Giải pháp khả thi để giúp ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề, có nguồn thu nhập ổn định là phục vụ du lịch, dịch vụ bởi đến thời điểm này Quảng Nam đã hết hạn ngạch phát triển tàu cá xa bờ. Ngành chức năng cho biết, sẽ nhanh chóng tổ chức khảo sát, xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ nhằm tạo ra sinh kế mới cho ngư dân, góp phần bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản.
Bỏ biển, lên bờ
Cứ đều đặn mỗi buổi sáng, anh Hồ Hải Nam (phường Cửa Đại, TP.Hội An) - Giám đốc Công ty du lịch Cửa Đại Green Travel tổ chức tour du lịch biển, giúp du khách trong và ngoài nước tham quan, khám phá vẻ đẹp tự nhiên cũng như phong tục, tập quán của đất và người Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Công việc làm du lịch của anh Nam tiến triển tốt, doanh thu và lợi nhuận rất khả quan. Ít ai biết rằng, cách đây hơn 5 năm, anh Nam là ngư dân của làng biển Cửa Đại.
“Thấy nghề biển ven bờ quẩn quanh, thu nhập thấp, lại tàn phá hệ sinh thái biển, tôi đã tìm cách chuyển nghề. Muốn đóng tàu lớn sản xuất xa bờ thì không đủ vốn nên tôi quyết định học tiếng Anh, các kỹ năng làm du lịch, làm hướng dẫn viên phục vụ du khách. Dần dà, có nguồn vốn tích lũy, tôi quyết định tự mở công ty, công việc ổn định như hôm nay là quá trình phấn đấu lâu dài” - anh Nam chia sẻ.
Đến thời điểm này, hầu hết ngư dân sản xuất ven bờ trên địa bàn phường Cửa Đại đã lên bờ làm du lịch và các dịch vụ phục vụ du khách. Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, nghề biển vất vả nhưng thu nhập thấp, bấp bênh, có điều kiện là ngư dân chuyển nghề. Chính quyền không tuyên truyền, vận động gì nhiều, chỉ tạo điều kiện thuận lợi để giúp ngư dân tìm việc làm ổn định ở các công ty du lịch, dịch vụ.
Cũng ở TP.Hội An, phường Cẩm An luôn nhộn nhịp du khách trong và ngoài nước đến tham quan đã tạo thuận lợi cho các ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề. Ngư dân trẻ tuổi thì làm du lịch, dịch vụ, ngư dân tuổi cao thì buôn bán, mở các quầy tạp hóa, siêu thị mini để kinh doanh. “Tôi vay vốn của ngân hàng, làm homestay đã hơn 5 năm nay. Thu nhập ổn định với mức chừng 50 triệu đồng/tháng. Tôi đã trả nợ xong, tích cóp kha khá, cuộc sống thuận tiện hơn hồi làm ngư dân sản xuất ven bờ bằng nghề mành mùng” - anh Lê Tự Triều (phường Cẩm An, TP.Hội An) nói.
Nhiều du khách khi đến tham quan ở xã đảo Tân Hiệp, rất khâm phục cách mời mọc, tiếp đón và bố trí chỗ ở cho khách của vợ chồng anh Dương Bá Tỵ và chị Trần Thị Hiền ở thôn Bãi Ông. Mở homestay, đưa du khách đi tham quan các đảo, lặn biển, phục vụ khách ăn uống... giúp vợ chồng anh Tỵ có nguồn thu nhập xấp xỉ 50 triệu đồng/tháng. Anh Tỵ vốn là ngư dân sản xuất ven bờ bằng nghề lưới cản ở vùng biển Cù Lao Chàm cách đây gần 5 năm.
“Hồi đó, khi được chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vận động đăng ký học ngoại ngữ, nấu ăn và các kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, vợ chồng tôi hào hứng lắm. Nghề biển ven bờ cực nhọc, thu nhập rất bấp bênh. Mới đó đã gần 5 năm, hiện tại đời sống của gia đình và 2 con nhỏ khá đủ đầy” - anh Tỵ nói.
ThS.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho rằng, ngư dân sản xuất ven bờ là sinh kế chứ không phải nặng lòng gắn bó. Nếu có điều kiện chuyển đổi nghề, mở ra triển vọng thu nhập cao hơn, họ sẵn sàng. Nếu được thay đổi điều kiện sống, môi trường, hoàn cảnh thì ngư dân sản xuất ven bờ sẽ tiếp cận, tiếp thu.
Ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) hay Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình), nhiều ngư dân sản xuất ven bờ đã chuyển nghề sang phục vụ khách du lịch bằng cách cho thuê xe máy, xe đạp, kinh doanh buôn bán, mở nhà hàng ven biển và homestay. Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng, ngư dân sản xuất ven bờ rất muốn chuyển nghề vì họ tự biết khó bám trụ lâu dài với nghề biển. Rất mừng vì nhiều ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề làm du lịch, dịch vụ, thương mại có thu nhập ổn định nhưng lo vì quá trình tổ chức chưa được bài bản.
“Làn sóng du lịch đang đẩy nhanh về phía nam là điều kiện thuận lợi giúp các ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề. Nhưng muốn phát triển sâu rộng, các cơ quan nhà nước cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích như giúp ngư dân vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đào tạo nghề du lịch bài bản” - ông Vân nói.
Xây dựng đề án chuyển đổi nghề
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thời gian qua, Quảng Nam luôn khuyến khích ngư dân sản xuất ven bờ chuyển hướng lên bờ làm du lịch, dịch vụ, thương mại để vừa giảm áp lực, tạo điều kiện để nguồn lợi hải sản được phục hồi, vừa ổn định sinh kế cho ngư dân. Bởi vậy, rất mừng khi ngư dân vốn sản xuất ven bờ đã có nguồn thu nhập ổn định khi làm du lịch, dịch vụ.
Một cách khác để bảo vệ nguồn lợi hải sản là giúp ngư dân sản xuất ven bờ tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cải hoán tàu nhỏ thành tàu lớn hoặc bán tàu nhỏ, đóng tàu lớn vươn khơi sản xuất xa bờ. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT chỉ cấp hạn ngạch 782 tàu cá hoạt động trên các vùng biển khơi nên Quảng Nam sẽ không cấp thêm giấy phép khai thác hải sản xa bờ cho các ngư dân sở hữu tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trong thời gian đến do đã hết hạn ngạch.
Sau khi điều tra khảo sát bài bản trữ lượng hải sản ở các vùng biển khơi, Bộ NN&PTNT đã cấp hạn ngạch số lượng tàu cá sản xuất xa bờ cho các tỉnh, thành có nghề cá trên phạm vi toàn quốc để tránh khai thác hải sản quá mức, phát triển nghề cá bền vững. Căn cứ vào số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ hiện có, sản lượng hải sản ngư dân khai thác được mỗi năm, ngành đã tham mưu UBND tỉnh không đề xuất Bộ NN&PTNT cấp thêm hạn ngạch tàu cá sản xuất xa bờ.
Theo Sở NN&PTNT, ngành thủy sản tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá trên địa bàn, tổ chức khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, làm rõ dữ liệu về trữ lượng hải sản ven bờ, tổng số lao động sản xuất ven bờ, các nghề cá hoạt động ven bờ, đánh giá đúng thực trạng để đề ra những giải pháp thiết thực vừa hạn chế suy giảm nguồn lợi hải sản vừa hỗ trợ ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề lên bờ làm dịch vụ, du lịch, thương mại.
“Việc này sẽ tiến hành khẩn trương vì không thể chậm hơn nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân sản xuất ven bờ với nhiều chính sách hỗ trợ” - ông Ngô Tấn nói. Theo đó, sẽ hỗ trợ ngư dân đào tạo nghề, tiếp cận vốn vay, lãi suất vốn vay cũng như tạo môi trường thuận lợi để ngư dân thuận tiện tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, mặc dù thí điểm mô hình đồng quản lý nghề cá với sự tham gia, phối hợp chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng người dân ven biển đã thất bại nhưng có thể rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả trong thời gian đến, qua đó bảo vệ nguồn lợi hải sản được hiệu quả. Cùng với đó, nên nhân rộng mô hình bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) ở các vùng biển suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi, đặc biệt là các loài hải sản quý hiếm như Bàn Than (Núi Thành).
“Điều quan trọng nhất là có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, cần áp dụng bảo tồn biển đi đôi với du lịch để tạo sinh kế ổn định cho người dân tham gia mô hình” - ông Ngô Văn Định nói.