Bắt cá bằng chươm trên dòng Trường Giang

ĐẶNG TRƯƠNG 02/10/2023 10:03

(QNO)-Một đêm giữa thu, đi theo câu hát chan chứa yêu thương của người dân Bình Giang (Thăng Bình) “Ai có về vùng đông Thăng Bình/ Hãy ghé thăm Bình Giang quê tôi/ Mảnh đất đã từng sục sôi trong bom đạn/ Giờ lúa vẫn tươi xanh cuộc sống vẫn đơm chồi/ Dòng Trường Giang năm tháng lững lờ trôi/ Thấp thoáng cánh buồm xuôi về Cửa Đại…”, chúng tôi làm cuộc lênh đênh trên sóng nước Trường Giang để mục sở thị nghề bắt cá bằng chươm của cư dân sông nước nơi này…

Vây lưới quanh chươm để bắt cá tôm. Ảnh: Đ.Trương
Vây lưới quanh chươm để bắt cá tôm. Ảnh: Đ.Trương

 Trở về sông quê

Trong tâm thức người dân Bình Giang, chợ Bà nằm sát bến sông Trường Giang, từ xa xưa đã là không gian sinh hoạt làng quê trên bến dưới thuyền, bán mua nhộn nhịp. Ngôi chợ nằm sát bến sông Trường Giang ghe thuyền tấp nập vào ra ấy, giờ đã là quá vãng. Nhưng bao thế hệ người dân Bình Giang thì vẫn gởi gắm cuộc mưu sinh vào sông như một lẽ sinh tồn.

Về Bình Giang lần này, chúng tôi may mắn gặp anh Trần Nam (người con thôn Bình Hòa, xã Bình Giang). Nhiều năm làm viên chức nhà nước, sau một lần bệnh tật thập tử nhất sinh, anh quyết định rời phố về với Trường Giang, với Bình Hòa, chợ Bà quê hương mình, quyết tâm gắn bó cuộc đời với con sông một thời tuổi thơ đã từng ngụp lặn, bằng việc đào ao nuôi tôm cua thương phẩm ven sông Trường Giang và thực hiện nhiều clip quảng bá về con sông quê, về cuộc sống cư dân hai bên bờ.

Những nhọc nhằn mưu sinh, những thú vui dân dã, những cảnh đẹp của sông, của làng quê và con người Bình Giang… được Trần Nam ghi lại một cách chân thực và sống động, tạo một kênh yotube riêng mang tên “Đất Quảng” để lan tỏa đến người xem.

Tác giả và anh Trần Nam
Tác giả và anh Trần Nam

Dưới màn đêm lung linh ánh đèn, ánh điện, Trường Giang hiện lên như một dải lụa mềm vắt ngang những làng quê xóm bãi. Từ bao đời nay, người dân thôn Bình Hòa sống dọc đôi bờ con sông Trường Giang có nghề làm chươm bắt cá. Đây vừa là kế sinh nhai nhưng cũng là hoạt động sông nước vô cùng thú vị.

Với một cái chươm, mỗi năm chỉ bắt cá được chừng ba bốn lần vào những thời khắc nước thủy triều lên xuống. Ngày xưa, đoạn sông Trường Giang chảy qua bến chợ Bà cá tôm nhiều vô kể, mỗi chươm người dân có thể bắt được ba bốn tạ cá đủ các loại. Bây giờ cá ít dần, nhiều loại cá quý hiếm đặc trưng của Trường Giang cũng dần biến mất. Nhưng chươm cá thì vẫn cứ được duy trì, truyền nối từ đời này qua đời khác…

Chạy dọc tuyến sông Trường Giang đoạn qua xã Bình Giang, chúng tôi thấy hàng chục chươm cá rải đều theo con nước. Mỗi chiếc chươm chỉ chừng 10m2 được rào chắn cẩn thận bằng tre và bên trong là chà nhử cá.

Theo người dân thôn Bình Hòa, để duy trì chươm cá giữa sông, mỗi năm chủ chươm đều phải tốn nhiều công sức, tiền mua tre để gia cố, làm mới chươm. Được cái, chươm cá cho nguồn thu nhập khá ổn định.

Một chươm cá mỗi lần thu hoạch, nếu trúng thì chủ chươm có thể thu được hàng chục triệu đồng, so với nghề nông thì đây là nguồn thu nhập không nhỏ. Vì vậy chươm cá gìn giữ và truyền nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, vừa xem như tài sản kế thừa và là cách để người dân dọc đôi bờ Trường Giang gởi gắm niềm tin, sự thủy chung với sông nước quê hương.

Thời khắc đặc biệt của nghề chươm

Một con cá liệt vừa được gỡ ra khỏi lưới
Một con cá liệt vừa được gỡ ra khỏi lưới

Cùng với Trần Nam, chúng tôi may mắn được mục sở thị hoạt động đánh bắt cá thú vị giữa dòng Trường Giang lấp lánh ánh đêm. Ông Trần Sĩ, chủ nhân của chươm cá được thu hoạch lần này, đã bắt đầu công việc của mình bằng cuộc hội ý chớp nhoáng với các "cộng sự", là chủ các chươm cá xung quanh.

Trần Nam cho chúng tôi biết, ở đây, hễ chươm của ai đến kỳ thu hoạch thì các chủ chươm khác trong làng sẽ bỏ công sức cùng nhau bắt cá cho chủ chươm. Xong việc, trong màn đêm tĩnh mịch của làng quê, họ ngồi với nhau, thưởng thức ly rượu gạo quê cùng với món cá nướng, cá kho… vừa bắt được. Tình làng nghĩa xóm, mối giao hòa trên sông nước, nét đẹp bình dị làng quê dọc con sông Trường Giang càng thêm thấm đượm.

Hơn mười người trong đội bắt cá được phân công từng nhóm việc. Người chèo thuyền dạo xung quanh chươm, gõ mạnh vào mạn thuyền cho cá nấp vào giữa chươm. Những người còn lại bủa lưới bao bọc chươm và đặt nơm chứa cá vào những nơi định sẵn.

Xong đâu đó, tất cả mọi người ngụp lặn vào phía trong vòng vây đã bao bọc, từng người, từng người dỡ những cọc tre, chà cây… đưa ra bên ngoài. Vòng vây chươm dần dần được thu hẹp trong tiếng nói cười rộn rã của người bắt cá.

Sau một hồi lặn ngụp với sông, thực hiện các thao tác dồn cá, chắn cá, đặt nơm…, cá tôm trong chươm đã bắt đầu cựa quậy. Đây là thời khắc rất đặc biệt của nghề chươm. Những con rô phi to bằng hai bàn tay người lớn gập lại.

Những con đuối, nâu, dìa, trãnh… thi nhau búng thân mình trên không để tìm đường thoát. Tiếng nói cười, tiếng nước sông bì bõm, tiếng cá vẫy vùng… đã tạo nên một không gian đêm trên sông thật kỳ thú. Trường Giang đẹp nhất có lẽ là lúc này.

Từ chỗ đặt chươm, theo đường chim bay, chỉ vài cây số nữa là Trường Giang sẽ hòa cùng Ly Ly, Thu Bồn rồi ra cửa Đại. Có lẽ vì vậy, cá trên sông Trường Giang nơi này có thể xem là đặc sản mà dân gian sông nước thường gọi là cá nước chè hai. Đặc biệt, những con cá bắt được trong chươm sẽ càng ngon hơn bởi nó thường ăn những thân tre mục và phù du cùng các loài côn trùng có cánh ở giữa dòng Trường Giang.

Nhiều loại cá thu hoạch được từ Trường Giang
Nhiều loại cá thu hoạch được từ Trường Giang

Lần thu hoạch này, chươm của ông Trần Sĩ trúng lớn. Ai cũng vui mừng vì thành quả lao động ấy, còn chúng tôi, lại lâng lâng trong tâm hồn một tình yêu sông nước, thấy vững tin hơn với ý nghĩ, Trường Giang giờ đây nhiều nơi bị ô nhiễm, bồi lấp, cạn kiệt nguồn lợi bởi các dụng cụ đánh bắt hủy diệt… nhưng vẫn chắt chiu cho người dân những mẻ tôm cá đong đầy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắt cá bằng chươm trên dòng Trường Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO