Giá cước vận chuyển gạo từ trung tâm huyện Phước Sơn lên các xã vùng cao đang có độ chênh lệch hàng chục lần giữa quy định giá của nhà nước và giá cước thực tế ở thị trường. Sự bất cập này khiến nhiều năm qua, việc vận chuyển gạo hỗ trợ của Chính phủ cho học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn.
Mặc dù đang kỳ nghỉ hè, song thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, THCS Phước Lộc và các đồng nghiệp vẫn đang loay hoay sắp xếp lại kho gạo dự trữ của trường.
Điều kiện chật chội, ẩm thấp nên việc đưa hơn 4 tấn gạo lên cao hơn để chuẩn bị cái ăn cho học sinh phải được nhà trường tính đến. Số gạo này do Quân khu 5 hỗ trợ vận chuyển từ cuối năm 2021, chứ nhà trường cũng không đủ kinh phí để vận chuyển.
Bởi, với mức giá cước vận chuyển hơn 1,7 triệu đồng/tấn gạo như hiện nay, thì rất khó cho việc dự trữ lương thực. Và nếu không tiếp tục vận chuyển gạo trước mùa mưa bão năm nay, khi xảy ra tắc đường, cô lập, nguy cơ thiếu gạo ăn của hơn 200 học sinh sẽ xảy ra trong các tháng cuối năm.
Thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, huyện Phước Sơn có hơn 1.000 học sinh ở 7 trường được hỗ trợ gạo, với mức bình quân 100 tấn/năm học. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển từ trung tâm huyện vào các xã vùng cao dao động ở mức từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tấn.
Trong khi Quyết định số 38, ngày 7.1.2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ giá cước vận chuyển chỉ ở mức 150 nghìn đồng/tấn. Nghịch lý này dẫn đến việc vận chuyển gạo cho học sinh vùng cao trở nên khó khăn. Mỗi năm huyện Phước Sơn hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng để vận chuyển gạo đi vùng cao, song không thể thanh toán được.
Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho biết: “Gạo để lâu thì xảy ra ẩm mốc, rồi chuột cắn phá, cho nên hai đợt gạo hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2022 với hơn 60 tấn, đơn vị đã vận chuyển đến tất cả các trường để kịp cho các em ăn, nhưng vẫn phải nợ tiền vận chuyển. Tiền thì có nhưng không có cơ chế để giải quyết, điều này rất khó khăn cho việc đảm bảo cái ăn cho học sinh vùng cao, nhất là mùa mưa bão đang cận kề”.
Không chỉ học sinh, mà nhu cầu vận chuyển gạo dự trữ phục vụ cho hơn 7.000 người dân Giẻ Triêng tại 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn trước mùa mưa bão cũng rất lớn. Giá cước thực tế cao hàng chục lần giá Nhà nước quy định, nên huyện Phước Sơn vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.
Ông Đoàn Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho biết: “Ngày 20.4, huyện Phước Sơn đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương để địa phương tổ chức đấu giá cước vận chuyển gạo trên địa bàn. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức của tỉnh. Trong khi chờ đợi tỉnh có chủ trương về vấn đề nay, thì huyện Phước Sơn rồi ngành giáo dục vẫn phải vận chuyển gạo đi vùng cao theo hình thức nợ.
Bởi, không có cơ chế, chính sách nào để chi trả với số tiền cước thực tế khác với Quyết định số 38, ngày 7.1.2021 của UBND tỉnh. Việc vận chuyển gạo hỗ trợ của Chính phủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hàng nghìn người dân vùng cao vẫn đang chờ gạo. Còn mùa mưa bão và nguy cơ tắc đường đến các xã vùng cao thì vẫn đang đến rất gần”.