Bất cập hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè

VIỆT NGUYỄN 04/03/2019 05:12

Các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) đang trông chờ được hỗ trợ theo cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản Quảng Nam (giai đoạn 2016 - 2020) từ hơn 3 năm nay.

Ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Bắc Trà My làm việc với các hộ dân để gỡ vướng cơ chế hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Bắc Trà My làm việc với các hộ dân để gỡ vướng cơ chế hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè. Ảnh: QUANG VIỆT

Không đúng quy trình

Ông Trần Văn Mạo (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đang nuôi các loại cá điêu hồng, trê, lóc, lăng nha, chình trong 20 lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông cho biết, hơn 3 năm qua, đã chạy đôn chạy đáo đến các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ gửi đến Sở NN&PTNT đề xuất hỗ trợ 150 triệu đồng cho 10 lồng bè nuôi cá theo cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, “các cơ quan cứ trả lời ấp a ấp úng, khi thì bảo chờ, khi thì bảo đang thẩm định, lúc khác lại bảo có rắc rối phát sinh nên cứ tiếp tục chờ, không nên vội. Đã hơn 3 năm rồi còn chờ chi nữa. Tôi và các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 rất bức xúc” - ông Mạo bộc bạch. Tương tự, ông Trần Thanh Tuân (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn) đầu tư 15 lồng bè nuôi các loại cá, ếch ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện không trả lời dứt khoát với người dân là có hay không hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè theo cơ chế là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi được các cơ quan chức năng của tỉnh tuyên truyền, vận động, hối thúc làm hồ sơ đề xuất tỉnh hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè nhưng cứ lần lữa mãi, lúc thì nói thế này, khi thì nói thế khác, rất bất nhất nên chúng tôi càng không biết đâu mà lần, uổng công sức lại rất bực tức” - ông Tuân nói.

Cơ chế khuyến khích nuôi trồng thủy sản Quảng Nam (giai đoạn 2016 - 2020) được UBND tỉnh ban hành từ năm 2016. Theo đó, hỗ trợ 1 lần cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá, có quy mô từ 6 lồng trở lên, mỗi lồng có thể tích ngập nước tối thiểu 60m3. Vật liệu làm lồng bằng khung kim loại, khung nhựa hoặc khung gỗ, có lớp lưới nilon xung quanh (lưới không gút), 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 8 phi/lồng) hoặc các phao khác phù hợp. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ. Các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ Khe Tân (xã Đại Chanh, Đại Lộc) đã tiếp cận cơ chế và được giải ngân hỗ trợ trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, đơn vị tạo điều kiện tối đa, giúp các hộ nuôi cá trong lồng bè thực hiện đúng các hồ sơ, thủ tục, trình tự để được hỗ trợ theo cơ chế. “Các hộ nuôi cá trong lồng bè muốn được hỗ trợ bắt buộc phải có đơn đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nuôi cá. Sau khi UBND tỉnh cho chủ trương, các nông hộ mới được đầu tư lồng bè để nuôi cá. Sau đó, các Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) sẽ đi nghiệm thu rồi có văn bản tham mưu UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ theo cơ chế. Các hộ nuôi cá trong lồng bè đã đầu tư trước khi UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nên không được hỗ trợ vì không đúng quy trình” - ông Trường nói.

Gỡ vướng thế nào?

Mới đây, đoàn công tác của Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My đã đến gặp các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 để bàn cách tháo gỡ vướng mắc, giúp các nông hộ được hỗ trợ theo cơ chế. Ông Lê Thịnh Bào - hộ dân nuôi cá trong lồng bè nêu ý kiến: “Các cơ quan chức năng đừng nên đánh đố chúng tôi nữa. Cơ chế ban hành để giúp người dân hay “treo” lên quá cao để người dân cứ trông ngóng mãi mà vẫn ở ngoài tầm với, bất lực. Chúng tôi chờ phê duyệt chủ trương cho nuôi cá trong lồng bè của UBND tỉnh quá lâu, đến hơn 6 tháng trời. Trong khi đó, mỗi tháng chúng tôi phải trả cả nợ lẫn lãi cho ngân hàng nên bắt buộc đầu tư lồng bè nuôi cá trước khi UBND tỉnh cho chủ trương. Việc này đâu có gì nghiêm trọng mà các cơ quan cho rằng không đúng quy trình nên không tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ”.

Chúng tôi đặt câu hỏi với các ngành chức năng là phải chăng các cơ quan nhà nước đã quá cứng nhắc trong các thủ tục, hồ sơ, trình tự tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ nông hộ? Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, Sở NN&PTNT đã thực hiện hết các chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng do người dân đầu tư lồng bè trước khi UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư là không đúng nên các Sở Tài chính, Sở KH-ĐT kiên quyết không tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ. Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, đồng bào vùng cao nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 rất thất vọng vì cứ mãi chạy theo cơ chế hỗ trợ, tốn công, tốn sức mà hơn 3 năm qua không được nhận đồng hỗ trợ nào. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đề xuất: “Mong các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với địa phương giải bài toán này, giúp người dân tin vào khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước và yên tâm sản xuất”.

Ông Ngô Tấn cho biết đã yêu cầu Chi cục Thủy sản Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My giúp các nông hộ thêm 1 lần nữa làm hồ sơ đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nuôi cá lồng bè theo cơ chế khuyến khích nuôi trồng thủy sản. Khi UBND tỉnh cho chủ trương bằng văn bản rồi thì các nông hộ mới tiếp tục đầu tư lại lồng bè để nuôi cá. Sau đó, các ngành chức năng sẽ tổ chức đi thẩm định rồi tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè. “Phải làm lại từ đầu để khắc phục các vướng mắc. Cơ chế chỉ hỗ trợ 1 lần nên về cơ bản người dân chưa chịu thiệt nhiều, cần làm đúng theo thủ tục để được hỗ trợ trong nay mai” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất cập hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO