Địa bàn huyện Đông Giang có nhiều tuyến đường bộ với đầy đủ cấp, loại. Tuy nhiên, chất lượng bề mặt lại không tương xứng với quy mô đã gây khó khăn cho lưu thông, chưa đáp ứng tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện Đông Giang còn khoảng 25,62km mặt đường tuyến ĐH lầy lội như thế này. Ảnh: C.T |
Lượng nhiều, chất ít
Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ tại Đông Giang được quy hoạch và đầu tư phát triển khá nhiều tuyến với đủ cấp, loại từ quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT) cho đến đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn (GTNT). Theo ông Phan Anh Tuân - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang, hạ tầng giao thông quốc gia qua địa bàn huyện có đường Hồ Chí Minh dài 38,9km (lý trình km440+900 - km479+800); QL14G dài 41km (lý trình km25+00 - km66+00). Cùng với đó, ĐT là tuyến đường An Điềm - A Sờ dài 28,3 km; ĐH gồm 17 tuyến đường với tổng chiều dài 134,82km và GTNT dài 124km. Hệ thống giao thông trên đảm bảo tính liên hoàn giữa QL với các tuyến đường địa phương, bao phủ khắp 10 xã và thị trấn; đường ô tô đã đến trung tâm các xã. Lãnh đạo huyện Đông Giang cho hay, địa phương cũng đã tổ chức công bố quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) theo đúng quy định, cắm 753 mốc quản lý hành lang đường bộ. Ngoài việc ban hành quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
“Hạ tầng GTVT được quan tâm đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, hầu hết tuyến GTNT đều có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chất lượng mặt đường xấu. Những tuyến ĐH phổ biến ở cấp V, VI, cấp A và cấp B; không ít đoạn chưa có bề mặt hoặc đường đất khiến lưu thông thiếu an toàn. Công trình cầu, cống, ngầm còn tạm bợ, chưa đủ tiêu chuẩn ô tô đi lại, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nông - lâm sản, do vậy bị tư thương ép giá” - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đinh Văn Hươm chia sẻ. Thực tế cho thấy, đường Hồ Chí Minh qua Đông Giang còn xảy ra sạt lở vào mùa mưa. QL14G (trừ đoạn qua TP.Đà Nẵng) với kết cấu mặt đường láng nhựa xuống cấp, thường xuyên bị hư hỏng. Nói thêm về QL14G, không những bề mặt hẹp chưa tương xứng với quy mô của đường quốc gia, trên tuyến còn 5 vị trí gồm cầu Sông Vàng, ngầm Dốc Rùa 1 và 2, cầu Sông Voi, cầu Sông Kôn thường xuyên bị ngập lụt bất ngờ, gây ách tắc và uy hiếp tính mạng người tham gia giao thông. Thống kê đã chỉ rõ, hệ thống ĐH hiện còn 25,62km chưa có mặt đường; GTNT tồn tại 33,3km chưa đầu tư bê tông hóa.
Cần sự trợ lực
Song song phát triển hệ thống hạ tầng đường bộ, huyện Đông Giang đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng các tuyến vận tải phù hợp và có hiệu quả. Đơn cử, củng cố xây dựng tuyến vận tải chính (Prao - Đà Nẵng - Vĩnh Điện - Tam Kỳ và ngược lại). Xây dựng tuyến vận tải Prao - Thạnh Mỹ - Đại Lộc - Vĩnh Điện - Tam Kỳ. Nâng cấp xây dựng bến xe Đông Giang, Sông Vàng; xây dựng điểm đỗ xe tại các làng nghề truyền thống Đhrôồng, Bhơ Hôồng 1. Khuyến khích thành lập hợp tác xã vận tải Đông Giang, và kêu gọi các hộ, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển phương tiện vận tải hiện đại. |
Bên cạnh những tồn tại nêu trên, chính quyền huyện Đông Giang còn mổ xẻ không ít bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hiện nay. Đơn cử, việc lập và phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạng công trình giao thông gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể từ cấp trên. Đối với Trung ương, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ về địa phương chậm, thường vào những tháng cuối năm, nên triển khai thực hiện gặp trở ngại. Hệ thống giao thông dù được quy hoạch và phê duyệt nhưng tiến triển rất chậm do thiếu vốn đầu tư. Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông đến năm 2020 của Đông Giang khoảng 702,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương khoảng 331,8 tỷ đồng, tỉnh khoảng 344,2 tỷ đồng, huyện bố trí khoảng 23,8 tỷ đồng, còn lại huy động từ nhân dân và nguồn lực khác).
Để tháo gỡ thực trạng vừa nêu, Đông Giang kiến nghị Trung ương tăng mức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ đối với công trình trọng điểm địa phương và công trình mục tiêu quốc gia. Bộ GTVT quan tâm triển khai nâng cấp tuyến QL14G trên thực địa, đồng thời bổ sung quy hoạch tuyến đường này đến cửa khẩu Kà Lừm (Sê Kông, nước bạn Lào) giữa biên giới Việt - Lào theo hướng Đà Nẵng - Đông Giang - Tây Giang. “Cấp trên cần sớm xây dựng hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành có liên quan. Như vậy mới tạo sự đồng bộ, thống nhất từ khâu xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, thực hiện đầu tư đến quản lý khai thác hệ thống giao thông vận tải” - ông Đinh Văn Hươm nói. Kiến nghị với tỉnh, huyện đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển GTVT Quảng Nam tuyến đường từ xã Ba - xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) thành ĐT. Cạnh đó, quan tâm hỗ trợ nguồn vốn xây dựng 10,5km đường giao thông đô thị thị trấn Prao, dự kiến tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Có như vậy, mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo chất lượng; hệ thống đường địa phương gắn kết, phù hợp hệ thống giao thông quốc gia; từng bước xây dựng hệ thống giao thông ngày càng hiện đại và văn minh, rút ngắn thời gian vận chuyển, đi lại từ Prao về Đà Nẵng mới có cơ sở thành hiện thực.
CÔNG TÚ