Tai nạn giao thông (TNGT) chưa thôi ám ảnh người đi qua Thăng Bình. Thực tế năm 2018, số vụ và số ca tử vong trên địa bàn huyện Thăng Bình đã lại gia tăng.
Quốc lộ 1 qua Thăng Bình tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Ảnh: C.T |
Gia tăng ca tử vong
Năm 2018, trên địa bàn huyện Thăng Bình có 46 vụ TNGT đường bộ xảy ra khiến 41 người tử vong, làm cho 29 người bị thương, tổng thiệt hại tài sản trị giá khoảng 870 triệu đồng; đường sắt xảy ra 2 vụ làm 2 người tử vong. So với cùng kỳ, đường bộ tuy giảm 1 người bị thương nhưng lại gia tăng 7 vụ, tăng 8 người chết; đường sắt tăng 2 vụ, tăng 2 trường hợp tử vong. Phân tích của Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Thăng Bình cho thấy, vấn nạn đau lòng ập đến trên đường bộ chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông khi đi không đúng phần đường, tránh vượt xe sai quy định, chuyển hướng không đảm bảo an toàn, sử dụng rượu bia, không chú ý quan sát, tự gây ra hậu quả cho chính mình, không nhường đường, đi vào đường ngược chiều. Nạn nhân cư trú tại địa phương bị tử vong là 33 và bị thương 14 trường hợp. TNGT có xu hướng xảy ra nhiều vào buổi chiều và ban đêm (từ 12 - 24 giờ chiếm 69,2%).
TNGT gia tăng 2 tiêu chí rất quan trọng gồm số vụ và người chết chứng tỏ công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn gặp nhiều vấn đề. Nhìn nhận về nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Hồng Quốc Cường - Trưởng ban ATGT huyện Thăng Bình cho rằng, sự phát triển về số lượng các tuyến đường trong mạng lưới đường bộ còn chưa hợp lý với cơ sở hạ tầng, đơn cử như thiếu trang bị hệ thống đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, camera giám sát giao thông… Phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh khiến mật độ trên các tuyến đường luôn ở mức cao dễ dẫn đến va chạm, nhất là gặp thời tiết bất lợi, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao và thờ ơ phòng vệ cho chính mình. Cho rằng đảm bảo ATGT không phải là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy mà cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, đề xuất thực hiện. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn nên khó lôi cuốn người nghe, nhất là thanh thiếu niên, nhóm lứa tuổi thường gây ra TNGT. Lực lượng trực tiếp thực thi tuần tra kiểm soát còn mỏng, do vậy việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa cao, chưa triệt để.
Chấn chỉnh mạnh mẽ
Tại địa bàn Thăng Bình, TNGT xảy ra trên tuyến quốc lộ 1 với 19 vụ (chiếm 41,3%), quốc lộ 14E 6 vụ (13%), đường 129 có 7 vụ (15,3%), đường liên xã 10 vụ (21,7%)… Địa phương có TNGT xảy ra nhiều nằm chủ yếu dọc quốc lộ 1 và đường 129, như thị trấn Hà Lam (10 vụ, 9 người chết và bị thương 5 người) và các xã Bình Nguyên (3 vụ, chết 3, bị thương 2), Bình Tú (3 vụ, chết 3, bị thương 1), Bình An (4 vụ, chết 3, bị thương 4), Bình Phục (3 vụ, chết 2, bị thương 1), Bình Dương (3 vụ, chết 3). Phương tiện gây tai nạn liên quan mô tô chiếm 28 vụ (chiếm 60,1%). |
Đặt mục tiêu tháo gỡ tồn tại, nỗ lực kiềm chế, làm giảm TNGT từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí trong năm 2019, Ban ATGT huyện Thăng Bình cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chỉ thị, nghị định có liên quan; đồng thời đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh đạo toàn diện đối với nhiệm vụ này. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện nếu để tình hình trật tự ATGT trên địa bàn diễn ra phức tạp; khi xét duyệt công nhận thôn, tổ dân phố “An toàn về an ninh trật tự” (theo Thông tư số 23 của Bộ Công an) phải đảm bảo tiêu chí “Không có người gây ra TNGT nghiêm trọng ở cộng đồng”. Thăng Bình ưu tiên xây dựng, củng cố các mô hình, loại hình “Tự quản về ATGT”, các hội, đoàn thể, khu dân cư “Không có người vi phạm trật tự ATGT”; phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu về trật tự ATGT trong nhà trường, xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”. Khâu tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ năng điều khiển, xử lý tình huống khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp, trong đó chú ý những thao tác bắt buộc phải thực hiện đối với người lái, tạo thói quen tích cực khi điều khiển phương tiện, kỹ năng sơ cấp cứu người bị TNGT cũng sẽ được chú trọng.
Để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng huyện Thăng Bình được yêu cầu mở nhiều đợt cao điểm, xử lý theo chuyên đề, từng bước áp dụng việc xử lý vi phạm bằng hình ảnh theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp cùng các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra bảo vệ hành lang giao thông, đề xuất xử lý các “điểm đen” về TNGT; bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường phân cấp quản lý; khảo sát, từng bước lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông ở các điểm phức tạp; rà soát vị trí các đường ngang, xóa dần đường dân sinh giao nhau với đường sắt bất hợp pháp. “Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, chú trọng tại các tuyến đường mới khai thác. Kiểm tra việc bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật đưa vào hoạt động” - lãnh đạo Ban ATGT huyện chia sẻ. Thăng Bình cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cấp thiết mở rộng làn dành riêng cho xe máy, xe thô sơ trên quốc lộ 1 qua địa bàn nhằm đề phòng xung đột lưu thông gây hậu quả thương tâm.
CÔNG TÚ