(QNO) - Hơn 20 cây keo lá tràm của người dân khu vực di tích Mỹ Sơn bị đốn hạ trong quá trình thu dọn cây ngã đổ sau bão số 9 năm 2020. Câu chuyện càng bộc lộ sự nhập nhằng trong quản lý rừng khu vực di sản thời gian qua.
Không thể khai thác rừng trồng
Ông Nguyễn Thanh Ba (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) cho biết, theo chương trình dự án PAM 4304, năm 1995 ông cùng 9 hộ dân tham gia trồng khoảng 12ha rừng dọc hố Ông Thuận (khu vực di tích Mỹ Sơn). Một thời gian sau, 2 hộ được giải tỏa đền bù, diện tích còn lại khoảng 9,1ha. Tuy nhiên, sau đó khu vực này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan di sản, rừng keo trên bị cấm khai thác.
Trong cơn bão số 9 (tháng 11.2020) nhiều cây rừng trong khu di tích Mỹ Sơn bị ngã đổ, bao gồm cây keo lá tràm của ông Nguyễn Thanh Ba và cây keo do công đoàn Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn trồng dọc các tuyến đường nội bộ vào di tích. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão phục vụ du lịch, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã giao công đoàn cơ quan thu dọn cây ngã đổ, tận thu để có kinh phí trả nhân công và tổ chức phát động trồng lại cây thay thế.
Theo đó, Công đoàn Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã hợp đồng ông Nguyễn Văn Bạn (Quế Xuân, Quế Sơn) thu dọn 122 cây ngã đổ. Trong quá trình thu dọn, ông Nguyễn Văn Bạn đốn thêm khoảng 20 cây keo lá tràm của hộ ông Nguyễn Thanh Ba ngã đổ bên cạnh, ông Ba đã phản ánh sự việc lên các cơ quan chức năng. Ông Ba cho rằng, đây chỉ là sự nhầm lẫn của người đốn cây chứ không phải cố ý. “Do thời gian quá lâu cây không được chăm sóc phát thực bì nên dây leo, bụi dại mọc lẫn lộn khiến việc thu dọn dễ nhầm lẫn. Sau sự việc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng đã chủ động làm việc giải quyết ổn thỏa với tôi và các hộ dân có rừng trong khu di tích” - ông Ba nói.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) khẳng định, việc đốn hạ nhầm keo người dân là do ông Nguyễn Văn Bạn thực hiện không phải chủ trương của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn. “Chúng tôi không có lý do hay lợi ích gì mà phá đi nguồn sống của đơn vị. Các hộ dân cũng đã hiểu và đồng ý cùng đơn vị tìm cách khắc phục và không khiếu nại gì nữa” - ông Hộ nói.
Cần cơ chế hỗ trợ
Theo các quyết định đã ban hành, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn được giao quản lý, bảo vệ tổng diện tích 1.158ha, bao gồm các khu rừng xung quanh. Những năm qua, đơn vị đã trồng bổ sung thêm lượng lớn cây bản địa nhằm khôi phục rừng cảnh quan như sao đen, lim xanh, lát hoa... từng bước giúp phục hồi lại rừng cảnh quan Mỹ Sơn, nâng cao tính đa dạng sinh học khu vực di sản.
Nhiều cây keo bị đốn hạ tại di tích Mỹ Sơn. (Thực hiện: VĨNH LỘC)
Ông Phan Hộ cho rằng, việc tự ý phát dọn cây ngã đổ trong khu vực rừng cảnh quan di tích trước khi xin ý kiến các cơ quan liên quan dù không đúng quy định, nhưng không thể đồng nhất cây keo trồng tạo cảnh quan ven đường với cây rừng phòng hộ được.
“Vì nôn nóng khắc phục nhanh hiện trạng để đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường nên chúng tôi đã không thực hiện thủ tục trình báo, đó là thiếu sót của đơn vị, nhưng nếu nói số keo trên là cây rừng phòng hộ thì cần xem lại. Các cơ quan chức năng nên xác định những cây keo ven đường đó có đúng là cây rừng phòng hộ không, bởi đây là những cây do công đoàn cơ quan trồng trước đây để tạo cảnh quan, không theo dự án nào cả, bây giờ nó ngã đổ thì phải dọn dẹp, điều chỉnh lại chứ cũng không phải xâm phạm rừng phòng hộ như báo chí thông tin” - ông Hộ bày tỏ.
Thực tế, với tuổi đời hơn 20 năm, nhiều cây keo trong khu vực di tích không ít lần ngã đổ gây nguy hiểm cho du khách và kiến trúc công trình, nhưng ban quản lý chưa thể khai thác vì chờ các loại cây trồng thay thế trước khi xử lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Ba, đến nay nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho người dân có rừng trồng trong khu vực di tích mặc dù đã thu hồi chuyển qua rừng đặc dụng. Vì vậy, huyện cần quan tâm hỗ trợ đền bù diện tích cây trồng, đặc biệt xem xét giải quyết quyền lợi về đất cho người dân. “Cùng dự án trước đây nhưng trong khi một số hộ được cấp đất phía ngoài di tích đã có bìa đỏ, đã khai thác vài lứa keo rồi, nhưng chúng tôi lại chưa được hưởng lợi gì từ khi trồng đến bây giờ nên mong huyện, tỉnh xem xét để chúng tôi yên tâm giao hẳn diện tích rừng của mình sang rừng đặc dụng nhằm tránh lẫn lộn như vừa qua” - ông Ba đề đạt nguyện vọng.
Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trên địa bàn huyện hiện còn nhiều diện tích rừng trồng của người dân nằm trong khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nhưng do vướng những quy định người dân không thể khai thác hoặc chỉ khai thác được 20% diện tích. Riêng với rừng keo trồng trong khu vực rừng cảnh quan di tích Mỹ Sơn đến nay người dân vẫn chưa được nhiều chính sách hỗ trợ.
“Đúng ra khi chuyển đổi sang rừng đặc dụng mình phải có chính sách hỗ trợ tiền công cho người dân, bởi đó là rừng cây họ trồng, nhưng thực tế lại còn nhiều bất cập, chỉ khi nào cây ngã đổ họ báo cáo xin mới được khai thác, còn lại thì không được khai thác, nếu nằm trong khu vực cảnh quan di tích còn khó hơn, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo được", ông Đức chia sẻ.
Theo ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, hiện trên địa bàn huyện có gần 2.000 hec ta rừng trồng được chuyển sang rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, cảnh quan nhưng người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi gì.
Sau nhiều lần kiến nghị, cuối tháng 12.2020 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu huyện Duy Xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng của người dân đã được chuyển đổi sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cảnh quan để có cơ chế hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, chủ yếu hỗ trợ về cây trồng, riêng đất sẽ bị thu hồi. Hiện các cấp, ngành liên quan của huyện đang xây dựng kế hoạch, thuê đơn vị tư vấn triển khai. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, kinh phí nhiều do đó thời gian thực hiện sẽ kéo dài sang năm 2022. Trước mắt, sẽ tiến hành làm việc với 8 hộ dân có rừng trồng trong khu vực di tích Mỹ Sơn, dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra, hỗ trợ, hoàn thành dứt điểm trong tháng 4 này.