Thủy sản

Bấp bênh vụ cá chính của ngư dân Quảng Nam

VIỆT NGUYỄN 02/07/2024 10:00

Sản lượng khai thác giảm, đầu ra hải sản bấp bênh..., vụ cá chính của ngư dân Quảng Nam (ngày 1/4 - 30/9) gặp khó đã kéo theo nhiều hệ lụy.

hs.jpg
Nhiều chuyến biển trong vụ cá chính của ngư dân thu được sản lượng hải sản thấp. Ảnh: Q.VIỆT

Bù chi, lỗ tổn

Ngư dân Bùi Văn Danh (thôn Đông Bình, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91838 vừa cập cảng cá Tam Quang (Núi Thành) để bán hải sản sau 25 ngày hành nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa cùng 14 bạn biển.

Ông Danh cho biết, chuyến biển chỉ đạt 5 tấn cá ngừ và cá nục. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, ông Danh thu được 100 triệu đồng nhưng chi phí chuyến biển lên đến hơn 160 triệu đồng (tiền dầu 130 triệu đồng, các chi phí khác hơn 30 triệu đồng) nên lỗ tổn.

“Không hiểu sao, giá cá ngừ, cá nục lại giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và tính từ đầu năm đến nay. Lo nhất là bạn biển không cùng đi đánh bắt hải sản ở chuyến biển tiếp theo” - ông Danh nói.

Ngư dân Phạm Lào (chủ tàu cá ở khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết, đã chuyển đổi nghề lưới vây sang lưới chụp rồi lưới rê hỗn hợp 3 lớp cải tiến nhưng các chuyến biển trong vài năm qua vẫn đạt sản lượng thấp. Ở chuyến biển gần nhất, chỉ đạt vài tấn cá nhám, cá chim..., thu chỉ đủ bù chi.

“Trữ lượng hải sản ở các vùng biển từ tuyến lộng đến xa bờ đều giảm sút mạnh. Cá, mực khan hiếm nên sản lượng mỗi chuyến biển đều không đạt. Đầu ra hải sản lại bấp bênh, tư thương ép giá. Tôi đang tính chuyển đổi nghề biển lên bờ” - ông Lào nói.

Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, không riêng gì vụ cá chính này, nghề biển gặp khó nhiều năm qua. Nếu như trước đây, sản lượng hải sản đạt 15 nghìn tấn/năm thì nay chỉ còn được vài ba tấn/năm.

Do thất thu ở nhiều chuyến biển nên nhiều ngư dân trẻ đã chuyển nghề lên bờ làm dịch vụ, thương mại, du lịch. Nghề biển trên địa bàn hiện nay chủ yếu là lao động già nên ngày càng gặp khó hơn.

Theo ông Sỹ, nghề cá Quảng Nam chỉ nên duy trì đánh bắt hải sản lớn với các đội tàu công suất lớn theo mô hình tàu mẹ - tàu con và có tham gia của các dịch vụ hậu cần trên biển xa. Tỉnh cần triển khai các cơ chế thiết thực hỗ trợ ngư dân theo nghề cá nhỏ chuyển lên bờ làm kinh tế hoặc đầu tư nuôi biển theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với các thành viên cùng góp vốn làm ăn.

Nhiều hệ lụy

Ngư trường và nguồn lợi là 2 yếu tố quan trọng để duy trì nghề khai thác hải sản. Chủ trương xuyên suốt của Quảng Nam là bảo vệ nguồn lợi hải sản, tuy nhiên việc khai thác tận diệt ven bờ đang diễn ra phổ biến. Tàu thuyền công suất nhỏ của tỉnh đánh bắt bằng mắt lưới nhỏ, dùng giã cào, xung điện, chất nổ. Đó là chưa nói đến hàng loạt tàu giã cào đôi ngoại tỉnh xâm hại vùng biển.

hs3.jpg
Ngành chức năng thả cá để tái tạo và phát triển nguồn lợi. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Hằng năm cứ từ tháng 2, lượng lớn hải sản bố mẹ vào bờ sinh sản. Thay vì bảo vệ nguồn lợi cùng cộng đồng thì nhiều ngư dân làm nghề giã cào lại khai thác tận diệt khiến ngư trường ngày càng cạn kiệt hơn”.

Do không mang lại hiệu quả kinh tế nên thực trạng thiếu lao động gây khó khăn cho nghề cá Quảng Nam. Nhiều chuyến biển của ngư dân Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình chỉ có vài lao động, sản xuất cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Lân (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cho biết, nghề câu cá hố cần 10 lao động nhưng chỉ có 5 lao động cũng phải đi câu. Dù đã “đỏ mắt” tìm lao động khắp nơi nhưng vẫn khan hiếm. Trước đây câu cá hố xa bờ thì nay phải câu cá hố ở ven bờ. Hệ lụy là các chuyến biển gặp khó và tiếp tục đe dọa sinh sản của hải sản bố mẹ.

Có thực tế trên địa bàn tỉnh là do nghề cá gặp khó nên nhiều chủ tàu đã chuyển từ đánh bắt hải sản sang… nhắn tin. Các chủ tàu vẫn đưa tàu cá đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không thả lưới mà nhắn đủ tin nhắn về trạm bờ để làm thủ tục nhận hỗ trợ nhiên liệu đi về của chuyến biển với mức cao nhất là 100 triệu đồng/chuyến biển (hỗ trợ tối đa 4 chuyến biển/năm).

“Đánh bắt hải sản bây giờ là thứ yếu. Cứ canh me làm sao nhắn tin đủ để nhận 400 triệu đồng/năm là ổn. Thời gian còn lại có thể làm các công việc khác” - ngư dân T.T. (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho biết.

Giải pháp cho nghề cá bền vững

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam đang tái cơ cấu để phát triển nghề cá bền vững. Cách làm là giảm các nghề xâm hại nguồn lợi; giảm tàu thuyền công suất nhỏ; khuyến khích ngư dân sản xuất xa bờ theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.

Ngành nông nghiệp tính đến giải pháp điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi và môi trường biển. Xây dựng chiến lược bảo tồn biển, huy động cộng đồng quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi.

“Quảng Nam năm nào cũng thực hiện phục hồi, tái tạo nguồn lợi, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm, các loài bản địa, đặc hữu; xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, tạo nơi cư trú cho các loài hải sản. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản để nâng cao giá trị” - ông Tích nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bấp bênh vụ cá chính của ngư dân Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO