ quá thấp ở thời điểm này còn bởi “cõng” quá nhiều chi phí gián tiếp và trực tiếp. Về gián tiếp, chủ các cơ sở thu mua hải sản ở Tam Quang nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung phải tốn đến hơn 6% tiền hoa hồng tính trên tổng giá trị hải sản khi thỏa thuận nhượng bán lại cho các đầu nậu ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất là tỉnh Thừa Thiên Huế, TP.Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh; hiện tại, các cơ sở thu mua hải sản tại Quảng Nam đều chưa đầu tư hệ thống đông lạnh, cấp đông, nên khi mua hàng hải sản về mà chưa bán được, họ phải đóng thêm 6% chi phí trong tổng giá trị hải sản để được cấp đông hoặc đông lạnh tại các cơ sở khác. Tất cả hao tổn đó đều được tư thương khấu trừ vào hải sản khi mua của ngư dân. Về trực tiếp, đến thời điểm này, phần lớn tàu cá của Quảng Nam vẫn phải bảo quản hải sản đánh bắt bằng cách ướp đá khiến giá trị hải sản bị hao hụt đến 20%. Hàng hải sản đó không thể “vào” được công ty chế biến xuất khẩu càng khiến cho lưu thông bị bế tắc.
NGUYỄN QUANG VIỆT