Trận lũ lụt vừa qua đã khiến các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn vì Quảng Nam chưa có nơi neo đậu an toàn cho tàu công suất lớn.
|
Tàu vỏ thép của anh Nguyễn Văn Nghị bị va đập, thân tàu bị móp méo. Ảnh: QUANG VIỆT |
Chạy theo lũ
Ngày 15.12, ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành) đưa được tàu vỏ thép QNa-91039 vừa đóng mới, hạ thủy, bàn giao từ TP.Hồ Chí Minh về neo đậu tại sông Trường Giang đoạn qua xã Tam Quang. Chưa kịp nghỉ ngơi sau hành trình liên tục 4 ngày, 4 đêm mệt nhoài thì anh Hùng lại “đau đầu” không biết phải xoay xở thế nào để neo đậu tàu an toàn khi lũ lụt diễn biến phức tạp trong các ngày 16 và 17.12. “Nước lũ tại sông Trường Giang dâng lên quá nhanh. Nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt, chảy xiết, nước từ biển cũng dâng cao đột ngột. Tôi không biết phải loay hoay thế nào vì tại Núi Thành chưa có chỗ neo đậu cho tàu vỏ thép” - anh Hùng nói. Suốt trong 2 ngày 16 và 17.12, anh Hùng không xa rời con tàu vỏ thép có công suất 810CV sắp sửa ra khơi hành nghề chụp mực. Nước lũ dâng lên thì anh nổ máy, điều khiển tàu vào gần bờ. Cuối cùng, anh đành đưa con tàu vỏ thép vào neo đậu tại một cây cầu cảng do tư nhân xây để dịch vụ hậu cần nghề biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cũng mới đóng xong tàu vỏ thép QNa-91439 từ TP.Hồ Chí Minh và đưa về neo đậu tại sông Trường Giang đoạn qua địa bàn. Khi lũ lên nhanh trong 2 ngày 16 và 17.12, anh hết sức lo lắng, bất an vì không biết neo đậu ở đâu để đảm bảo an toàn. “Nước sông Trường Giang càng dâng cao thì tôi càng thấp thỏm. Cứ chạy theo lũ để điều khiển con tàu, tránh va đập gây hư hỏng. Cả xã Tam Quang chỉ có 1 nơi neo đậu tạm bợ là buộc chặt vào cầu cảng tư nhân xây dựng. Nhiều tàu cá cùng buộc chặt vào đó nên rất nguy hiểm” - anh Nghị nói. Dự lường tình huống của anh Nghị không sai. Cây cầu cảng nhỏ bé đồng thời là nơi neo đậu của 5 tàu vỏ thép, không chịu nổi lực nặng đã bị bong, sắp vỡ, chỗ buộc dây neo bị hư hoàn toàn.
Từ TP.Hội An, tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam) cũng đến xã Tam Quang neo đậu. Cả 5 con tàu vỏ thép (cùng với tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Thanh Tiến, Trần Văn Nhân cũng thuộc xã Tam Quang) có tải trọng hàng trăm tấn đã bị động neo trú tạm bợ. Rất may là chưa có sự cố nghiêm trọng xảy ra. Các tàu vỏ thép mới chỉ bị xây xước nhiều chỗ, thân tàu bị móp méo. Do va đập, nhiều đăng, đó, rớ của các hộ dân sống bằng nghề khai thác thủy sản ven sông Trường Giang bị hỏng. Các chủ tàu vỏ thép đã phải góp mỗi người hơn 10 triệu đồng để bồi thường cho các hộ bị thiệt hại.
Sẽ nâng cấp khu neo đậu
Các ngư dân đều cho rằng, mỗi con tàu vỏ thép có giá trị lên đến 16 tỷ đồng nên rất sợ sự cố xảy ra. Cả 2 ngày 16 và 17.12, không chủ tàu nào chợp mắt được. “Sợ nhất trong điều kiện lũ lụt thất thường, mình điều khiển tàu lỡ va vấp vật nặng chi đó mà bị hỏng máy thì coi như tán gia, bại sản. Máy thủy mới gần 3 tỷ đồng thì làm sao có thể huy động để thay thế lại được. Nếu tình huống, trục trặc nhỏ xảy ra thì phải điều tàu vào TP.Hồ Chí Minh sửa lại rất tốn kém. Chỉ mong Nhà nước đầu tư khu neo đậu kiên cố cho tàu vỏ thép trú” - anh Nguyễn Văn Nghị nói. Còn anh Nguyễn Văn Hùng thì chia sẻ: “Chỗ chúng tôi neo đậu tạm bợ cho tàu vỏ thép đến Khu neo đậu tàu cá An Hòa chỉ cách chừng hơn 1km. Vậy nhưng chúng tôi không thể đến đó được. Luồng lạch vào đó đã bị bồi lấp rồi, lỡ mắc cạn gãy chân vịt hay hư máy thủy thì càng khốn đốn hơn. Có được tàu vỏ thép rồi mà không có chỗ neo đậu an toàn thì rất khổ sở”.
Không tìm được chỗ neo đậu an toàn cho tàu vỏ thép là nỗi lo chung của ngư dân Quảng Nam. Mỗi lần nước lũ dâng cao là các ngư dân Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu, Đỗ Văn Thành, Phạm Hiên (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) túc trực điều tàu vỏ thép đi lánh. Chỗ neo đậu của họ khi là luồng lạch, lúc thì nơi rừng dừa nước. “Âu thuyền Hồng Triều bố trí nơi đầu sóng ngọn gió, lỡ vào đó neo đậu, tàu bị đứt dây buộc trôi, bị sóng đánh hư hỏng thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Mặt khác, luồng lạch dẫn vào khu neo đậu này cũng có chỗ sâu, chỗ cạn, y hệt “cái bẫy” khiến chúng tôi sợ sệt, không dám đưa tàu vào” - ngư dân Trần Đậu nói.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 khu neo đậu cho tàu cá neo trú là Khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành), Âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Đại (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An). Điểm chung của các âu thuyền này là chỉ dùng cho các tàu cá công suất nhỏ. Trong khi đó, các tàu vỏ thép đều có công suất hơn 800CV nên không an toàn khi vào neo đậu. Các âu thuyền trên địa bàn tỉnh cũng bị bồi lấp luồng lạch, bố trí ở nơi đầu sóng ngọn gió nên dễ gây rủi ro cho tàu thuyền neo đậu. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong thời gian tới, sẽ nâng cấp, hoàn thiện các khu neo đậu cho tàu cá vừa nêu để các tàu công suất lớn, đặc biệt là tàu vỏ thép có thể vào trú ẩn an toàn, nhất là khi lũ lụt, gió bão. Theo đó, âu thuyền Hồng Triều được cơi nới, mở rộng kết hợp với xây dựng cảng cá, đảm bảo vừa neo trú cho tàu cá vừa giao thương buôn bán hải sản, ổn định đầu ra cho ngư dân các huyện, thành phía bắc của tỉnh. Hiện tại, thiết kế đã được Trung ương phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng, kinh phí đã được giải ngân hơn 8,3 tỷ đồng. Dự án đang triển khai thi công. Khu neo đậu tàu cá An Hòa cũng sẽ được xây dựng đê chắn sóng để giảm cường độ tác động của sóng gió lên tàu cá neo đậu. Dự án cũng đã được Trung ương phê duyệt, đang xin cấp vốn và dự kiến triển khai trong năm 2017.
NGUYỄN QUANG VIỆT