Việc giải thể Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và chuyển giao về UBND thị xã Điện Bàn quản lý khiến cho địa phương lúng túng, kèm theo đó là những vướng mắc, bất cập ban đầu.
Việc chuyển giao Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc về cho thị xã quản lý khiến cho địa phương gặp nhiều lúng túng. Ảnh: C.T |
Nhiều bất cập
Quá trình hình thành và phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc góp phần rất lớn trong từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội để đưa Điện Bàn trở thành thị xã. Ngày 23.6.2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2272/QĐ-UBND về giải thể Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và chuyển giao về UBND thị xã Điện Bàn quản lý. Tuy nhiên, do gấp gáp, không có sự chuẩn bị chu đáo cho công tác tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hạ tầng giao thông nơi đây chưa được quy hoạch cụ thể nên các dự án khớp nối thiếu tính liên kết, đồng bộ. Cạnh đó, thoát nước mặt và thoát nước thải chỉ đưa ra giải pháp quy hoạch hệ thống thoát nước đáp ứng tạm thời, cục bộ của từng dự án, chưa chú trọng đến việc khớp nối với mạng lưới thoát nước chung của đô thị. Thực trạng đó khiến khâu quản lý gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra ngập úng cục bộ trên toàn đô thị sau khi các công trình triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời theo yêu cầu của Sở TN-MT, dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị nào cũng phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải (ngoài hệ thống đấu nối chung) nên dự án khó khả thi và quá lãng phí.
Trước đây Ban quản lý dự án đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc tham mưu UBND tỉnh chấp thuận những dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị hay khu du lịch có quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, bị chia cắt bởi các khu dân cư. Ranh giới khu đất được giao lại nằm trên các khu đất trống xen lẫn trong các khu dân cư nhưng các chủ đầu tư không gắn với việc cải tạo, nâng cấp và chỉnh trang dẫn đến chưa đảm bảo tính khớp nối. Về công tác quản lý và thực hiện đầu tư tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND tỉnh chỉ thống nhất thành lập 2 trung tâm trực thuộc ban quản lý trước đây, do đó các hồ sơ, tài liệu, bản vẽ quy hoạch mà thị xã đã tiếp nhận bàn giao không có đơn vị cụ thể tiếp nhận, tiếp tục triển khai quản lý dự án, xúc tiến đầu tư và quản lý chất lượng công trình, tiến độ hoàn thành. Trong khi đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy định thực hiện thủ tục đầu tư, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn Quảng Nam. Theo dự thảo quy định, UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh triển khai một số nhiệm vụ mới trong thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Vì thế, đòi hỏi phải tái cấu trúc một đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp, đảm bảo tham mưu UBND thị xã thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
Tháo gỡ vướng mắc
Để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, bất cập cho địa phương, thị xã Điện Bàn đã kiến nghị UBND tỉnh để giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết, UBND tỉnh cần quan tâm xem xét, thống nhất cho phép UBND thị xã Điện Bàn tổ chức điều chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất 1/2000 giai đoạn II và III (trước đây) tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thành điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 nhằm phù hợp với các quy định hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý cũng như khớp nối của từng dự án tại khu vực. Địa phương cũng kiến nghị giải quyết liên quan đến xây dựng trạm xử lý nước thải; cơ chế xây dựng các tuyến đường trục chính trong khu đô thị. Cạnh đó, thị xã kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép tái cấu trúc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và thương mại - dịch vụ thành Trung tâm Phát triển đô thị và cụm công nghiệp thị xã Điện Bàn. Có như vậy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị tại các địa phương cũng như 9 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn mới đảm bảo thực hiện tốt.
UBND tỉnh đã thống nhất giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của địa phương. Cụ thể, cho rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch 1/2000 giai đoạn II và III. Đối với quy hoạch 1/2000 giai đoạn I, thị xã Điện Bàn xét thấy cần thiết phải điều chỉnh nhằm khớp nối với các quy hoạch tại khu vực, thuận lợi cho công tác quản lý các dự án thì UBND tỉnh thống nhất về nguyên tắc cho phép rà soát để tiến hành cho phù hợp. Sở Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với địa phương trong quá trình này. Trong khi đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã được giao lập hồ sơ, thủ tục xúc tiến, tiếp cận nguồn vốn vay Chính phủ Hungary để thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực ven biển Bắc Hội An. Dự án có đầu tư mạng lưới đường ống thu gom và chuyển tải nước thải khu vực 2 bên sông Cổ Cò thuộc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và trạm xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, UBND thị xã có trách nhiệm liên hệ với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nắm thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ có liên quan. Địa phương cũng phải kiểm tra các dự án đã thỏa thuận nhằm có phương án khớp nối, xử lý nước thải của từng dự án, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.
CÔNG TÚ