Bấp bênh nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho Đà Nẵng

HÀ SẤU 26/05/2017 15:48

(QNO) - Nằm ở hạ lưu của hai hệ thống lưu vực sông lớn là Vu Gia - Thu Bồn, nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của TP.Đà Nẵng sẽ chịu tác động lớn nhất là vào mùa khô bởi các hoạt động điều tiết, chỉnh trị ở phía đầu nguồn chủ yếu nằm ở tỉnh Quảng Nam.

Nhiễm mặn đến 140 ngày/năm

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, trong giai đoạn từ năm 2000-2007 chỉ có 26 ngày xuất hiện tình trạng nhiễm mặn ở Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ), tuy nhiên từ năm 2008 đến nay đã có tới 719 ngày nhà máy này bị nhiễm mặn. Tính sơ bộ, số ngày nhiễm mặn trung bình ở nhà máy chủ chốt cung cấp nước cho TP.Đà Nẵng khoảng gần 80 ngày/năm (riêng năm 2016 có đến 140 ngày nhiễm mặn).

Nhà máy nước Cầu Đỏ đã có tới hơn 140 ngày nhiễm mặn trong năm 2016. Ảnh: H.S
Nhà máy nước Cầu Đỏ đã có tới hơn 140 ngày nhiễm mặn trong năm 2016. Ảnh: H.S

Cá biệt, tình trạng nhiễm mặn còn xuất hiện rải rác ngay trong mùa mưa (riêng năm 2012 bị nhiễm mặn nặng). Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, trong năm 2016 để đảm bảo cấp nước ổn định, Nhà máy nước Cầu Đỏ phải đưa vào vận hành trạm bơm dự phòng cấp nước thô An Trạch, tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng.

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là thực trạng suy kiệt nguồn nước ở hệ thống sông Vu Gia chảy về Đà Nẵng (nguồn cung cấp nước chính cho thành phố) cũng khiến địa phương này lao đao. Theo chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, một số nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia lấy đi hơn 1,2 tỷ mét khối vào mùa khô chuyển sang sông Thu Bồn. Ngoài ra, sông Vu Gia chảy đến đoạn Quảng Huế thì bị chuyển dòng đưa một lượng nước lớn sang sông Thu Bồn khiến lượng nước chảy về Đà Nẵng bị giảm sút nghiêm trọng.

Việc lượng nước chuyển về bị giảm sút khiến cho một số vùng canh tác hoa màu ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) trước đây luôn màu mỡ thì hiện tại bị thiếu nước sản xuất cục bộ. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ diện tích sản xuất của nông dân huyện này dọc các sông Cu Đê, Cẩm Lệ lao đao vì tình trạng nhiễm mặn xuất hiện tần suất ngày càng nhiều.

Theo số liệu Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cung cấp, công suất cấp nước bình quân đến năm 2015 đạt khoảng 200 nghìn mét khối/ngày đêm, tỷ lệ dân thành thị được dùng nước sạch đạt 90% với tiêu chuẩn khoảng 180 lít/người. Tuy nhiên nguy cơ thiếu nước sinh hoạt luôn tiềm ẩn với người dân một số quận nội thành của thành phố bởi áp lực cung cấp nước sinh hoạt ngày càng lớn, trong khi Đà Nẵng luôn có nhiều hoạt động, sự kiện lớn cần đảm bảo an ninh nguồn nước một cách thông suốt.

Lo ngại với đê ngăn mặn

Trước thực trạng trên, nhiều năm qua TP.Đà Nẵng luôn chủ trương phối hợp chặt chẽ với phía Quảng Nam để khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý ở hệ thống sông Vu Gia. Tuy nhiên, đang có nhiều lo ngại dấy lên xung quanh việc tỉnh có ý định xây dựng đê ngăn mặn kiên cố trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn).

Đập ngăn mặn tạm thời được xây dựng hàng năm trên sông Vĩnh Điện khiến vùng hạ lưu Đà Nẵng lao đao. Ảnh: H.S
Đê ngăn mặn tạm thời được xây dựng hằng năm trên sông Vĩnh Điện khiến vùng hạ lưu Đà Nẵng lao đao. Ảnh: H.S

Ông Huỳnh Vạn Thắng là người nêu rõ quan điểm không đồng tình với dự án này. Ông nói: “Chúng ta phải nhận thức rõ được nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Cửa sông Vĩnh Điện (ở làng Câu Nhí) bị bồi lấp dẫn đến bị nghẽn nguồn nước chuyển về là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiễm mặn”. Cũng theo ông Thắng, để cải thiện tình trạng trên, cần nạo vét cửa sông Vĩnh Điện, bên cạnh đó xây dựng đập điều tiết ở đoạn sông Quảng Huế để điều tiết bớt lượng nước bị chỉnh dòng, như vậy sẽ hài hòa lợi ích cả 2 địa phương.

Ngoài ra, việc xây dựng đê ngăn mặn sẽ khiến cản trở giao thông đường thủy, mà tiêu biểu là tuyến du lịch đường sông từ sông Hàn theo sông Vĩnh Điện vòng xuống Hội An hoặc lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng tiêu cực là các vấn đề hiện hữu cần cân nhắc khi xây dựng đập ngăn mặn kiên cố tại đây.

Có thể thấy rõ, nếu dự án đập ngăn mặn thành hiện thực thì Đà Nẵng chính là địa phương “thiệt đơn thiệt kép” dù địa điểm xây dựng nằm ngoài địa phận thành phố này. Đơn cử trường hợp trước đây, những đập ngăn mặn được xây dựng tạm thời trên sông Vĩnh Điện (khu vực Tứ Câu) cũng làm Nhà máy nước Cầu Đỏ “chịu trận” nhiều lần với số ngày nhiễm mặn đang tăng chóng mặt qua các năm. 

HÀ SẤU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bấp bênh nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO